Nữ doanh nhân 20 năm làm nông nghiệp và giao thương với người Trung Quốc: Chúng ta không nên trồng nông sản như Trung Quốc, nhưng nên tận dụng công cụ sản xuất giá rẻ của họ

05/10/2019 08:38 AM | Kinh doanh

Và với chiến lược này, theo bà Nguyễn Thị Thành Thực, những vùng cao nguyên như Tây Nguyên, Đông Bắc và Tây Bắc là những vùng tiềm năng nhất. Nếu trồng rau thay vì trồng lúa trên các ruộng bậc thang để các bạn trẻ đến tác nghiệp chụp ảnh, thu nhập của người dân ở đó sẽ tăng gấp 3.

Với gần 20 năm làm trong ngành nông nghiệp cũng như giao thương với người Trung Quốc, bà Nguyễn Thị Thành Thực là người hiểu hơn ai hết những điểm mạnh – yếu của nông sản Việt, cũng như nỗi cay đắng khi thấy những nông sản của nước mình bị đối tác ‘coi thường’.

Với lòng tự ái của một người con đất Việt và cái nôi nông nghiệp của miền Bắc – Bắc Giang, bà Thực chưa bao giờ nguôi ý định tìm ra chiến lược – giải pháp để nâng tầm nông sản Việt, giúp người nông dân Việt không những thoát nghèo mà còn giàu lên trên chính mảnh đất của mình.

Sau rất nhiều năm chiêm nghiệm cũng như nghiên cứu nền nông sản của các quốc gia hàng đầu trong lĩnh vực này, như Israel hay Trung Quốc, theo bà Thực, để nền nông sản Việt Nam bật lên, trở thành thương hiệu mạnh trên thế giới, chúng ta cần quay về phát triển nền nông nghiệp bản địa – đề cao những giống cây mà chỉ Việt Nam mới có hoặc sản xuất tốt nhất, đồng thời tận dụng công nghệ số để sản xuất - marketing – sale.


Chúng ta không nên trồng sản phẩm nông sản như Trung Quốc vì không thể cạnh tranh lại họ, nhưng nên tận dụng thế mạnh về công cụ sản xuất giá rẻ của họ

"Theo quan điểm của tôi, điểm mạnh nhất của Israel chính là họ làm marketing rất tốt, còn Trung Quốc mới là cường quốc về nông nghiệp thật sự. Những ai cho rằng, nền nông nghiệp Trung Quốc chỉ làm hàng nông sản bình dân thì nên nghĩ lại, vì 60% nông sản nhập vào Nhật Bản có nguồn gốc từ Trung Quốc", bà Nguyễn Thị Thành Thực cho biết.

Sau khi nghiên cứu về đối tác cũng là đối thủ Trung Quốc thông qua tỉnh Sơn Đông – thủ phủ nông nghiệp của Trung Quốc, bà đã rút ra vài kết luận sau: sở dĩ nền nông nghiệp của Sơn Đông phát triển rực rỡ như thế là nhờ sự đầu tư của rất nhiều công ty nước ngoài, nếu các công ty FDI muốn bán bất cứ sản phẩm/dịch vụ/công nghệ gì cho người Trung Quốc, họ sẽ triển khai đầu tiên ở đây.

Bên cạnh đó, ở Sơn Đông có hẳn một hệ sinh thái để bổ trợ cho người nông dân trồng trọt một cách thuận lợi nhất, vừa hiện đại lại vừa rẻ; chính quyền ở đây cũng hỗ trợ những người làm trong chuỗi nông nghiệp một cách tối đa, xe chở nông sản sẽ không bị thu phí cầu đường và hệ thống logistic của họ cũng rất tuyệt vời.

Tại Sơn Đông, hệ thống truy suất nguồn gốc nông sản của họ đã được xây dựng hết sức bài bản, đủ để có thể tích hợp thêm hệ thống truy suất nguồn gốc của nước khác. Nên các thương lái Việt đừng ngạc nhiên khi gần đây người Trung Quốc yêu cầu nông sản Việt muốn xuất khẩu qua họ phải truy xuất được nguồn gốc.

