Nước mặt sông Đuống 'chen ngang' các vùng quy hoạch cấp nước cũ

21/11/2019 14:21 PM | Xã hội

Thay vì phục vụ các vùng “trắng” nước sạch của thành phố theo quy hoạch, đơn vị cung cấp nước sạch sông Đuống lại “thỏa thuận ngầm” để bán nước cho các khu vực chung cư - vốn đang ổn định theo mạng của thành phố.

Mới đây, một sự việc “hy hữu” đã xảy ra tại điểm đầu đường Nguyễn Văn Linh (phường Gia Thụy, quận Long Biên), đối diện Trung tâm thương mại Savico MegaMall. Một đường ống nước xảy ra sự cố, bị rò rỉ nước lên bề mặt đường tạo thành những vũng nước lớn. Tuy nhiên, không đơn vị nào nhận đường ống nước này là của mình.

Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện Cty CP nước mặt sông Đuống cho biết, đây không phải đường ống trong hệ thống của doanh nghiệp. Đại diện Cty CP nước sạch số 2 Hà Nội cũng khẳng định: Cty đã cho kiểm tra kỹ càng và đường ống vỡ không thuộc hệ thống ống của nước sạch số 2.

 Nước mặt sông Đuống chen ngang các vùng quy hoạch cấp nước cũ  - Ảnh 1.

Nước rò rỉ sùi lên mặt đường Nguyễn Văn Linh nhưng không đơn vị cấp nước nào nhận là ống nước của mình.

Vụ việc khiến cho Trung tâm thương mại Savico MegaMall bị mất nước trong nhiều ngày. Theo đại diện đơn vị, phía Trung tâm hiện đang ký hợp đồng mua nước của Cty CP nước sạch số 2 Hà Nội nhưng lại dùng nước của Cty CP sông Đuống (?!)

Đáng chú ý, tại Quyết định chủ trương đầu tư 3846/QĐ-UBND thành phố Hà Nội ngày 24/6/2017 về phát triển mạng lưới của Cty CP sông Đuống, bao gồm: các xã thuộc huyện Sóc Sơn (18 xã); Đông Anh (9 xã); Gia Lâm (5 xã). Không có phát triển mạng lưới phân phối nước sạch cho địa bàn quận Long Biên.

Thực tế, đơn vị này đã thi công, lắp đặt các đường ống cấp nước cho Cty CP Savico, Khu công nghiệp Hà Nội – Đài Tư và một số khu vực khác của quận Long Biên theo đường ống truyền dẫn DN800 dọc Quốc lộ 5.

Đây không phải lần đầu việc làm ống “chui” của Cty CP nước mặt sông Đuống bị phát hiện. Trước đó, hàng trăm cư dân khu đô thị Đại Thanh (huyện Thanh Trì) đã phản ánh việc Ban quản lý tòa nhà không hỏi ý kiến cư dân khi tiến hành thi công thay đổi đơn vị cấp nước. Cụ thể, 6 tòa nhà tại Khu đô thị này sẽ thay đổi từ nguồn nước sông Đà sang dùng nước mặt sông Đuống.

Đánh giá tại thời điểm đó, cơ quan chức năng cho biết: “Khi chưa trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch cung cấp, phát triển vùng phục vụ nhưng đã tiến hành ký thỏa thuận và đào đường, lắp đường ống bán nước là hoàn toàn trái quy định”.

Thay vì phục vụ các vùng “trắng” nước sạch của thành phố theo quy hoạch, đơn vị cung cấp nước sạch sông Đuống lại “thỏa thuận ngầm” để bán nước cho các khu vực chung cư - vốn đang ổn định theo mạng của thành phố.

Đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, có tình trạng cấp nước không phù hợp với kế hoạch phát triển cấp nước của Công ty CP sông Đuống. Riêng việc này, Thanh tra Sở Xây dựng đã ban hành một số Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Cty này. Việc đấu nối vào khu vực đang có đơn vị cấp nước phải có sự phối hợp, thống nhất giữa các bên, đảm bảo khớp nối đồng bộ, tránh chồng chéo lãng phí.

Chất lượng ống có đảm bảo?

Chất lượng đường ống, cũng như chất lượng nhà máy sông Đuống cũng đang làm “nóng” dư luận trong cả tháng nay. Bởi nhà máy nước sạch sông Đuống vận hành cung cấp nước cho người dân từ 9/2019 nhưng chưa được các cơ quan chức năng của Bộ Xây dựng hoàn thành nghiệm thu.

Trước đó, vào ngày 3/6/2019, xe container mang biển kiểm soát 15C - 044.77 xảy ra sự cố sập hố, đè vỡ đường ống nước DN400 của Nhà máy nước mặt sông Đuống đoạn chân cầu vượt Phú Thụy (Gia Lâm, Hà Nội).

Nhà máy nước sông Đuống sử dụng đường ống của Công ty Xinxing (Trung Quốc), vật liệu được đoàn chuyên gia tổ chức lựa chọn đánh giá các nhà cung cấp (ống Gang, ống Thép, ống HDPE, bê tông lòng thép) trên cơ sở các tiêu chí về kỹ thuật. Đây là doanh nghiệp mà năm 2016 đã trúng thầu cung cấp ống nước cho đường ống nước sông Đà nhưng bị Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo dừng ký hợp đồng với nhà thầu Trung Quốc này.

Hiện nay, trong nước chưa có đơn vị nào sản xuất ống gang dẻo phục vụ cho ngành nước, đặc biệt là loại có đường kính và kích thước lớn, do đó, nếu lựa chọn ống gang dẻo thì phải nhập khẩu từ thị trường bên ngoài. Trên thực tế, với giá thành ống nước của nhà thầu Trung Quốc thường rẻ hơn từ 10- 30% so với sản phẩm cùng loại của một số quốc gia khác nên thường thắng thầu trong nhiều gói thầu mua sắm thiết bị.

Theo Trần Hoàng

Cùng chuyên mục
XEM