img

Không dưới một lần, Phú Quang rơi nước mắt chốn đông người khi vừa chơi đàn vừa hát về mẹ. Người mẹ nào với con cũng là những người mẹ vĩ đại cả, Phú Quang bảo. Như lúc mẹ ông còn sinh thời, khi cậu con trai út là ông đã đủ lăn lộn với đời, mẹ vẫn gắp cho ông từng miếng thịt mỗi bữa cơm. Chẳng những thế mà ông từng tuyên bố, nếu như vợ mình không yêu được mẹ mình thì mình cũng không thể yêu được vợ mình.

“Mẹ tôi vốn là tiểu thư con quan huấn đạo (một chức vị tương đương với lãnh đạo Sở Giáo dục - Đào tạo bây giờ). Ông ngoại tôi là người có học vị, có tri thức, rất được nể trọng, nên dạy dỗ con gái vô cùng nghiêm cẩn. Mẹ tôi cũng dạy các con nghiêm cẩn như thế. Bà rất nhẹ nhàng, không bao giờ la mắng hay đánh đập các con. Duy có một lần, lúc đó tôi chừng 5 tuổi, ra ngoài đường học bạn bè chửi bậy, mẹ tôi nghe thấy choáng váng, liền cầm chiếc đũa cả đánh tôi một cái, sau đó bà ôm tôi khóc. Tôi chịu ảnh hưởng từ mẹ tôi cách dạy con cái. Sau này tôi cũng không bao giờ đánh con” - Phú Quang chia sẻ.

Không đánh con nhưng Phú Quang tự hào các con rất nghe lời mình. Chỉ cần nói “bố không thích điều này” thì các con ông sẽ từ bỏ. Nhưng ít khi ông nói lời từ chối trước mong muốn chân thành của con. Trinh Hương, cô con gái nổi tiếng của ông, khi bắt đầu cuộc tình với nghệ sĩ violon Bùi Công Duy cũng nhận được ở cha cái gật đầu ủng hộ dù xung quanh không ít những ngăn cản, ì xèo. Con gái đã xấp xỉ 40, người cha chuẩn bị bước vào thất thập vẫn dành một sự lo toan đau đáu. Thậm chí đến chuyện nhà cửa ông cũng tham gia với con, chí ít là kéo con về sống gần mình. Phú Quang bảo, chẳng hiểu vì sao lại thế, cứ tự nhiên thấy bồn chồn, tự nhiên thấy thương thương như vậy. Với cô con gái nhỏ 15 tuổi cũng thế. Dù bận rộn đến đâu, ông cũng phải đích thân đưa đón con đi học mới yên tâm. Cô bé là con riêng của vợ, nhưng Phú Quang chưa từng nghĩ đó không phải con đẻ của mình. Mỗi lần nhắc đến con là Phú Quang lại không giấu được giọng trìu mến tự hào khó giấu. "Cháu rất trưởng thành. Sang Mỹ du học, cháu đến thăm nhà bạn bè tôi chơi còn biết đi mua quà đến tặng. Mọi người khen cháu chu đáo, tinh tế khiến tôi rất vui" - đôi mắt ông vụt trở nên lấp lánh.

Còn một người đàn bà khác, thuộc hàng ngũ “người đẹp tránh nhắc đến” của Phú Quang. Nhưng tránh chẳng được với đủ lời thăm dò đẩy dồn của báo giới và công chúng. Nên cứ thi thoảng ông lại rỏ ra vài giọt thông tin, đủ chiều chuộng nỗi tò mò, đủ bưng bít nỗi bí mật riêng tư. Nghe đâu cô con gái nhỏ của ông, người con riêng của vợ nhưng ông xem như con ruột, đã đi du học và vợ chồng Phú Quang trở lại thời son rỗi. Phú Quang chỉ ậm ừ: “Son rỗi à? Chẳng biết nữa. Nhưng thấy vợ dạo này đánh son nhiều hơn”. Nghe đâu Phú Quang mê vợ cũng chỉ vì vợ ông mê nhạc của chồng, vừa nấu ăn vừa khe khẽ hát những Mùa thu giấu em, Mơ về nơi xa lắm. Phú Quang lại bảo: “Thế thì hoặc món ăn bị hỏng hoặc bài hát sẽ bị phá”.

