Nông nghiệp Việt Nam phải làm gì để thoát “nghèo”?

12/12/2016 11:09 AM | Kinh tế vĩ mô

Trong lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra những quan điểm sâu sắc về nông nghiệp và 5 bài toán lớn để phát triển ngành.

Nông nghiệp cần chiến lược để đưa kinh tế thoát bẫy thu nhập trung bình

Thủ tướng cho rằng, nông nghiệp nước ta đang phải đối mặt với nhiều thách thức khó khăn. Trong đó, Việt Nam là một trong 5 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Vừa qua, chúng ta đã gánh hậu quả của những đợt hạn hán, ngập mặn, đặc biệt ở vựa lúa của cả nước, Đồng bằng sông Cửu Long.

Bên cạnh đó, tình trạng suy giảm tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất và năng suất lao động nông nghiệp, chênh lệch về thu nhập giữa lao động nông nghiệp và phi nông nghiệp đang ngày càng tăng. Việc này đòi hỏi nền nông nghiệp cần tiếp tục có những đổi mới cơ bản.

Theo Thủ tướng, mô hình nông nghiệp vẫn đang phụ thuộc vào việc khai thác nhân lực, tài nguyên thiên nhiên và các vật tư đầu vào. Do đó, chất lượng sản phẩm không ổn định, tốc độ tăng năng suất giảm dần, giá trị gia tăng hạn chế và ô nhiễm môi trường.

“Rất nhiều vấn đề đặt ra trước mắt chúng ta từ việc thu hút đầu tư tư nhân, phát triển hợp tác xã nông nghiệp, FDI vào nông nghiệp, nông thôn, vấn đề thương hiệu nông sản, chính sách đất đai, tích tụ ruộng đất và đặc biệt cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ làm thay đổi căn bản nền nông nghiệp của nhiều nước trên thế giới”, Thủ tướng nói.

Trong khi đó, nông nghiệp Việt Nam có vai trò chiến lược trong mục tiêu đưa nước ta thoát bẫy thu nhập trung bình và vươn lên trong tiến trình toàn cầu hóa, xác lập chỗ đứng vững chắc trong các chuỗi giá trị khu vực và quốc tế.

Do đó, Việt Nam phải là một trong những nền nông nghiệp năng động, thông minh, bền vững và có giá trị gia tăng cao của Đông Nam Á, rộng hơn là châu Á.

5 “cần câu” cho nông nghiệp

“Chúng ta cần làm gì để nông nghiệp Việt Nam sẽ là một hình mẫu vươn ra chứ không phải bị bỏ lại phía sau”, là vấn đề mà Thủ tướng đặt ra như đề bài cho Học viện Nông nghiệp Việt Nam cùng Bộ NN&PTNT.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo đó, 5 vấn đề Thủ tướng đưa ra là:

1, Tư vấn các ưu tiên chiến lược về hạ tầng nông thôn, các hệ thống cảnh báo thời tiết sớm, các nghiên cứu nông nghiệp cơ bản, giám sát quản lý về sâu bệnh, nâng cao năng lực thể chế, môi trường và sử dụng vật tư nông nghiệp.

2, Đề xuất ý tưởng cụ thể nhằm thúc đẩy hiệu quả tập trung hóa đất đai, giúp tăng cường các hệ thống sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí giao dịch trong chuỗi giá trị, tạo điều kiện cho các hộ gia đình tăng thu nhập.

3, Nghiên cứu các điều kiện để các DN tăng đầu tư vào nông nghiệp, triển khai các kế hoạch kinh doanh cũng như tạo điều kiện để nhiều nông hộ giảm được rủi ro về sinh kế nhờ có được nguồn thu từ việc cho thuê đất, trong khi tập trung lao động và năng lực kinh doanh vào việc khác.

4, Tích cực tham vấn cho mục tiêu xanh hóa nông nghiệp như bảo vệ môi trường trong nông nghiệp, khuyến khích sáng kiến nông nghiệp xanh, giảm việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, đồng thời khuyến khích các mô hình nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp chất lượng cao.

5, Xây dựng cụm liên kết ngành nông nghiệp, qua đó có thể đạt được những kết quả quan trọng nhờ tăng cường các mối liên kết giữa nông dân với các tác nhân thương mại và cơ sở hạ tầng có liên quan. Nâng cao vị thế nông nghiệp thương hiệu Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Nông dân Việt rất “khỏe”, vậy năng suất nông nghiệp thấp do đâu?

Trong một hội thảo mới đây, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng cho rằng, năng suất lao động nông nghiệp Việt Nam không hề thấp khi 85% giá trị thặng dư từ lúa gạo Việt Nam do 30% hộ gia đình làm.

Tuy nhiên, xét về tổng thể, ngành này vẫn bị coi là thấp hơn so với thế giới, nguyên nhân nằm ở chỗ diện tích hẹp, mỗi hộ chỉ được Nhà nước cho phép dưới 0,5 ha, lại bị phân chia thành nhiều mảnh nên không cơ giới hóa đất đai được, kéo năng suất giảm xuống.

Chuyên gia kinh tế cho rằng, nông nghiệp Việt hoàn toàn có thể thay đổi được, đặc biệt vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Thủ tướng vừa đưa ra nghị định cải cách toàn bộ hệ thống đất đai để biến quyền sử dụng đất thành quyền tài sản của nông dân là tín hiệu mừng cho ngành nông nghiệp.

Theo đó, doanh nghiệp cùng với người nông dân cần phải sẵn sàng với các thay đổi trên nhiều mặt ở toàn cầu, coi trọng nhiều hơn nhân tố công nghệ, quản trị, con người, kết nối trong và ngoài nước, hình thành từng bó đũa để cạnh tranh với bên ngoài.

Mỹ Lan

Cùng chuyên mục
XEM