Nữ doanh nhân 20 năm làm nông nghiệp và giao thương với người Trung Quốc: Chúng ta không nên trồng nông sản như Trung Quốc, nhưng nên tận dụng công cụ sản xuất giá rẻ của họ  - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thị Thành Thực đang nhận kỷ niệm chương từ bà Cao Thị Ngọc Dung - Chủ tịch HAWE.

Chưa hết, tại Sơn Đông có một chợ đầu mối nông sản cực lớn mà người ta giao dịch hoàn toàn không dùng tiền mặt, tất cả đều thực hiện online. Nông sản công ty bà Thực bán tại đây, phải 5 ngày sau khi giao dịch mới nhận được tiền. Vì 5 ngày là khoảng thời gian đủ để đưa thực phẩm từ chợ lên bàn ăn, và nếu người tiêu dùng không gặp bất cứ bất trắc nào, thì tiền mới về tài khoản của người bán.

Dù không nói ra, song ý của bà Thực, để có thể bứt phá và không bị nông sản Trung Quốc chèn ép, nền nông sản Việt Nam phải đi con đường khác, đừng trồng những nống sản đang là thế mạnh của Trung Quốc, vì chúng ta không thể cạnh tranh lại, do chi phí sản xuất và logistic của ta cao hơn họ.


Sản xuất tập trung vào nông sản bản địa và áp dụng công nghệ vào sản xuất – kinh doanh – marketing chính là chiến lược khả dĩ nhất

"Chúng ta cần nghiên cứu phát triển giống các loại hạt, rau và thảo dược bản địa có giá trị cao dựa vào ngân hàng giống Việt Nam, sản xuất theo hướng hữu cơ, đi theo hướng chế biến sâu nhằm nâng cao chuỗi giá trị. Hiện tại, ở viện giống và cây trồng của Việt Nam có tới vài trăm loại lúa màu", bà Thực đề nghị.

Hiện tại, Trung Quốc không còn sấy khô nữa mà đã chuyển qua sấy "thăng hoa" theo kỹ thuật mới nhất của thế giới. Thế nên, chúng ta cũng không thể lạc hậu hơn họ. Cũng như thế, những công cụ sản xuất ở Trung Quốc rất rẻ mà lại tốt, nếu so với công cụ từ nhiều nước khác, có khi rẻ hơn tới ½ lần. Ví dụ như những kiểu hệ thống tưới nhỏ giọt, họ tính theo giá nguyên liệu hạt nhựa và thiết kế dựa vào yêu cầu của khách hàng, sau đó tính thêm tiền công mà họ sản xuất.

Bên cạnh đó, chúng ta cần phải ứng dụng thêm công nghệ vào hoạt động sản xuất kinh doanh, như tự động hóa hoàn toàn các quy trình sản xuất đồng thời tham gia vào thương mại điện tử quốc nội và xuyên biên giới; kết hợp thêm du lịch.

Hiện tại, để một nông sản từ vườn của người nông dân Việt Nam đến tay người tiêu dùng Trung Quốc theo đường tiểu ngạch, chúng phải trải qua 12 bước và rất nhiều khâu trung gian. Theo đó, giá cả của nông sản Việt không chỉ đội giá lên quá cao mà chất lượng lại còn sụt giảm do hư hại trong quá trình vận chuyển. Nếu nông sản Việt có truy suất nguồn gốc rõ ràng và đi theo đường chính ngạch hoặc thương mại điện tử xuyên biến giới, chắc chắn mọi chuyện sẽ khác.

"Nếu theo đúng chiến lược đó, thì rõ ràng là nông nghiệp vùng cao, như Tây Nguyên, Đông Bắc và Tây Bắc có tiềm năng rất lớn. Thứ nhất là thổ nhưỡng và khí hậu ở những vùng đó rất tuyệt vời, phù hợp với rất nhiều loại cây trồng bản địa có giá trị cao. Thứ hai, đất đai ở những vùng đó chưa bị ô nhiễm. Thứ ba, vì nằm ngay cửa ngõ biên giới nên hoạt động xuất khẩu sẽ rất thuận lợi.

Nếu người dân ở Tây Bắc và Đông Bắc thay vì trồng lúa ở các ruộng bậc thang bằng trồng rau đặc sản của mình, thu hoạch của người dân sẽ tăng gấp 3", bà Thành Thực khẳng định.

Quỳnh Như

Cùng chuyên mục
XEM