Nước Mỹ "lẻ loi" dưới thời Tổng thống Trump?

24/11/2018 15:30 PM | Xã hội

Hình ảnh Tổng thống Trump lẻ loi tại một số sự kiện quốc tế gần đây khiến người ta phải đặt câu hỏi về vị thế hiện nay của nước Mỹ. Phải chăng, Hoa Kỳ đang đánh mất dần vai trò dẫn đầu trước những biến động thời cuộc mà quốc tế đang đối mặt? Và, liệu đây sẽ là thời điểm để sắp xếp lại trật tự địa - chính trị toàn cầu?

Mỹ "cô đơn" trước thế giới

Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump bị các nước chỉ trích trong cuộc họp của các quốc gia G7, thì hình ảnh lẻ loi và cô đơn của ông trong cuộc họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc vào cuối tháng 9, và mới đây là tại buổi lễ tưởng niệm nạn nhân Thế chiến thứ nhất diễn ra ở Pháp, khiến nhiều người không khỏi tiếc nuối về vị thế dẫn đầu một thời của Hoa Kỳ tại các sự kiện.

Với chính sách vì một "Nước Mỹ trên hết" theo cam kết tranh cử trước đây, trong bối cảnh mà sự hội nhập toàn cầu đang mở rộng hơn bao giờ hết, dù được lòng một bộ phận người lao động Mỹ nhưng cách hành xử của Tổng thống Trump lại khiến thế giới muốn quay lưng lại với Hoa Kỳ. Các bài phát biểu của ông Trump tại các sự kiện đều tấn công chủ nghĩa toàn cầu như là một kẻ thù chính trị và đổ lỗi thương mại quốc tế tự do là nguồn gốc của những khó khăn kinh tế tại Mỹ, đồng thời ông cũng không ngừng chỉ trích các quốc gia khác, bao gồm cả những đồng minh lâu năm.

Không chỉ dừng lại ở lời nói, ông Trump đã châm ngòi cho các tranh chấp thương mại, nghi ngờ các liên minh truyền thống ở phương Tây như NATO và rút Hoa Kỳ khỏi các hiệp định toàn cầu như Hiệp ước Paris về biến đổi khí hậu, cũng như đơn phương chấm dứt nhiều thỏa thuận thương mại, vũ khí song phương.

Tại cuộc họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc gần đây, ông Trump đả kích giới doanh nhân Mỹ: "Các lực lượng chống lại chúng tôi ở Washington là những người đã bỏ hàng nghìn tỷ đô la ở nước ngoài, những người đã hy sinh chủ quyền của đất nước, chuyển công việc ra bên ngoài nước Mỹ, chuyển giao tài sản lớn nhất trong lịch sử thế giới. Vào năm 2016, người dân Mỹ đã bỏ phiếu từ chối chủ nghĩa toàn cầu mục nát này. Nay, tôi là Tổng thống Hoa Kỳ, tôi không phải là tổng thống của thế giới".

Dĩ nhiên hầu hết giới lãnh đạo đều luôn đặt lợi ích quốc gia và dân tộc lên trên cùng, nhưng tuyên bố thẳng thừng như ông Trump theo cách phi ngoại giao để khiến nhiều quốc gia ngày càng quay lưng lại với nước Mỹ, khiến hình ảnh của ông Trump tại các sự kiện trở nên lạc lõng. Đơn cử như trong một phiên họp Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc hồi tháng 9, các thành viên thường trực Hội đồng đã phản đối việc nước Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran.

Bất kỳ chính sách sai lầm nào của Mỹ cũng sẽ gây ra sự phản ứng của những nước khác, và vì thế mọi thứ khó có thể diễn tiến như kế hoạch hay tham vọng ban đầu đặt ra. Vị thế ngày càng giảm của Hoa Kỳ lại là cơ hội mở ra cho các cường quốc khác gia tăng sức ảnh hưởng, trong đó có Nga và Trung Quốc.

