Nụ cười lạc quan của người miền Tây giữa những ngày hạn hán lịch sử

23/03/2016 09:17 AM | Sống

Những "anh hai Lúa", "chị Tư Mùi" vẫn luôn cười thật tươi dù chuỗi ngày tháng vất vả vẫn còn dài ở phía trước. Đợt hạn hán lịch sử khiến người dân miền Tây lâm vào hoàn cảnh khó khăn, nhưng chưa bao giờ khiến họ mất đi sự lạc quan và niềm tin yêu cuộc sống.

Đợt hạn hán và nhiễm mặn lịch sử đang hoành hành ở miền Tây khiến cuộc sống người dân gặp không ít khó khăn. Thế nhưng trong gian khó, những con người đáng mến nơi đây vẫn luôn cười thật tươi để lạc quan động viên nhau vượt qua những ngày nắng hạn khô cằn trên mảnh đất phù sa.

"Nắng cỡ này thì mình còn... quéo, huống gì mấy cây lúa!"

Đã hơn 5 tháng nay, đồng bằng sông Cửu Long chưa có một cơn mưa. Những ngày này, mỗi lần than thở về trời nắng hạn, người dân lại lấy câu hát quen thuộc này để nói vui với nhau nhằm quên đi cái nắng hạn khắc nghiệt: "Ừ thì, ngày xưa quê em hai mùa mưa nắng, giờ quê em cũng có hai mùa mà là mùa nắng và mùa rất nắng".

Nhìn cảnh những cánh đồng lúa ngày một khô héo dưới cái nắng gay gắt của đợt hạn hán, không người nông dân nào lại không buồn đến thắt tim. Cả một vụ mùa bán mặt cho đất bán lưng cho trời, thế mà giờ đây đành trắng tay. Thế nhưng người nông dân nơi đây luôn biết cách động viên nhau để cùng vượt qua khó khăn hiện tại. Hàng trăm năm nay vẫn như thế, chưa bao giờ họ khuất phục trước thiên nhiên.

Hiện tượng nước biển xâm nhập khiến các con kênh nội đồng đều bị nhiễm mặn. Đồng thời trời nắng hạn khiến nước nhiễm mặn trong các cánh đồng lúa nhanh chóng bốc hơi khô thành muối, nên người nông dân thường đùa với nhau: "Chắc vụ sau chuyển qua làm muối cho mau giàu". Sự hài hước đã thấm sâu vào máu những con người chân quê nơi đây.

Dù có khóc hết nước mắt thì cũng không đủ nước dùng. Vậy thôi hãy cứ cười đi!

Song song với hạn hán là nạn nước biển xâm nhập ngày một nghiêm trọng. Chị em nội trợ ở miền Tây vào thời điểm này vẫn thường phải nấu ăn bằng nước nhiễm mặn. Khó khăn là thế, nhưng các bà các chị vẫn luôn tươi cười, với họ dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng phải học cách "sống chung với lũ". Và vì thế mỗi khi kho cá bằng nước nhiễm mặn thì khỏi cần phải bỏ muối, thật là trong cái khó nó ló cái khôn.

Đợt hạn hán kéo dài, hàng chục ngàn hộ dân ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long lâm vào tình trạng không có nước sạch để sử dụng. Mỗi ngày khi các ông chồng đi làm để lo cho kinh tế gia đình, chị em phụ nữ lại phải lái xe hàng cây số để lấy nước sạch về cho gia đình sinh hoạt. Công việc nặng nhọc là thế, nhưng các chị vẫn lạc quan đùa với nhau để quên đi vất vả. Rồi đây, sau người đẹp Tây Đô sẽ xuất hiện hàng trăm người đẹp "tay đô" không kém phần đằm thắm.

Nước sạch khan hiếm, nguồn nước mưa dự trữ cũng đã cạn từ lâu, đa số các hộ gia đình thường ưu tiên nước ngọt cho việc nấu ăn, còn tắm giặt đều phải tận dụng nước ở các con kênh gần nhà. Tuy nhiên nguồn nước của các con kênh bị nhiễm mặn, nên khi tắm sẽ bị rít và ngứa. Các bà, các mẹ nửa khóc nửa cười khoe: "Hổm rày nhà nuôi nguyên bầy khỉ. Đúng là năm con khỉ".

Thiếu nước sinh hoạt trầm trọng gây ra nhiều phiền toái từ những việc nhỏ như tắm giặt, cho đến việc lớn như làm đám giỗ, đám cưới... đều khiến mọi người lo lắng vì thiếu nước dùng. Thế nên cụ Chín quay sang những những bạn già của mình sảng khoái đùa: "Có chết cũng đợi có nước rồi chết, chứ chết giờ cực con cháu lắm!".

Thiên tai hoành hành, những ngày này, người miền Tây như ngồi trên đống lửa. Nhưng nếu cả ngày chỉ biết buồn rầu lo lắng thì có lẽ mọi chuyện sẽ càng trở nên tồi tệ hơn.

Vì thế, những anh Tư, cô Bảy vẫn lạc quan, họ tìm những niềm vui để cùng nhau vượt qua những ngày tháng gian khổ.

Theo Toàn Nguyễn

Cùng chuyên mục
XEM