img
Nữ đạo diễn xuất sắc nhất IDFA: Thiếu thốn kinh phí, thiết bị nhưng vẫn luôn giàu đam mê - Ảnh 1.

Năm 2013, khi giành giải thưởng Cánh Diều Bạc với bộ phim tài liệu đầu tay "Con đi trường học", Hà Lệ Diễm vẫn chỉ là một đạo diễn non trẻ, được kỳ vọng sẽ phát triển trong tương lai.

Ít ai ngờ rằng, 8 năm sau, tại IDFA -  LHP tài liệu lớn nhất thế giới được tổ chức từ năm 1988, cô gái ấy đã trở thành gương mặt duy nhất của Việt Nam được vinh danh Đạo diễn xuất sắc nhất.

Đứng trên sân khấu lớn để nhận giải, Hà Lệ Diễm chỉ mặc trên người một bộ đồ jeans bình dân. Khoảnh khắc đó chỉ ngắn ngủi vài phút, nhưng lại là dấu ấn không thể nào quên trong cuộc đời cô gái người Tày. Đó không chỉ là vinh quang, mà còn là sự công nhận tuyệt vời nhất cho toàn bộ hành trình gian trở đã qua. 

Nữ đạo diễn xuất sắc nhất IDFA: Thiếu thốn kinh phí, thiết bị nhưng vẫn luôn giàu đam mê - Ảnh 2.

Tại sao chị lại lựa chọn bước chân vào thế giới phim tài liệu? 

Quyết định đó đến với tôi một cách tình cờ. Vào một ngày nọ, các bạn đại học giới thiệu tôi đến với lớp dạy làm phim tài liệu miễn phí tại Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển tài năng điện ảnh (TPD). Đó là lúc tôi bắt đầu biết đến phim tài liệu nhiều hơn và được xem các bộ phim do chính mọi người ở trung tâm sản xuất.

Mãi đến năm 2013, tôi có cơ hội thực hiện bộ phim "Con đi trường học". Đó là bộ phim kể về câu chuyện của một bà mẹ đơn thân người Dao nhiễm HIV, vượt khó khăn để đưa con đi học. 

Suốt thời gian quay phim, tôi nhận ra tình yêu dành cho phim tài liệu của mình. Đó là niềm vui khi ta có cơ hội để gặp gỡ nhiều người, để nói lên sự thật. 

Trên đời, không phải ai cũng có cơ hội được hòa nhập vào môi trường và cuộc sống của một người khác. Nhưng trở thành đạo diễn phim tài liệu khiến tôi được trải nghiệm điều đặc biệt này. Tôi được tự do dành thời gian cho nhân vật để hiểu hết câu chuyện của cuộc đời họ.

Sau khi tốt nghiệp khoa Báo chí, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, tôi cũng có khoảng thời gian xin việc, đi làm như bao người khác. Tuy nhiên, công việc báo chí cho tôi cảm giác luôn phải nhanh chóng, tốc độ, đôi khi còn chẳng có đủ thời gian để đầu tư cho nhân vật. Còn khi làm tài liệu thì có nhiều thời gian hơn, và kể cả lúc chưa đi quay thì tâm trí mình vẫn nghĩ về phim.

Cuối cùng, khi bắt buộc phải đưa ra lựa chọn nghề nghiệp, tôi đã quyết định lắng nghe đam mê của mình. Đó là trở thành đạo diễn phim tài liệu độc lập.

Nữ đạo diễn xuất sắc nhất IDFA: Thiếu thốn kinh phí, thiết bị nhưng vẫn luôn giàu đam mê - Ảnh 3.

Mọi người thường cho rằng, phim tài liệu là một ngành khô khan và kén người xem. Chị nghĩ sao về điều này?

Phim tài liệu không khô khan như mọi người lầm tưởng. Có rất nhiều cách làm phim khác nhau, do đó sẽ tạo ra những sản phẩm mang phong cách đa dạng. Khi có cơ hội được tham dự nhiều LHP (liên hoan phim) khác nhau, tôi từng được xem nhiều thể loại phim tài liệu. Trong đó, không hề thiếu những bộ phim cực kỳ ấn tượng, thậm chí cá nhân tôi còn thấy hấp dẫn hơn cả phim truyện. 

Do đó, nếu mọi người cho rằng phim tài liệu khô khan, đó là do họ chưa tìm được bộ phim đúng phong cách mình yêu thích mà thôi.

Giai đoạn khởi đầu có những khó khăn gì mà chị phải đối mặt? 

