Nông, lâm nghiệp tăng trưởng tốt trong quý 1

11/04/2017 17:27 PM | Kinh tế vĩ mô

Sau hai quý phục hồi, kinh tế Việt Nam chỉ tăng trưởng ở mức 5,1% (theo năm) trong quý 1, thấp nhất trong vòng 3 năm trở lại đây (Q1/2015: 6,12%; Q1/2016: 5,48%). Đáng chú ý, suy giảm tăng trưởng quý 1 đến từ hầu hết các nhóm ngành công nghiệp.

Đó là thông tin từ báo cáo mới đây của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) thuộc Trường Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Theo báo cáo này, công nghiệp chế biến chế tạo chỉ tăng 8,3% (theo năm), thấp hơn mức 9,7% và 8,94% trong hai năm 2015-2016.

Công nghiệp khai khoáng tiếp tục suy giảm mạnh, làm giảm 0,76 điểm phần trăm tăng trưởng kinh tế quý 1. Tính chung lại, ngành công nghiệp chỉ tăng trưởng 3,85% (theo năm) trong quý 1, thấp nhất kể từ 2011 trở lại đây.

Ngành xây dựng cũng chỉ đạt mức tăng trưởng 6,1% (theo năm) và đóng góp 0,3 điểm phần trăm vào tăng trưởng kinh tế. Khu vực nông, lâm, ngư nghiệp đã có những dấu hiệu phục hồi tích cực sau một năm suy giảm.

Tăng trưởng khu vực này đạt 2,03% (theo năm), xấp xỉ mức tăng trưởng các năm trước đó. Trong đó, nông nghiệp tăng 1,38% (Q1/2016: -2,69%), lâm nghiệp tăng 4,94% và thủy sản tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2016

Khu vực dịch vụ vẫn duy trì ổn định và tăng trưởng ở mức 6,52% (theo), cao hơn so với cùng kỳ hai năm trước.

Chỉ số sản xuất công nghiệp và tiêu thụ suy giảm mạnh trong khi tồn kho tăng đáng kể trong hai tháng đầu năm. IPI ba tháng đầu năm chỉ tăng 0,7% - 2,4% - 4,1%, thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Trong đó, IPI ngành công nghiệp chế biến chế tạo quý 1 cũng chỉ tăng 8,3% (hàng năm) so với mức tăng 9,4% cù ng ký̀ năm 2016. Chỉ số tiêu thụ thậm chí giảm 4,4% trong tháng 1 trước khi phục hồi lại mức 7,9% (theo năm) trong tháng 2.

Trong khi đó, chỉ số tồn kho ngành công nghiệp đã tăng lên mức 13,3% và 12,5% (theo năm) trong hai tháng đầu năm. Điều này cũng phản ánh đúng hiệu ứng tháng Tết Nguyên đán, khi mà nhiều hoạt động sản xuất, tiêu thụ công nghiệp suy giảm mạnh.

Chỉ số hoạt động kinh tế VEPI (Viet Nam Economic Performance Index) được VEPR thử nghiệm tính toán và tổng hợp dựa trên số liệu về sản lượng điện thương phẩm, kim ngạch xuất nhập khẩu, vận tải hàng hóa nội địa, tăng trưởng tín dụng và PMI sản xuất.

Chỉ số VEPI cũng cho thấy sự suy giảm trong tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, khác với tăng trưởng kinh tế, chỉ số VEPI vẫn đạt mức 5,8%, cao hơn cùng kỳ năm trước. Nhập khẩu tăng mạnh kết hợp với tăng trưởng tín dụng cao từ những quý trước đã giúp chỉ số VEPI vẫn được đánh giá tích cực trong quý 1.

Thế Trần

Cùng chuyên mục
XEM