Cứ dửng dưng đùa cợt thế, nhưng cũng có khoảnh khắc tư lự nghiêm túc: "Cô ấy làm ngân hàng nhưng yêu nhạc của mình và chịu đựng được mình. Thế là đủ". Rồi lại trầm ngâm: "Bà ấy có nhiều thứ hợp với mình, như trang trí sắp đặt nhà cửa, thích cuộc sống dung dị gần gũi với thiên nhiên". Rồi thoáng chút trìu mến: "Hồi mình bệnh nặng, đêm đêm vợ gần như không ngủ, chỉ một khẽ trở mình là bà ấy choàng tỉnh bật dậy xem mình cần gì".

Hai năm nữa Phú Quang mới 70 tuổi, nhưng ông cứ hay nhận mình “thất thập”. Chẳng phải ngậm ngùi tuổi già đâu, mà cố ý khoe cái sự trẻ trung như đàn ông ngoài 40 ở phong cách lẫn tâm hồn. Tuổi thất thập đấy nhưng một ngày diễn ra trọn vẹn trong cái cốt 40: Dậy sớm và làm việc, làm việc chán thì chơi, chơi chán thì ăn, ăn chán thì ngủ. Rồi dí dỏm bóng gió: "Đàn ông 70 mà sinh hoạt đều đặn thì như người 40. Đàn ông 40 mà sinh hoạt lười biếng thì như người 70". Sinh hoạt đều đặn cụ thể là như thế nào thì Phú Quang bảo: "Cứ nói thế. Ai hiểu thế nào thì hiểu".

Đã 38 năm nay, cứ khi Hà Nội chuyển mình về cuối Thu đầu Đông thì Phú Quang lại làm đêm nhạc mang tên mình. Có năm một đêm, có năm hai đêm, năm nay thì bốn đêm. Cứ đến hẹn lại lên, cứ trở đi trở lại, cứ hát những bài hát ấy, cứ kể những câu chuyện ấy. Mà lạ, khán giả như thể cứ vẫn yên vị ở đấy, suốt 38 năm qua. Như thể chẳng hề rời chỗ của mình.

Đồn rằng có cô gái đẹp lấy chồng đại gia, gạ chồng mua vé sớm đi nghe nhạc Phú Quang nhưng ông chồng phẩy tay “đến ngày hẵng mua, cùng lắm mua vé chợ đen chứ gì”. Y hẹn, sát giờ diễn, hai vợ chồng ra nhà hát, đến nửa cái vé chợ đen cũng không có. Cô vợ đẹp hậm hực giận chồng gần tháng trời. Thực hư không biết thế nào.

Còn thực tế thì nhiều năm qua, đêm nhạc Phú Quang nào cũng cháy vé. Lại đồn rằng Phú Quang giỏi nhất chuyện kinh doanh. Chẳng gì thì châm ngôn nổi tiếng của ông là về tiền: “Vui là chính, kiếm tiền là chủ yếu”. Dĩ nhiên, không có tay nghệ sĩ amateur nào lơ ngơ ở chiến trường nghệ thuật mà thành công liên tiếp được. Có chăng may mắn cũng chỉ đôi ba bận chứ đến 38 bận thì ấy là sự tôi rèn tính toán kĩ càng đến có thể viết thành bí quyết kinh doanh được rồi. Nhưng đừng dại gì hỏi bí quyết với Phú Quang. Ông ấy chẳng nói đâu. Sẽ lại cười. Nụ cười có chút kiêu mạn, có chút bí hiểm, có chút tư lự, lại có chút mãn nguyện, rằng: “Chắc mình tử tế nên người ta thương”.