Mọi người thường quen với công việc full time, sáng đi tối về. Nhưng bản thân tôi không muốn bị mắc kẹt trong một guồng quay lặp đi lặp lại như vậy. Vì quan điểm khác nhau nên ban đầu, chẳng ai hiểu được tại sao tôi lại lăn lộn đi quay phim tới hàng tháng, hàng năm trời.

Ngay từ đầu, tôi đã hiểu rằng, trở thành đạo diễn độc lập sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn cả về tài chính lẫn kỹ thuật. Chẳng hạn như tôi phải học cách tự cầm máy quay, tự thu âm rồi xử lý âm thanh hiệu quả. Khi thiếu kinh phí thì tôi… đi mượn. Từ máy quay, micro, chân máy và nhiều thứ khác, tôi vẫn tranh thủ mượn của bạn bè xung quanh khi họ rảnh rỗi. Tôi cũng tìm đến các anh chị giảng viên đã dìu dắt mình trước kia để nhờ họ cố vấn phim.

Nhờ sự linh hoạt đó, khi thiếu sót ở một phương diện nào đó, tôi đều may mắn xử lý một cách trót lọt. Khó khăn ở đâu thì tìm cách xử lý ở đó. Vì thế, không phải lúc cũng cần một ekip to, một khoản kinh phí lớn mới có thể làm phim như mọi người vẫn nghĩ.

Nữ đạo diễn xuất sắc nhất IDFA: Thiếu thốn kinh phí, thiết bị nhưng vẫn luôn giàu đam mê - Ảnh 4.

Đâu là cảm hứng, là động lực để chị kiên trì bước tiếp cùng với đam mê như vậy?

Động lực bắt nguồn từ chính những trải nghiệm mà tôi có được trong suốt quá trình tiếp xúc với phim tài liệu. Khi đi quay, tôi luôn chìm vào không gian của chính nhân vật và thấy mình được sống một cuộc đời hoàn toàn khác. Khi xem phim mà mọi người làm ra, tôi lại có cơ hội học hỏi, khám phá thêm nhiều cách quay, cách kể chuyện ấn tượng. Những giá trị ấy khó có thể tìm được ở nơi khác. 

Thông qua một số khóa học, tôi cũng có cơ hội được gặp gỡ và làm quen với nhiều người trẻ. Họ đến từ những quốc gia khác nhau nhưng lại cùng chung một đam mê với mình. Vì là người cùng thế hệ nên tự nhiên tôi cảm thấy: "À, ra là ngoài kia cũng có nhiều người đang làm việc như mình, cũng gặp chung những khó khăn như vậy. Rất nhiều người cũng đang tự bỏ tiền túi, hi sinh thời gian và tâm huyết để mang tới sản phẩm tuyệt vời nhất trong khả năng."

Nhờ cảm giác đó, tôi cảm thấy bản thân không còn đơn độc trong hành trình làm phim. 

Một bộ phim tài liệu của chị thường quay mất nhiều tháng, thậm chí là nhiều năm. Vậy khi phim chưa quay xong, không có thu nhập thì chị làm cách nào để vượt qua? 

Bộ phim dài nhất của tôi được quay và hoàn thiện trong khoảng 4 năm. Nhưng đó chưa là gì hết. Không ít phim tài liệu có thể mất tới 5-6 năm, hoặc thậm chí 10-20 năm. Tất cả đều tùy vào nhân vật và đề tài mà họ theo đuổi. 

Trong khoảng thời gian sản phẩm của mình vẫn đang được "thai nghén", tôi thường nhận một số công việc làm thêm do bạn bè giới thiệu cho. Chẳng hạn như làm clip ngắn, quay các chương trình, quảng cáo… Sau đó tôi sẽ dùng chính khoản tiền ấy để tiếp tục đi quay. 

Đương nhiên, cũng có lúc phải nhờ mọi người xung quanh giúp đỡ về mặt tiền bạc và công sức nữa. (cười) Ngay trong thời điểm đi quay, gia đình của nhân vật đã hỗ trợ rất nhiều. Tôi được ở nhà, ăn cơm gạo của họ mà không mất tiền, chỉ cần mua thêm thức ăn rồi nấu cùng nhau thôi. 

Nếu không có những sự giúp đỡ ấy, chưa chắc tôi đã làm được.

Nữ đạo diễn xuất sắc nhất IDFA: Thiếu thốn kinh phí, thiết bị nhưng vẫn luôn giàu đam mê - Ảnh 5.

