Nộp CV nhưng đến phỏng vấn cũng không được gọi, kỹ sư lập startup mới khiến Google phải bỏ tiền ra mua lại, được quản lý cấp cao đích thân mời về làm việc

13/11/2018 08:29 AM | Kinh doanh

Startup tiếp theo của Mark Cummins cũng hợp tác với Google nhưng anh chưa có ý định bán lại như startup đầu tiên của mình.

Oxford là một trong những trường đại học uy tín nhất trên thế giới và giữ vị trí cao trong các bảng xếp hạng toàn cầu về khoa học máy tính. Và Mark Cummins luôn nghĩ rằng việc tốt nghiệp từ Balliol College, trường Đại học thành viên lâu đời của Oxford sẽ tạo cho anh cơ hội tốt để được làm việc tại Google.

Cummins khá tự tin với CV xin việc của mình và anh đã nộp đơn ứng tuyển vào Google với hy vọng sẽ trở thành một thành viên của gã khổng lồ công nghệ. Tuy nhiên, mọi việc không diễn ra theo mong muốn của anh và anh thậm chí còn không được gọi đi phỏng vấn.

Thế nhưng, sau "cú sốc" đó 5 năm, Cummins lại trở thành người "chiến thắng". Qua nhiều lần xin việc bị từ chối, anh tiếp tục học lên Tiến sỹ trong lĩnh vực robot và máy học (machine learning). Điều này giúp anh có ý tưởng khởi nghiệp và anh đã chọn đề tài "khả năng nhận dạng của robot" cho luận án của mình.

Startup đầu tiên của Mark Cummins có tên là Plink, một ứng dụng được cho là Shazam phiên bản dành cho các tác phẩm nghệ thuật (Shazam là ứng dụng nhận diện giai điệu bài hát bất kỳ khá phổ biến).

Nộp CV nhưng đến phỏng vấn cũng không được gọi, kỹ sư lập startup mới khiến Google phải bỏ tiền ra mua lại, được quản lý cấp cao đích thân mời về làm việc - Ảnh 1.

Plink được coi là "Shazam của các tác phẩm nghệ thuật".

Người dùng Plink có thể chụp ảnh một tác phẩm nghệ thuật và ứng dụng sẽ giúp họ nhận dạng. Trong sáu tuần kể từ khi ra mắt, Plink đã thu hút 50.000 người dùng và Cummins cùng người đồng sáng lập James Philbin đã giành được giải thưởng trị giá 100.000 USD trong một cuộc thi phát triển ứng dụng dành cho Android. Nhờ đó, Plink đã thu hút được sự chú ý của Google – nơi làm việc mơ ước trước đây của Cummins.

Nhà sáng lập đến từ Oxford đã có cơ hội gặp gỡ các quản lý cấp cao của Google như Phát ngôn viên sản phẩm, Hugo Barra và kiến trúc sư của Google+, Vic Gundotra. Hai người đưa ra đề nghị mua lại Plink và mời Cummins về làm việc. Sau đó, ứng dụng này ngừng hoạt động và công nghệ của nó được Google sử dụng trong một số dịch vụ nhận dạng hình ảnh như Google Lens và Google Photos.

Ba năm sau, Cummins chuyển đến Úc và anh tiếp tục có ý tưởng cho startup thứ hai khi nhận ra rằng công cụ tìm kiếm vẫn chưa thể trả lời cho người dùng nhiều câu hỏi cơ bản.

Một lần, anh đã uống bia thủ công tại một bữa tiệc đêm và sau đó không thể tìm ra cửa hàng ở khu vực lân cận cũng bán loại bia này. Anh chia sẻ: "Cửa hàng gần nhất bán sản phẩm này ở đâu? Đây có vẻ là một câu hỏi cơ bản mà nhiều người muốn biết câu trả lời".

Hầu hết các nhà bán lẻ địa phương có quy mô nhỏ đều không cập nhật tình trạng của hàng trong kho. Vì vậy, người tiêu dùng không thể biết chắc chắn được rằng liệu cửa hàng có bán món đồ họ cần hay không. Điều đó khiến họ tìm đến Amazon còn các cửa hàng nhỏ lẻ phải chịu cảnh mất khách hàng.