Năm nay, kết hợp với đêm nhạc, Phú Quang còn ra mắt hồi kí. Cuốn sách ban đầu có tên Chuyện bình thường và những ghi chép lăng nhăng. Nhưng nhà xuất bản không duyệt cái chữ “lăng nhăng”, chỉ duyệt chữ “bình thường”. Phú Quang ấm ức và giễu nhại: “Chuyện bình thường thực ra toàn những chuyện chẳng bình thường chút nào, còn những ghi chép lăng nhăng thực ra toàn ghi chép tử tế cả”. Sách còn đang trong giai đoạn bản thảo, gáy sách dày cỡ hai đốt ngón tay, với lời tựa:

Lướt trộm được vài trang, thấy Phú Quang thả mình về quá khứ long đong lận đận từ lúc còn trong bụng mẹ. Mẹ ông mang thai ông khi đã 46 tuổi, còn bố ông 59 tuổi. Đúng những tháng năm loạn lạc. Một tuổi, Phú Quang mắc bệnh nặng, gia đình đã chuẩn bị hậu sự rồi thì anh trai của ông bất ngờ về thăm nhà. Người anh trai xin phép mẹ tiêm cho em mình một mũi tiêm, hoặc là sống hoặc là chết, thế mà ông tỉnh lại. Lần khác, ông theo bạn ra tắm sông rồi chìm nghỉm. Lại người anh trai hộ mệnh lặn xuống vớt em lên, rồi dốc ngược em chạy vài chục vòng cho đến khi em ọc nước sặc sụa. Người anh trai đặc biệt ấy hóa ra sau này cũng là nhạc sĩ. Phú Quang bảo: "Anh trai tôi tài hoa hơn tôi rất nhiều. Đó là cái tài hoa bẩm sinh trời ban mà tôi không có được. Chỉ tiếc là anh ấy chơi chán rồi mới làm. Còn tôi phải làm rồi mới dám chơi".

Nhưng cái chuyện hay nhất, người ta trông đợi nhất là những bóng hồng đi qua cuộc đời đầy ồn ào tình ái của ông và những cú chơi xấu nhau trong cái làng nghệ thuật bé mọn thì ông lại chẳng “hồi ức”. Phú Quang bảo:

Ừ thì đành ai không đáng cứ bỏ qua, nhưng người đẹp mà bỏ qua thì vẻ như sẽ mang tiếng sợ vợ. Nói thế thì ông chối phủi ngay. Dồn mãi thì cuối cùng Phú Quang cũng ỡm ờ: “Nếu quả thực những bóng hồng trong cuộc đời tôi ám ảnh khán giả đến thế thì tôi sẽ kể. Nhưng mà… để sau đi”.

Chưa ai khai thác được gì về những người đàn bà đi qua cuộc đời vị nhạc sĩ hào hoa đất Hà Thành. Phú Quang chỉ khẳng định con số thực tế không nhiều như đồn thổi, nhưng không tiết lộ là số có mấy chữ số. “Miễn không phải 500 chị em là được rồi” - ông dí dỏm - “Có người hỏi tôi: Có phải mỗi ca khúc của anh là dành tặng cho một người đàn bà? Tôi bảo, tôi có 500 ca khúc, vậy tương ứng với 500 người đàn bà. Thế thì giờ giỏi lắm tôi chỉ được mười mấy cân chứ làm sao vẫn còn hơn bảy chục cân được”.

500 chị em thì không đến, nhưng những mảnh tình chợt hiện chắc cũng đầy ắp hồi ức, cộng thêm ba cuộc tình nghĩa gối chăn. Thế mà, khi hỏi về vị thời gian sau 68 năm, nhạc sĩ khẽ hát: “Môi chợt đắng niềm yêu thương, thời gian quên bỏ chút đường đó em”. Phú Quang bảo, từ khi đặt chân vào cuộc đời tới giờ, ông không xin được của ai cái gì. Ví như thời rút thăm để nhận săm xe, nếu có 7 cái săm thì nhất định ông sẽ là người thứ 8. Phú Quang chưa bao giờ thử một trò chơi may rủi để mong nhận lộc trời bởi vì biết chắc là không bao giờ trúng số. Nếu có mua sổ xố là vì thương người bán vé mà thôi. Chiếc vé mua xong thường cất vào góc ví nào đó rồi sau dọn vứt đi, vĩnh viễn không được khai mở giờ quay số.

Bài viết: Hoàng Hồng
Thiết kế: Quỳnh., Hoảng Nguyễn
Photo: Hải Bá
Theo Trí Thức Trẻ20/10/2016

Trí Thức Trẻ