"Con đi trường học" là tác phẩm đầu tay, thành công mang tới cho chị giải Cánh Diều Bạc 2013. Chị đã đầu tư công sức cho bộ phim này như thế nào? 

Cũng khó có thể đong đếm chính xác bản thân đã đầu tư như thế nào. Tôi chỉ nhớ bộ phim "Con đi trường học" được quay trong vòng 2 tháng. Hồi đó vẫn đang học năm 3 đại học, tôi cứ tranh thủ cuối tuần là bắt xe đi quay, mất khoảng 5 tiếng/chuyến. 

Mọi người cứ nói nghề của tôi vất vả, khó khăn quá. Nhưng tôi thấy nghề nào mà chẳng có khó khăn. Tôi thế nào thì người khác làm nghề khác cũng thế thôi. Do đó, tôi không đặt nặng chuyện này. Cả tâm trí chỉ tập trung vào bộ phim từng giây từng phút, chứ không suy nghĩ được chuyện khác đâu.

Quan trọng hơn cả, mình làm vì đam mê, vì sở thích nên khó khăn mấy cũng có động lực để bền bỉ vượt qua. 

Nữ đạo diễn xuất sắc nhất IDFA: Thiếu thốn kinh phí, thiết bị nhưng vẫn luôn giàu đam mê - Ảnh 6.

Bộ phim là hành trình vượt khó khăn để đưa con đi học của một bà mẹ đơn thân người Dao nhiễm HIV. Tại sao chị lựa chọn câu chuyện này?

Mỗi khi bắt đầu làm một dự án, bất cứ đạo diễn nào cũng thường phải trả lời được câu hỏi này: "Tôi là ai? Tại sao tôi cần làm về vấn đề này? Tại sao nhân vật này lại quan trọng khiến tôi dành 2-3 năm cuộc đời mình để đi theo họ?" 

Đến cuối cùng, câu trả lời thường sẽ là: Vì câu chuyện đó phản ánh một vấn đề rất quan trọng với bản thân mình. 

Khi đó, nhìn cảnh chị Ngoan (nhân vật trong bộ phim "Con đi trường học" - PV) vất vả cõng con qua suối, tự dưng tôi thấy vô cùng cảm động. Trời mùa đông lạnh lẽo, nước ngập tới gần bắp đùi, buốt giá cả chân nhưng chị vẫn đi như thế tầm 3-4 lượt mỗi ngày. Cảnh tượng ấy khắc sâu vào tâm trí đến mức, 1 năm sau đó, tôi đã quyết định ghi lại câu chuyện này bằng thước phim của mình.

Vậy còn ý tưởng để quay "Những đứa trẻ trong sương", bộ phim giúp chị đoạt giải đạo diễn xuất sắc nhất tại liên hoan phim tài liệu quốc tế IDFA?

Những đứa trẻ trong sương là bộ phim phản ánh sự va chạm, xung đột giữa những giá trị văn hóa truyền thống với hiện đại, những thách thức mà các bé gái người dân tộc thiểu số phải đối mặt trong xã hội. Tôi đã thực hiện trong suốt 4 năm, bắt đầu từ 2017 và đến cuối năm 2021 mới chính thức hoàn thiện. 

Ý tưởng cho bộ phim chỉ đơn giản bắt nguồn từ khoảnh khắc tôi nhìn thấy những đứa trẻ chạy nhảy trên đồi rất vui vẻ. Tôi bất giác hồi tưởng lại thời thơ ấu của mình cũng từng như vậy. Nhưng chẳng biết từ lúc nào, chúng ta dần trưởng thành hơn rồi đánh mất những niềm vui hồn nhiên ấy.

Khi đó, tôi nảy ra ý định làm 1 bộ phim để giữ lại những khoảnh khắc tuổi thơ tươi đẹp. Đồng thời, đó cũng là hành trình đi tìm đáp án cho những câu hỏi khắc khoải tâm trí: Tại sao tuổi thơ lại biến mất? Tại sao mình phải lớn lên? Tại sao phải đối mặt với những vấn đề của người lớn?

Nếu tôi đi theo chân nhân vật, biết đâu sẽ tìm ra được đáp án của mình.

Nữ đạo diễn xuất sắc nhất IDFA: Thiếu thốn kinh phí, thiết bị nhưng vẫn luôn giàu đam mê - Ảnh 7.

Khó khăn khi chị quay bộ phim này là gì?