Cummins bắt đầu hướng tới các nhà bán lẻ nhỏ ở Úc và hướng dẫn họ cách cập nhật hàng trong kho để người mua hàng có thể tìm thấy chúng trên mạng. Lúc này, anh kết luận rằng sẽ cần phải có phần cứng và anh cũng cần tìm một người đồng sáng lập kỹ thuật khác để hỗ trợ.

Philbin, người đồng sáng lập Plink với Cummins vừa lập gia đình nên không thể tham gia được. May mắn thay, anh đã liên lạc được với một người bạn cũ từ hồi học Oxford là Charles Bibby, người đang trong hành trình du ngoạn quanh khu vực Địa Trung Hải kéo dài một năm. Nhận thấy kế hoạch của Cummins hấp dẫn và đầy triển vọng, Bibby đã cắt ngắn chuyến đi của mình để bắt đầu công việc.

Thành quả hợp tác của Cummins và Bibby là Pointy, thiết bị trông giống một cục pin hình chữ nhật có kích thước khá nhỏ gọn. Thiết bị này được cắm vào máy quét mã vạch của nhà bán lẻ và ghi lại những mặt hàng đã được quét để bán cho người tiêu dùng. Còn phần mềm Pointy sẽ có nhiệm vụ tổng hợp các mặt hàng mà cửa hàng cung cấp cũng như dự đoán khá chính xác khi một sản phẩm sắp hết hàng.

Nộp CV nhưng đến phỏng vấn cũng không được gọi, kỹ sư lập startup mới khiến Google phải bỏ tiền ra mua lại, được quản lý cấp cao đích thân mời về làm việc - Ảnh 2.

Pointy trông như một cục pin, nằm gọn trong lòng bàn tay.

Những thông tin trên được liệt kê trực tuyến trên một trang web riêng của Pointy, vậy nên bất kỳ ai có nhu cầu tìm mua sản phẩm của cửa hàng địa phương đều có thể truy cập vào trang web để tìm thứ mình cần.

"Cục pin" Pointy có giá 499 USD cho các nhà bán lẻ ở Mỹ. Pointy cũng đề xuất đặt quảng cáo địa phương cho các nhà bán lẻ trên Google và họ sẽ nhận được một phần doanh thu từ quảng cáo.

Cummins cho biết dù Amazon đang ngày càng trở nên phổ biến nhưng mua sắm trực tuyến chỉ chiếm 10% thương mại của Mỹ và phần lớn người dân vẫn thích mua hàng ở cửa hàng địa phương hơn.

Pointy được xếp hạng rất tốt và trong mùa hè vừa qua, startup này đã công bố quan hệ đối tác với Google, điều này đồng nghĩa với việc thông tin sản phẩm sẽ xuất hiện trên thanh tìm kiếm và Google Maps.

Nộp CV nhưng đến phỏng vấn cũng không được gọi, kỹ sư lập startup mới khiến Google phải bỏ tiền ra mua lại, được quản lý cấp cao đích thân mời về làm việc - Ảnh 3.

Pointy giúp các nhà bán lẻ địa phương cập nhật thông tin hàng hóa trực tuyến.

Đến nay, Pointy đã huy động được 19 triệu USD từ Vulcan Capital, Polaris, Boston Ventures… cùng nhiều nhà đầu tư nổi tiếng như người sáng lập Google Maps, Lars Rasmussen và người sáng lập WordPress, Matt Mullenweg.

Hiện tại, startup thứ hai của Cummins đang tập trung vào việc thuyết phục các nhà bán lẻ áp dụng công nghệ của mình. Ngoài ra, công ty cũng đưa ra đề nghị để các nhà bán lẻ có thể làm nhiều điều hơn là chỉ sở hữu trang bán hàng. Anh cho biết thêm rằng mình chưa có ý định bán lại Pointy dù Google đã thể hiện sự quan tâm đến startup này từ những ngày đầu khởi động.

Gia Vũ

Từ khóa:  Google
Cùng chuyên mục
XEM