Nông dân tại huyện Cư Jut vững tin gắn bó cùng cây đậu nành

28/03/2024 11:00 AM | Kinh doanh

Ngày 26 tháng 03 năm 2024, tại Trạm khảo nghiệm đậu nành Tây Nguyên (xã Đăk D’rong, huyện Cư Jut, Đăk Nông), Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng Đậu nành Vinasoy (VSAC) tổ chức "Hội thảo đầu vụ chương trình liên kết sản xuất đậu nành tại Cư Jut năm 2024".

Hội Thảo đã kết hợp trao chứng nhận thành viên Câu lạc bộ 3 tấn/ha cho các nông dân, là hoạt động thường niên của Vinasoy để triển khai vụ sản xuất đậu nành mới trong năm, thể hiện sự cam kết của doanh nghiệp trong việc gắn bó, hỗ trợ phát triển cây đậu nành truyền thống Cư Jut, góp phần phát triển ngành nông nghiệp bền vững.

Giấy chứng nhận thành viên Câu lạc bộ 3 tấn/ha được trao tặng theo tiêu chí nông dân có diện tích sản xuất lớn, ổn định và năng suất đạt từ 3,0 tấn/ha trở lên trong năm 2023 trước sự chứng kiến của đại diện Phòng Nông nghiệp huyện Cư Jut, chính quyền địa phương, các đối tác và các hộ nông dân xã viên Hợp tác xã sản xuất đậu nành Nam Dong. Những nông dân tiêu biểu trở thành thành viên Câu lạc bộ 3 tấn/ha đó là: ông Đỗ Văn Sang (3,39 tấn/ha), ông Liễu Văn Mao (3,2 tấn/ha), ông Phạm Văn Giang (3,11 tấn/ha), bà Nguyễn Thị Hải Yến (3,08 tấn/ha), bà Đoàn Thị Cúc (3,03 tấn/ha), bà Lại Thị Hường (3,03 tấn/ha).

"Tôi rất vui và tự hào khi nhận được Chứng nhận thành viên Câu lạc bộ 3 tấn/ha 2 năm liên tiếp từ Vinasoy. Tôi dự tính mở rộng diện tích trồng đậu nành năm nay và áp dụng các phương pháp canh tác hiện đại hơn để tăng năng suất và chất lượng đậu, đồng thời mong muốn chia sẻ kinh nghiệm với các nông dân khác để CLB 3 tấn ngày càng đông thành viên hơn nữa." ông Phạm Văn Giang – Nông dân là thành viên CLB 3 tấn 2 năm liền chia sẻ.

Năm 2024, Trung tâm VSAC tiếp tục triển khai mở rộng chương trình liên kết sản xuất đậu nành tại Cư Jut, nhằm phổ biến và thống nhất kế hoạch triển khai vụ mới cho bà con xã viên Hợp tác xã sản xuất đậu nành Nam Dong. Đồng thời, Trung tâm VSAC còn tích cực hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật mới cho nông dân, hướng dẫn phương pháp thử nảy mầm và bảo quản giống trước gieo trồng, nhằm đảo bảo chất lượng giống tốt nhất.

Nông dân tại huyện Cư Jut vững tin gắn bó cùng cây đậu nành - Ảnh 1.

Hội thảo nhận được sự quan tâm tích cực của bà con, cho vụ mùa mới hiệu quả cao.

Ông Hồ Sơ - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cư Jút cho biết: "Tôi rất vui mừng và phấn khởi khi thấy được hiệu quả của mô hình hợp tác liên kết sản xuất giữa Vinasoy và bà con xã viên của Hợp tác xã, diện tích gieo trồng đậu nành từ 50 ha lên 250 ha và năng xuất từ 1,5 tấn/ha lên 3 tấn/ha."

Từ những năm đầu thành lập, huyện Cư Jút được chọn là vùng nguyên liệu trọng điểm của Vinasoy vì vùng đất này có truyền thống trồng đậu nành lâu năm và đang có diện tích đậu nành lớn nhất tỉnh Đắk Nông cũng như Tây Nguyên. Đồng thời, Vinasoy đã lựa chọn Cư Jút để thành lập Trạm khảo nghiệm đậu nành Tây Nguyên - địa điểm nghiên cứu chọn tạo giống, khảo nghiệm kỹ thuật canh tác để phát triển giống mới cho các vùng nguyên liệu trong cả nước. Với lợi thế về khí hậu, đất đai thổ nhưỡng, Cư Jút có thể gieo trồng thử nghiệm được 3 vụ đậu nành trong năm, giúp việc triển khai đánh giá diễn ra thuận lợi và nhanh chóng hơn, rút ngắn được thời gian tạo ra giống đậu nành mới để chuyển giao cho nông dân.

Trong nhiều năm qua, Vinasoy đã tập trung triển khai Chương trình hợp tác liên kết sản xuất đậu nành với bà con xã viên của Hợp tác xã sản xuất đậu nành Nam Dong, huyện Cư Jut bằng việc cung ứng giống chất lượng cao do Trung tâm VSAC chọn tạo được, hướng dẫn quy trình kỹ thuật canh tác và bao tiêu sản phẩm đậu nành hạt đạt chất lượng với mức giá cam kết từ đầu vụ giúp bà con nông dân an tâm sản xuất.

Nông dân tại huyện Cư Jut vững tin gắn bó cùng cây đậu nành - Ảnh 2.

Cánh đồng trồng đậu nành tại Cư Jut, Tây Nguyên.

Từ sự đồng hành của Trung tâm VSAC, bà con xã viên luôn tuân thủ đúng quy trình sản xuất đã cam kết, dần thay đổi tập quán canh tác cũ, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới. Qua đó, nâng cao được năng suất, đảm bảo yêu cầu chất lượng đậu nguyên liệu cho Vinasoy, đồng thời giảm được chi phí sản xuất. Với giống đậu nành không biến đổi gen VINASOY 02-NS cho năng suất, chất lượng vượt trội, đã thay thế hoàn toàn giống đậu nành địa phương hoa trắng truyền thống trước đây. Giống VINASOY 02-NS đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cấp phép lưu hành sản xuất đại trà tại 4 vùng nguyên liệu của Vinasoy: Miền Trung, Tây Nguyên, Đồng bằng Sông Hồng và Đồng bằng Sông Cửu Long.

Với nỗ lực không ngừng, tư duy chiến lược và cách làm bài bản khoa học, xây dựng vùng nguyên liệu đậu nành chính là cách để Vinasoy thể hiện trách nhiệm với cộng đồng, không chỉ giúp người dân yên tâm sản xuất và có thêm thu nhập, nỗ lực khôi phục trở lại vùng trồng đậu nành tại Việt Nam mà còn đóng góp vào sự phát triển bền vững của nền nông nghiệp nước nhà.

Ánh Dương

Cùng chuyên mục
XEM