Khó khăn điều đầu tiên phải nhắc đến chính là vấn đề ngôn ngữ. Vì không biết tiếng Mông nên khi mọi người nói chuyện, tôi chẳng hiểu gì hết. Dù họ cũng cố nói tiếng Việt với mình nhưng chỉ được vài câu, vài chữ mà thôi. Bọn trẻ được đi học tiếng Việt ở trường thì tôi mới giao tiếp nhiều hơn một chút.

May mắn là, bố của Di (nhân vật trong bộ phim - PV) là người làm việc trong một số tổ chức phi chính phủ về buôn bán phụ nữ qua biên giới nên ông nói khá sõi tiếng Việt. Khi muốn tìm hiểu về lịch sử, văn hóa phong tục của người Mông, tôi thường đến hỏi ông ấy.

Nhưng nếu muốn hòa nhập vào cuộc trò chuyện của những người phụ nữ trong làng thì rất khó. Đôi khi, họ muốn kể chuyện gì đó cho tôi nghe nhưng đều không thể nói rõ. Hầu hết thời điểm, tôi cứ bật máy quay cái đã, xong đó vừa quay vừa phán đoán đại khái về nội dung của cuộc trò chuyện.

Một vấn đề khác song hành với đó chính là việc thiếu thốn kinh phí. Sau gần 3 năm rưỡi quay phim trong tình trạng "lơ mơ" như vậy, tôi mới xin được tài trợ để nhờ người tiến hành dịch nháp phim. 

Đặc biệt, một điều khiến tôi ấn tượng nhất chính là thời tiết ở Sa Pa. Nhiệt độ thấp đến mức mình bị "sốc". Chưa kể độ ẩm cũng rất lớn, thường xuyên trên mức 90%, không mưa thì lại sương mù. Điều này không chỉ gây khó cho sinh hoạt hàng ngày, mà quá trình xử lý máy móc cũng là cả một vấn đề.

Nhiều khi tôi phải cầm máy quay ngoài trời, nhưng sương nặng xuống là ướt hết cả người cả máy. Có những hôm nhiều sương quá, tôi cứ một tay quay, một tay cầm ô để che chắn thiết bị, còn phải để ý điều chỉnh thông số, đeo tai nghe nặng trịch để theo dõi âm thanh. Hậu quả là mệt và đau đầu lắm.

Nữ đạo diễn xuất sắc nhất IDFA: Thiếu thốn kinh phí, thiết bị nhưng vẫn luôn giàu đam mê - Ảnh 8.

Muốn nhân vật trải lòng và thoải mái trước ống kính có khó hay không?

Để quay "Những đứa trẻ trong sương", tôi lên núi khoảng 5-6 lần mỗi năm. Mỗi lần, tôi ở lại khoảng 1-2 tuần, thậm chí có khi cả tháng. Thời gian thực sự ghi hình thì không nhiều, chủ yếu là tôi đi ăn đi chơi suốt. Sáng thì cấy lúa, làm ruộng với mọi người, sau đó lại bẻ ngô, chăn trâu với bọn trẻ con. Đến giờ nghỉ thì mọi người quây quần ăn cơm chung. Trong vùng có đám cưới, đám ma nào, mọi người cũng rủ tôi đi cùng luôn.

Nhờ quá trình này, ai cũng cảm thấy thoải mái với tôi hơn. Mỗi lần ghi hình, tôi đều trao đổi ý định của mình với mọi người xung quanh. Nhờ thế, họ còn "tâm lý" tạo điều kiện để tôi quay được những cảnh phim đẹp nhất, tự nhiên nhất. 

Đặc biệt, khi bạn được có mặt trong mọi khoảnh khắc đời sống của mọi người, bạn cũng sẽ hiểu hơn về vùng đất này. Cảm giác của tôi đã không còn giống như một vị khách du lịch dừng chân ghé qua, mà phần nào đó đã trở thành con người đang sống ngay tại nơi này. Ống kính máy quay đã không còn là vấn đề quan trọng nữa.

Nữ đạo diễn xuất sắc nhất IDFA: Thiếu thốn kinh phí, thiết bị nhưng vẫn luôn giàu đam mê - Ảnh 9.

Trở thành một đạo diễn phim tài liệu độc lập có gì khác?

Một trong những thách thức mà người đạo diễn độc lập bắt buộc phải "sống chung" đó chính là tài chính. Kể cả những người thành công, có danh tiếng, đôi khi cũng phải đau đầu vì điều này. Chỉ những bộ phim đã được đặt hàng trước, hoặc có nhà sản xuất lớn đứng đằng sau mới là ngoại lệ.

