Nước giải khát vỉa hè: Coi chừng vạ từ miệng

11/06/2016 09:40 AM | Sống

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, đa phần thức uống lề đường không được kiểm soát về chất lượng, người bán sử dụng nguyên liệu không có nguồn gốc rõ ràng, hóa chất cấm hoặc không dùng trong thực phẩm.

Giải khát vỉa hè vẫn hái ra tiền

Thời tiết nắng nóng, có những hôm nhiệt độ lên tới 40 độ C, giờ tan tầm, khắp các vỉa hè Hà Nội, hay các điểm có không gian thoáng như khu vực trước sân vận động Mỹ Đình, Ngã Tư Sở, Hoàng Quốc Việt,.. hay trước cổng công viên Nghĩa Đô, Hòa Bình, gần cổng các khu sinh viên, trường đại học, quán giải khát vỉa hè mọc lên như nấm, với mức giá bình dân.

Nhìn cảnh chế biến sát vỉa hè - nơi đông xe cộ qua lại, bị ảnh hưởng rất nhiều của khói bụi - nhiều người đều không khỏi rùng mình. Thế nhưng, khách hàng vẫn vô tư thưởng thức đồ giải khát.

Có thể thấy, mía được róc vỏ sẵn, phơi bên lề đường mù mịt bụi, ruồi nhặng bâu bám, cốc chỉ được tráng qua loa trong chậu nước được dùng đi dùng lại. Trong khi đó, bản thân chủ hàng cứ tay không mà làm hàng. Nên một cốc nước mía được bán với giá trung bình 10.000 đồng, thậm chí còn có giá rẻ... giật mình: 6.000 đồng.

Người dân cũng có xu hướng tìm đến các loại đồ uống được cho là “tự nhiên”, tươi sạch. Các thức uống dân dã như nước ngô, nước vối mùa này đặc biệt được ưa chuộng.

Đây được xem là dịch vụ “hái ra tiền” trong những ngày nắng nóng khi lượng khách tăng đột biến. Nhiều quán nước chè, nước mía… “di động” với ưu điểm giá rẻ luôn tấp nập người mua. Các quán hàng có thuê mặt bằng cũng luôn kín chỗ. Thời tiết oi bức, nhu cầu giải nhiệt của người dân cao, mức thu nhập của các chủ quán nước gấp 3 lần so với các mùa khác trong năm.

Phóng to

Nước mía được pha chế trong môi trường mất vệ sinh.

Ngoài các đồ uống bình dân sẵn có, gần đây các thức uống có phần “sang chảnh” hơn cũng đổ bộ xuống vỉa hè (trà sữa, trà xanh – đỏ Thái, …). Tuy nhiên, vẫn chưa có đơn vị hay cơ quan nào giám định, xác minh được các loại đồ uống mới này có đủ sạch và an toàn hay không. Thậm chí, độ an toàn của các loại thức uống như nước mía, nước vối cũng chưa có câu trả lời. Trong khi đợi được kết luận cụ thể, các đồ uống này vẫn là “vua đồ uống” trong thị trường giải khát vỉa hè trong những ngày oi bức.

Báo động hơn cả với người lớn, nguy cơ ngộ độc thực phẩm, nước giải khát mùa nắng nóng với trẻ em là cực kỳ khôn lường. Nguy cơ này chủ yếu đến từ các quán hàng, xe bán hàng lưu động ở vỉa hè dọc các cổng trường.

Những chiếc xe nhỏ gồng gánh đủ các loại, nào là nước sâm, si rô bảy màu, trà sữa, trà đào rồi đến đá bào, chanh muối, đậu nành, nước tắc… được đựng trong các chai thủy tinh đã cũ, xỉn màu lem luốc. Bên cạnh, các hũ đựng hạt trân châu, thạch trái cây… đủ màu xanh, đỏ, vàng, tím không hề che đậy, phơi bày cả ngày dưới nắng gió bụi đường.

Sau mỗi tiết học, học sinh lại ùa ra, vây quanh các xe này để giải tỏa cơn khát. Người bán múc vội mớ hạt trân châu, đồng thời dùng tay trần bốc đá cho vào cốc nhựa. Tiếp đó mở tủ gầm xe xách lên một thùng trà sữa năm lít đã pha sẵn rót đầy vào các cốc. Lũ trẻ cười tít mắt đón cốc nước từ tay người bán, hút rồn rột mà chẳng hề có ý niệm đến vệ sinh, đến các nguy cơ dịch bệnh đang đi vào cơ thể.

Phóng to

Những bịch nước giải khát pha sẵn đựng trong túi nilon và ẩn họa từ chất tao hương.

Chất tạo hương trong nước giải khát... lên ngôi!

