Nước Mỹ "đau đầu" vì nạn béo phì, người dân biết fast-food nhiều calo nhưng nhu cầu vẫn cao

26/07/2020 13:30 PM | Sống

Việc các nhà chức trách Mỹ yêu cầu niêm yết rõ ràng lượng calo lên bao bì thực phẩm để khuyến cáo người dân trước khi sử dụng không hoàn toàn hiệu quả. Và nó cũng là nguyên nhân khiến tỉ lệ béo phì của mỹ được các chuyên gia miêu tả là "dựng đứng" trong suốt 50 năm qua.

Tại Mỹ, tất cả các hãng sản xuất và cung ứng thực phẩm đều phải tuân thủ việc ghi rõ thành phần, nguyên liệu, lượng calo có trong từng sản phẩm mà họ cung cấp tới tay người tiêu dùng.

Tuy nhiên, một nghiên cứu được công bố gần đây đã chỉ ra rằng việc làm trên là hoàn toàn thừa thãi. Ban đầu, mục đích của việc ghi thông tin chi tiết lên bao bì sản phẩm là để giúp người tiêu dùng biết được lượng calo mà mình nạp vào cơ thể khi quyết định sử dụng loại đồ ăn này. Từ đó, người tiêu dùng sẽ cân nhắc hơn khi lựa chọn các món ăn có nhiều calo, có thể gây béo phì hay các bệnh lý khác mà nhiều người dân Mỹ đang mắc phải.

Thế nhưng theo thống kê thì việc ghi rõ thông tin định lượng calo trên bao bì đồ ăn nhanh chỉ gây suy giảm nhẹ tới sức mua của mặt hàng này tại Mỹ. Đó là chưa kể tới việc tác động này chỉ trong ngắn hạn và chỉ có thể kéo dài trên dưới một năm.

Các nhà nghiên cứu đã thu thập dữ liệu từ gần 50 triệu thực đơn được mua tại 104 địa điểm của một thương hiệu đồ ăn nhanh nhượng quyền với ba chuỗi cửa hàng ở Louisiana, Texas và Mississippi từ tháng 4 năm 2015 tới năm 2018.

Trong năm cuối của giai đoạn nghiên cứu nêu trên, lượng calo của từng món fast-food đã được ghi rõ lên bao bì.

Nước Mỹ đau đầu vì nạn béo phì, người dân biết fast-food nhiều calo nhưng nhu cầu vẫn cao - Ảnh 1.

Vài tháng sau, khách hàng đã mua ít hơn trung bình 60 calo so với trước khi không ghi rõ lượng calo lên bao bì sản phẩm. Đáng chú ý, khoảng 40 trong số calo giảm này là từ các món ăn phụ (bao gồm cả món tráng miệng).

Nhưng sau một năm, con số thống kê nêu trên giảm chỉ còn 23 calo thay vì 60 calo của vài tháng sau khi áp dụng cách ghi lượng calo lên bao bì sản phẩm.

Xu hướng ban đầu có thể do khách hàng phản ứng giảm trong ngắn hạn nhưng dần dần họ không còn để ý đến chúng nữa, mọi chuyện đâu lại vào đấy.

Hai lý do khác có thể giải thích là khách hàng quyết định mua các món ăn lành mạnh hơn với lượng calo tương tự; hoặc các nhà hàng bắt đầu điều chỉnh công thức nấu ăn của họ, cung cấp lượng calo thấp hơn.

Nhà nghiên cứu Joshua Petimar cho biết họ đã không kiểm chứng hai lý do trên.

"Điều này cho chúng ta thấy việc chỉ bổ sung thông tin lượng calo vào menu không phải là giải pháp." Amelia Lake, một chuyên gia dinh dưỡng và giáo sư về dinh dưỡng y tế công cộng tại Đại học Teesside (Anh) cho hay.

"Béo phì là một căn bệnh phức tạp, do đó cần cách tiếp cận từ nhiều mặt để giải quyết nó."

Các tác giả của nghiên cứu được công bố trên tạp chí BMJ cho biết mặc dù lượng calo giảm chưa nhiều, nhưng nó vẫn có thể giúp người trưởng thành giảm khoảng nửa cân trong vòng ba năm.

"Mặc dù kết quả của nghiên cứu này có thể gây thất vọng cho một số người, nhưng những thay đổi nhỏ về lượng calo hấp thụ vẫn có thể tác động lớn tới cấp độ dân số", ngài Asha Kaur thuộc Trung tâm tiếp cận dân số về phòng chống bệnh không lây nhiễm tại Đại học Oxford viết trong bài xã luận.

Nước Mỹ đau đầu vì nạn béo phì, người dân biết fast-food nhiều calo nhưng nhu cầu vẫn cao - Ảnh 2.

Như vậy, có thể thấy rằng việc các nhà chức trách Mỹ yêu cầu niêm yết rõ ràng lượng calo lên bao bì thực phẩm để khuyến cáo người dân trước khi sử dụng không hoàn toàn hiệu quả. Và nó cũng là nguyên nhân khiến tỉ lệ béo phì của mỹ được các chuyên gia miêu tả là "dựng đứng" trong suốt 50 năm qua.

Theo thống kê, 47% người Mỹ gốc La tinh béo phì, so với 46,8% người da đen, 37,9% người da trắng và 12,7% người gốc Á. Tỉ lệ này vẫn tăng theo hàng năm mặc cho chính phủ thi hành nhiều biện pháp từ niêm yết thông tin sản phẩm, khuyến cáo, cho tới tăng thuế tiêu thụ với các mặt hàng thực phẩm chứa đường.

Hải Đăng

Cùng chuyên mục
XEM