Việc có xin được kinh phí hay không ảnh hưởng tới việc tôi sẽ tiếp tục quay trong bao lâu, chất lượng của trang thiết bị thế nào, hoặc giai đoạn dịch nháp, làm hậu kỳ, dựng phim có thể tiến hành sớm được không… 

Ở khía cạnh khác, một đạo diễn độc lập như tôi thường phải tự quay hình và thu thanh một mình. Vì máy quay khá nặng và có những hạn chế nhất định nên đôi lúc tôi cũng rơi vào cảnh "tiến thoái lưỡng nan". Chẳng hạn như, nếu muốn quay cận cảnh nhân vật, tôi buộc phải tự "zoom" bằng… đôi chân. Ở một số cảnh quay rộng, không thể di chuyển được thì đành thôi.

Đôi khi, người đạo diễn còn phải đối mặt với khó khăn về mặt tinh thần. Đó là sự bế tắc. Có những thời điểm bản thân tôi chẳng biết phải quay tiếp như thế nào vì các thước phim cứ lặp đi lặp lại với nội dung tương đồng, không có gì mới mẻ. Chị sản xuất cũng khuyên tôi, "Hay là bỏ đi, không làm phim này nữa". 

Những ai lựa chọn chủ đề cuộc sống thường nhật đều sẽ gặp cái khó đó. Đến một thời điểm nhất định, mọi thứ bắt đầu tắc lại, nhiều khi nghĩ muốn "trầm cảm" luôn.

Nữ đạo diễn xuất sắc nhất IDFA: Thiếu thốn kinh phí, thiết bị nhưng vẫn luôn giàu đam mê - Ảnh 10.

Điều gì giúp chị vượt qua khoảnh khắc bế tắc ấy?

May mắn là, khi mình kiên trì bước tiếp thì một cánh cửa mới cũng mở ra. 

Một ngày nọ, cô bé nhân vật bỗng kể cho tôi biết chuyện bạn học cùng lớp của em bị bắt cóc và đem bán qua biên giới. Tôi bắt đầu tìm hiểu về những thách thức mà các bé gái người dân tộc thiểu số phải đối mặt trong xã hội.

Thời điểm đó, tôi lên Sa Pa thường xuyên không chỉ để ghi hình, mà còn để ở bên mọi người nhiều hơn. Di và mấy đứa trẻ con trong vùng đã trở nên thân thiết không khác gì em gái của tôi vậy. Do đó, tôi rất sợ một ngày mình vừa ngủ dậy, mở mắt ra, các em đã biến mất từ lúc nào chẳng biết.

Từ quá trình bắt đầu cho tới nghiệm thu phim, công đoạn nào gây khó cho chị nhất?

Khó thì lúc nào cũng có cái khó, nhưng ly kỳ nhất phải kể đến hành trình đi tìm nhạc cho bộ phim "Những đứa trẻ trong sương". Di rất thích một bài hát của người Mông, và nó rất phù hợp với bộ phim nên tôi quyết định bằng mọi cách tìm tác giả của bài hát để xin bản quyền. 

Tôi tìm ròng rã ở Việt Nam mà không được, sau đó tiếp tục tìm sang Lào, Thái Lan, Campuchia, Trung Quốc, Hoa Kỳ… Thậm chí phải "huy động 500 anh em" tứ phương, "lùng sục" khắp mọi nơi suốt 4 tháng trời.

Cuối cùng, thông qua một cô ca sĩ người Mông rất nổi tiếng ở Thái Lan nhưng hiện đã chuyển sang sống tại Mỹ, chúng tôi mới kết nối được với nhà sản xuất bài hát. Sau khi được xem trailer và hiểu về nội dung, chị ấy đồng ý cho sử dụng nhạc mà không thu bất cứ tiền phí nào vì yêu thích tác phẩm làm về người Mông.

Nữ đạo diễn xuất sắc nhất IDFA: Thiếu thốn kinh phí, thiết bị nhưng vẫn luôn giàu đam mê - Ảnh 11.

Làm đạo diễn độc lập vất vả như vậy, có bao giờ chị cảm thấy mệt mỏi hay chán nản?

Hầu như tôi chỉ mệt về thể chất thôi. Chứ lên trên đó ở với nhân vật thấy vui lắm. Bản thân tôi muốn kể câu chuyện về họ nên lúc nào cũng tò mò, muốn khám phá thêm chứ không chán nản hay mệt mỏi về tinh thần bao giờ.

