Nữ tỉ phú đô la Mỹ đầu tiên của Việt Nam: Khởi nghiệp ở Nga, kiếm 1 triệu USD khi mới 21 tuổi

26/03/2016 10:01 AM | Kinh doanh

Khi mới chỉ là cô sinh viên năm thứ 2 chuyên ngành tài chính ở Moscow, bà Thảo đã dấn thân vào sự nghiệp kinh doanh với đủ thứ nghề. 3 năm sau, khi mới 21 tuổi, bà đã kiếm được 1 triệu USD nhờ bán máy fax và nhựa cao su.

Thông tin bà Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO VietJet Air sắp có tài sản ròng lên tới 1 tỷ USD được rất nhiều người quan tâm những ngày qua. Đây là lần đầu tiên Việt Nam ghi nhận một tỷ phú đô la Mỹ. Đặc biệt, bà Nguyễn Thị Phương Thảo ở độ tuổi còn rất trẻ, 45 tuổi.

Sở hữu khối tài sản khổng lồ như thế song ít ai biết rằng, thời gian sống và học tập ở Nga, bà Thảo đã phải khởi nghiệp bằng... niềm tin.

Năm 1998, khi ấy còn là cô sinh viên năm thứ hai, chuyên ngành tài chính ở Moscow, bà Thảo đã dân thân vào sự nghiệp đi buôn bằng đủ thứ nghề.

Vì số vốn chẳng có nhiều, kinh nghiệm cũng bắt đầu từ số 0, thế nên, bà Thảo bắt đầu bằng cách lấy quần áo, văn phòng phẩm từ đất nước Nhật Bản, Hồng Kông, Hàn Quốc... Sau đó mang bán lại cho người dân Nga tiêu dùng.

“Tôi đã làm việc cật lực và có được lòng tin của các nhà cung cấp vì luôn luôn trung thực với họ. Tôi không có nhiều tiền vốn nhưng nhờ sự tin tưởng họ đã cho phép tôi nhận hàng trả chậm ngày càng nhiều hơn.”, bà Thảo chia sẻ.

Với số vốn nhỏ tích cóp từ tiền lãi đi bán quần áo, bà Thảo chuyển sang bán máy fax và nhựa cao su. 3 năm sau đó, khi mới 21 tuổi, bà Thảo đã kiếm được 1 triệu USD.

Cứ như thế, bà Thảo tiếp tục mở rộng sang kinh doanh những mặt hàng công nghiệp như sắt thép, máy móc, phân bón và một số loại hàng hóa khác...

Rồi cũng giống như nhiều “đại gia” khởi nghiệp ở Đông Âu, khi đã có một số tiền khá lớn trong tay, năm 2000, bà Thảo cùng chồng quyết định quay về thị trường Việt Nam.

Bà đầu tư vào một số ngân hàng tư nhân Việt Nam như VIB, Techcombank rồi sau đó tham gia vào HDBank.

Trên cương vị là Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Quản trị HDBank, bà Thảo tiếp tục để lại dấu ấn thông qua các thương vụ M&A như sáp nhập DaiABank vào HDBank, mua công ty tài chính SGVF, nâng tầm tên tuổi của HDBank lên vị thế mới.

Sự nghiệp của bà Thảo cứ một đường mà thẳng tiến. Sau khi thành công ở lĩnh vực ngân hàng, bà Thảo nộp hồ sơ xin lập hãng hàng không tư nhân VietJet Air, mở tung cánh cửa bước vào thị trường trước đó vốn chỉ có hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines.

Năm 2013, ngành hàng không trong nước cũng như quốc tế chấn động bởi thông tin hãng hàng không tư nhân Việt Nam VietJet Air bỏ ra hơn 9 tỷ USD để thuê, mua 100 máy bay Airbus.

Hợp đồng mua bán này gồm 63 chiếc, trong đó có 42 chiếc A320neo, 14 A320ceo và 7 A321ceo, cộng với quyền mua thêm 30 tàu bay và thuê 7 chiếc tàu bay Airbus khác.

Đặc biệt, VietJet còn được hàng không thế giới biết đến với đội ngũ tiếp viên trẻ trung và hấp dẫn khi mặc bikini trong các chuyến bay khai trương có điểm đến là các vùng biển.

Bà Thảo cho rằng đó là một thông điệp truyền đi sự tự tin, khích lệ. “Chúng tôi không bận tâm đến việc mọi người gắn VietJet với hình ảnh bikini vốn trái ngược với hình ảnh áo dài truyền thống. Nếu điều đó khiến mọi người vui vẻ, chúng tôi cũng sẽ cảm thấy vui”, bà Thảo nhấn mạnh.

Mặc dù khá kín tiếng nhưng mới đây, sự thành công và giàu có của bà Thảo đã khiến truyền thông thêm một phen rúng động. Theo tính toán của Bloomberg, nếu VietJet Air IPO, bà Thảo sẽ có tổng tài sản hơn 1 tỷ USD.

Phần lớn tài sản của bà Thảo tới từ cổ phần tại Vietjet và khu bất động sản rộng 65 hecta Dragon City ở TP Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, người phụ nữ quyền lực này nói rằng “Tôi không bao giờ ngồi và tính toán tài sản của mình”.

“Tôi chỉ tập trung vào việc làm thế nào thúc đẩy tốc độ phát triển của công ty, làm sao để tăng lương cho nhân viên, làm thế nào để Vietjet có thể giành được nhiều thị phần hơn và làm sao để chúng tôi có thể trở thành hãng hàng không số 1”, CEO VietJet Air trả lời Bloomberg.

Tô Mạn

Cùng chuyên mục
XEM