Chẳng những vậy, các nhà ngoại giao tại Liên Hiệp Quốc cũng phản đối các chính sách khác của Tổng thống Trump thời gian qua. Có lẽ đây là lần đầu tiên trong lịch sử mà nước Mỹ bị cô lập một cách nhất quán về các vấn đề đưa ra tại Liên Hiệp Quốc.

Cơ hội cho các cường quốc khác

Vị thế ngày càng giảm của Hoa Kỳ lại là cơ hội mở ra cho các cường quốc khác gia tăng sức ảnh hưởng, trong đó có Nga và Trung Quốc. Trước việc Mỹ rút khỏi các cam kết ngoại giao toàn cầu, thì Nga dù vẫn đang bị phương Tây cấm vận, nhưng Tổng thống Vladimir Putin vẫn cố gắng thiết lập mối quan hệ và tầm ảnh hưởng lên cả những cựu thù như Israel, Iran, Ả Rập Saudi, Thổ Nhĩ Kỳ, cả phe Taliban ở Afghanistan.

Mỹ từng giữ vai trò là nhà môi giới ngoại giao toàn cầu, nơi mà nhiều nước tìm đến để tư vấn, cầu cạnh giúp sức giải quyết những mâu thuẫn chính trị và quân sự, nhưng giờ đây Nga đang góp mặt vào các cuộc đàm phán ngoại giao quốc tế, từ Syria, Afghanistan đến các vấn đề quốc tế quan trọng khác.

Nhưng nước thụ hưởng lợi ích lớn nhất từ cuộc "rút lui" của Tổng thống Trump lại là Trung Quốc. Theo một quan chức cấp cao của Úc, Trung Quốc đang đổ nguồn vốn khổng lồ để gia tăng sức mạnh quân sự. Úc đã từng là một trong những quốc gia đồng minh dựa vào thế lực của Hoa Kỳ, nhưng nhìn vào Trump hiện nay, họ phải tự hỏi liệu có nên sớm thay đổi.

Tại châu Âu, các nước thân cận với Hoa Kỳ cũng bắt đầu nghi ngờ những chiến lược của nước Mỹ. Trong buổi họp mặt tại Pháp mới đây, Tổng thống Pháp Macron đã chỉ trích chính sách bảo hộ và chủ nghĩa dân tộc của  Tổng thống Trump. Ông cũng cho rằng, tại thời điểm mà Mỹ đang ngày càng trở thành một đồng minh ít tin cậy hơn, thì "Chúng ta cần phải có quân đội châu Âu để bảo vệ chính mình trước Trung Quốc, Nga và thậm chí cả Hoa Kỳ".

Quan điểm của ông Macron đã vấp phải chỉ trích của ông Trump, tuy nhiên cả Thủ tướng Đức Merkel cũng cho rằng "một quân đội châu Âu chung sẽ cho thế giới biết rằng sẽ không bao giờ có chiến tranh ở châu Âu nữa". Trong khi đó, mối quan hệ giữa Mỹ và NATO từ ngày ông Trump nhậm chức đã liên tiếp gặp phải sóng gió, khi ông nhiều lần lên tiếng sẽ không tài trợ chi phí quốc phòng cho các quốc gia khác.

Dù châu Âu có cố gắng cải thiện mối quan hệ, nhưng cuối cùng phải nhận ra rằng Hoa Kỳ không còn là người bảo vệ đáng tin cậy nữa. Người châu Âu phải chịu trách nhiệm lớn hơn cho việc phòng thủ của họ, và cần ít phụ thuộc hơn vào một NATO do Mỹ lãnh đạo. Mọi thứ đã thay đổi đến chóng mặt, nếu người Mỹ không cần thế giới thì thế giới cũng sẽ thôi chìa bàn tay về phía Hoa Kỳ.

Theo Lê Phan

Cùng chuyên mục
XEM