Chưa kể tới, có không ít khoảnh khắc "dở khóc dở cười" mà đến bây giờ tôi vẫn nhớ như in. Chẳng hạn như một lần nọ, bố mẹ Di rủ tôi đi liên hoan mừng năm mới với mọi người. Buồn cười là lúc ra ngoài rửa tay, không biết tôi đi kiểu gì mà tự ngã ngửa luôn vào vũng bùn ngoài đường, chỗ mấy con lợn hay nằm ấy. Ngã thế nào mà bẩn hết cả người, không tự dậy được luôn. (cười)

Thấy thế, mọi người trong nhà mới hốt hoảng đi ra lôi dậy, rồi xốc nách đưa về. Có lẽ do thấy mình hề quá, mẹ Di cao hứng bắt đầu vừa đi vừa thổi kèn lá. Điệu kèn lá hôm đó cao vút và lảnh lót, như nhảy múa trong từng bước chân.

Khi bộ phim đạt được thành tựu quan trọng tại IDFA, chị cảm thấy như thế nào?

Giải thưởng dành cho đạo diễn xuất sắc năm ấy chính là một khoảnh khắc vô cùng ý nghĩa. Tôi nhớ lại thời điểm ban đầu, mình chỉ làm phim đơn thuần vì sở thích. Có những lúc cũng hoang mang suy nghĩ, không biết bản thân có thực sự phù hợp với công việc này không. 

Đặc biệt, IDFA cũng là tổ chức đã giúp đỡ tôi rất nhiều trên hành trình này. Từ thời điểm 2019, tôi đã được tham gia LHP của họ, chứng kiến cảnh tượng khán giả luôn háo hức ngồi kín rạp để được thưởng thức những bộ phim, dù là phim lớn hay nhỏ, kinh phí ít hay nhiều. Đó chính là môi trường lý tưởng mà bất cứ đạo diễn nào cũng đều hướng tới.

Vì thế, giải thưởng này giống như một sự ghi nhận và khẳng định, giúp tôi tự tin hơn để kiên định với chặng đường phía trước, tiếp tục kể những câu chuyện mà mình ấp ủ trong lòng.

Nữ đạo diễn xuất sắc nhất IDFA: Thiếu thốn kinh phí, thiết bị nhưng vẫn luôn giàu đam mê - Ảnh 12.

Để trở thành một đạo diễn phim tài liệu độc lập, chị nghĩ yếu tố nào là quan trọng nhất?

Đó chính là thích lắng nghe và luôn tò mò. Nếu không lắng nghe, chúng ta không thể hiểu được người khác. Nếu không tò mò, chúng ta sẽ chẳng thể nhìn thấy được những khía cạnh đặc biệt trong những câu chuyện đời thường của cuộc sống. 

Quan trọng không kém đó chính là tinh thần bền bỉ và luôn hết mình với công việc. Khi làm phim, tôi chỉ quan tâm tới việc phải làm sao để kể câu chuyện công bằng nhất dành cho nhân vật. Đồng thời, cần phải truyền tải làm sao để người xem có thể dễ dàng hiểu được. Còn vấn đề phim tốt hay dở, có được đón nhận nhiều hay không, điều đó nên để lại cho khán giả đánh giá. 

Ý chí kiên cường cũng là nhân tố cần thiết để chúng ta "giữ lấy chính mình". Thật ra, khi chứng kiến nhiều mảnh đời khác nhau, bạn sẽ hiểu rằng, chuyện gì cũng có hai mặt. Bên cạnh những khoảnh khắc được hòa nhịp vào cuộc sống mới, tận hưởng những niềm vui mới, tôi cũng phải đối diện với những năng lượng tiêu cực có thể gặp phải. 

Chúng ta không thể hoàn toàn ngăn cách nguồn năng lượng này vì như thế sẽ mất đi sự đồng cảm, khiến bộ phim không được thể hiện toàn vẹn nhất. Nhưng nếu đón nhận nhiều quá, đôi khi cảm xúc giống như một cái van bị mở ra "quá tay", khiến bản thân trở nên không dễ chịu. 

Do đó, tôi bắt buộc phải tự cân bằng nguồn năng lượng bên ngoài bằng chính sự kiên nghị của bản thân.

Xin cảm ơn chị đã dành thời gian chia sẻ!

Trí Thức Trẻ