Thông tin trên báo Sức khỏe Đời sống, trên các tuyến đường Giải Phóng (khu vực gần cổng BV Bạch Mai) hay trên các tuyến đường Bưởi - Lạc Long Quân; đường Thanh Niên; Giảng Võ - Nguyễn Chí Thanh... hầu hết các quán giải khát vỉa hè đều bày bán nhiều loại nước đóng trong chai nhựa nhỏ có màu sắc lòe loẹt.

Đặc biệt, tại các quán có trưng biển giải khát bốn mùa, khách vào uống nước được người bán hàng pha chế bất kỳ loại nước hoa quả nào mà khách muốn. Chủ hàng cam đoan tất cả những loại nước hoa quả này đều chế từ hoa quả... tươi.

Cũng theo khảo sát của PV, những loại nước giải khát kiểu này đều có giá rất rẻ: nước dừa tươi 10.000/cốc (trong khi đó dừa tươi được bán 20.000 - 25.000 đồng/quả); sâm lạnh, rong biển 5.000 - 6.000 đồng/cốc; cam ép, siro các loại giá 15.000/cốc.

Theo một chủ cửa hàng trên phố Hàng Buồm - Hà Nội (chuyên bán hương liệu giải khát), sức tiêu thụ mặt hàng này trong mấy ngày nóng vừa qua tăng đột biến. Trên tủ, kệ bán, có đầy đủ các dạng từ bột đến chất lỏng: chất tạo màu, hương trái cây với đủ hương vị: dưa hấu, xoài, mãng cầu, đào, chanh leo... Mỗi loại đều được để trong chai, can lớn, có những chai không nhãn mác, chủ hiệu tự ghi tên để phân biệt với các loại khác. Theo quan sát từ mác giấy ghi trên 1 can lớn tại cửa hàng này cho thấy, đây là dung dịch hương liệu nhài, bán với giá 150.000 đồng/100ml.

Trong khu chợ Đồng Xuân, các loại bột không nhãn mác, đủ màu sắc để làm trà sữa cũng được bày bán rất niều. Mỗi gói bột được gói trong những túi nilon, bên trên chỉ có tên các loại hoa quả được chủ quán viết tương ứng với các màu: xanh là táo, vàng là xoài, đỏ là dưa hấu... Ngoài ra, không có bất kỳ thông tin gì về nhà sản xuất cũng như hạn sử dụng.

Trung tá Nguyễn Văn Phác, cán bộ Đội 6, Phòng Cảnh sát môi trường - Công an TP Hà Nội cho biết, hàng hóa được bày bán tại khu vực này chủ yếu là hàng không rõ nguồn gốc, không nhãn mác. Trong số hàng bị lực lượng chức năng phát hiện, thu giữ, tập trung chủ yếu vào nhóm mặt hàng hương liệu, nguyên liệu, sản phẩm đóng hộp như ca cao, nước cốt dừa, thạch rau câu.

Theo kết quả test thu được từ những mẫu loại nước hoa quả, sinh tố dùng hương liệu, hóa chất để chế biến hầu như có hàm lượng dinh dưỡng rất thấp. Nước trái cây nguyên chất chỉ cần để một vài giờ sẽ lắng xuống làm cho nước trong hơn, còn nếu nước sử dụng chất hóa học thì luôn bị đục, kể cả khi đã để vài ngày.

Khi đưa vào cơ thể người, nước trái cây tự nhiên sẽ phân hủy nhanh, cải thiện sức khỏe đáng kể. Còn những loại nước hoa quả, sinh tố dùng hương liệu, hóa chất để chế biến phân hủy chậm và nếu sử dụng thường xuyên, lâu dài sẽ gây hại đến sức khỏe.

Bên cạnh đó, nếu trong nước hương liệu sử dụng loại nhũ hóa độc hại, không được cơ quan y tế cho phép hoặc dùng quá liều lượng sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và tính mạng người sử dụng.

Phóng to

Đa phần thức uống lề đường không được kiểm soát về chất lượng, người bán sử dụng nguyên liệu không có nguồn gốc rõ ràng...

Ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, đa phần thức uống lề đường không được kiểm soát về chất lượng, người bán sử dụng nguyên liệu không có nguồn gốc rõ ràng, hóa chất cấm hoặc không dùng trong thực phẩm.Thường các chất tạo màu, tạo mùi dùng trong công nghiệp chứa nhiều tạp chất và kim loại nặng, khi dùng trong thức ăn, thức uống sẽ tích tụ trong cơ thể, lâu ngày gây ngộ độc mãn tính và có thể dẫn đến ung thư. Với các loại nước pha chế từ đường hóa học là không có dinh dưỡng, không tạo calo, năng lượng...

Các loại nước giải khát mùa hè không chỉ mang đến nguy cơ ngộ độc thực phẩm tức thì, mà còn ảnh hưởng một cách lâu dài đến sức khỏe. Các loại hóa chất tạo màu, tạo mùi dùng pha chế nước giải khát mùa hè là hóa chất dùng trong công nghiệp chứa nhiều tạp chất và kim loại nặng. Nếu cơ thể tích tụ lâu ngày sẽ gây ngộ độc mãn tính và là nguyên nhân gây ra nhiều căn bệnh hiểm nghèo cho người sử dụng.

PGS.TS. Phan Thị Sửu, Giám đốc Trung tâm kỹ thuật an toàn vệ sinh thực phẩm, Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam.

Đã gọi là đồ uống vỉa hè thì chắc chắn không thể sạch. Chỉ nói riêng về món nước mía, thậm chí cả những điểm bán nước mía được treo bảng “ nước mía siêu sạch” mà nhiều người lựa chọn để giải nhiệt cũng không thể nói là sạch được. Đơn giản như mía sau khi được cạo sạch lớp vỏ ngoài, rồi đựng cho vào một cái xô hoặc dựng vào một chỗ nào đó mà không có bất kỳ cái gì để che đậy.

Đương nhiên xe cộ đi lại bắn tung bụi bẩn, khói xe độc hại sẽ bám vào từng khúc mía. Đó là chưa nói đến việc trong quá trình ép mía cũng thực hiện giữa thanh thiên bạch nhật chẳng có gì che phủ máy ép nên nếu ai nói rằng nước mía được sản xuất trong điều kiện, môi trường như vậy mà gọi là sạch thì rõ ràng người ta đã quá lạm dụng từ sạch, đánh lừa người tiêu dùng.

Thành phần không thể thiếu cho nước mía là đá cũng chưa chắc chắn là đá sạch vì biết đâu nước để làm đá lại không phải là nước sạch. Còn với các loại nước trái cây khác từ nước mơ, nước dâu, nước sấu, chè đỗ đen, hay cả nước nhân trần, trà đá cũng đừng nghĩ rằng đã sạch vì môi trường không khí nhiều bụi bẩn, cộng với lượng xe cộ, người qua lại thường xuyên trong khi các hàng quán này nằm ngay vỉa hè thì không thể không tránh khỏi bụi bẩn.

Với các loại nước ngọt vỉa hè, với mục đích làm tăng lợi nhuận có thể người ta dùng các loại đường hóa học để pha chế. Chẳng hạn đường hóa học Acesulfame kali, Sucralose, Aspartame, hay Saccharin dù được cho phép sử dụng nhưng cũng chỉ ở một ngưỡng nhất định.

Tuy nhiên nhiều cở sở kinh doanh thấy rằng loại đường này giúp tạo độ ngọt gấp hàng trăm lần trong khi giá thành so với đường mía thấp hơn nhiều nên người ta sẵn sàng sử dụng để mang lại lợi nhuận cao hơn, bất chấp sức khỏe và tính mạng của người tiêu dùng. Hơn nữa nhiều người còn nghĩ rằng, đồ uống vỉa hè cũng không phải là thức uống thường xuyên nên vẫn vô tư sử dụng.

Ngoài ra với loại đường hóa học Sodium cyclamate - đây là chất không có trong danh mục các chất phụ gia thực phẩm được phép sử dụng ở Việt Nam. Chất này đã được tìm thấy trong ô mai, xí muội, ảnh hưởng xấu đến gan, thận thậm chí gây ung thư nhưng không loại trừ người ta vẫn sử dụng cho các loại thực phẩm khác.

Với các loại nước pha chế từ các loại đường hóa học, những thứ này không có dinh dưỡng không tạo calo, năng lượng... Nếu trẻ em uống những sản phẩm này chắc chắn không làm bổ béo cho cơ thể mà còn có nguy cơ gây bệnh tật cho cơ thể.

Ngoài ra hiện nay rất nhiều loại nước uống có nhiều màu sắc quá đậm và có trường hợp dùng nhầm phẩm màu công nghiệp. Chính vì thế cách tốt nhất là không nên lựa chọn những sản phẩm nước uống có màu sắc quá lòe loẹt, bởi vì kể cả những phẩm màu cho phép cũng không bổ ích gì cho sức khỏe.

Thường gặp nhất đó là các bệnh lý về đường tiêu hóa như: đau bụng, tiêu chảy. Thực tế có những vụ ngộ độc thực phẩm do thực phẩm vỉa hè nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong, đó là chưa kể việc các loại hóa chất không rõ nguồn gốc, thậm chí độc hại cho sức khỏe người sử dụng về lâu dài có thể dẫn tới ung thư.

Theo thống kê của Chương trình phòng chống ung thư quốc gia, 35%- 40% bệnh ung thư có nguyên nhân do dùng thực phẩm không an toàn.

Theo Ngọc Anh

Cùng chuyên mục
XEM