Nóng bỏng cuộc chiến chống buôn lậu cận Tết

14/01/2019 08:22 AM | Xã hội

Dù lực lượng chức năng liên tục bắt giữ, nhưng hàng lậu từ Trung Quốc vẫn ồ ạt tràn vào Lạng Sơn dịp cuối năm đặc biệt là các loại dược phẩm…

Khó khăn, phức tạp

Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, trước đây mặt hàng dược liệu thường được nhập khẩu qua cửa khẩu Chi Ma (huyện Lộc Bình, Lạng Sơn). Tuy nhiên, cuối năm 2018, theo quy định của Bộ Y tế tại Nghị định 54/2017/NĐ-CP, doanh nghiệp (DN) muốn nhập khẩu dược liệu phải tiến hành tại các cửa khẩu quốc tế, trong đó có cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (huyện Cao Lộc).

Từ đây phát sinh một thực tế, nếu DN Việt Nam phải nhập khẩu dược liệu qua cửa khẩu Hữu Nghị sẽ làm tăng chi phí vận chuyển từ kho tàng bến bãi từ khu vực Chi Ma về Hữu Nghị cách xa khoảng 50 km.

Do vậy, xảy ra tình trạng giảm tỷ lệ nhập khẩu dược liệu chính ngạch mà còn tăng nguy cơ buôn lậu mặt hàng này, vừa gây khó khăn cho lực lượng kiểm soát, vừa không đảm bảo yêu cầu về kiểm tra chất lượng sản phẩm.

Thực tế một số đầu nậu đã tìm mọi cách để tập kết, vận chuyển hàng lậu ở các đường mòn, lối mở trên tuyến biên giới Việt- Trung. Một trong những “điểm nóng” thẩm lậu hàng dược liệu chính là khu vực giáp biên giới thuộc thôn Pò Nhùng, xã Cao Lâu, huyện Cao Lộc.

Nóng bỏng cuộc chiến chống buôn lậu cận Tết - Ảnh 1.

Lực lượng HQ Hữu Nghị kiểm tra hàng hóa nhập khẩu


Trước tình trạng này, các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an đã lên kế hoạch chặn bắt. Kết quả, đêm 14/12 bắt quả tang 24 đối tượng (trong đó có 2 người nước ngoài) đang thực hiện hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới từ Trung Quốc vào Việt Nam.

Lực lượng chức năng tạm giữ 2 xe ô tô tải biển kiểm soát nước ngoài, 5 xe ô tô tải biển kiểm soát Việt Nam cùng khoảng 100 tấn hàng hóa, trong đó gần một nửa là dược liệu trị giá hàng tỷ đồng được đựng trong các bao tải dứa.

Từ khi cửa quốc tế Hữu Nghị “gánh” thêm nhiệm vụ làm thủ tục thông quan hàng dược liệu với sự đa dạng, nhiều chủng loại và đối mặt với những thách thức mới. Ông Trần Bằng Toàn, Chi cục trưởng Hải quan (HQ) Hữu Nghị cho biết: Mặt hàng thuốc bắc có liên quan trực tiếp đến sức khỏe người dân nhưng không được kiểm tra chất lượng tại thời điểm làm thủ tục nhập khẩu nên có khó khăn cho lực lượng chức năng địa phương.

Thêm nữa, tại cửa khẩu Hữu Nghị hiện nay không có kho bãi đảm bảo chất lượng để bảo quản mặt hàng thuốc bắc nên phần nào gây phiền toái cho cả phía HQ lẫn doanh nghiệp.

Cuối tháng 11 năm 2018, HQ Hữu Nghị phối hợp với Đội kiểm soát chống buôn lậu thuộc Tổng cục HQ, cục Quản lý dược Bộ y tế tiến hành lấy 68 mẫu dược phẩm của Công ty CP Dược Nam Yên (TP Hồ Chí Minh), kết quả có 18 mẫu không đạt yêu cầu chất lượng. HQ Hữu Nghị đã quyết định xử phạt hành chính, đồng thời buộc Công ty CP Dược Nam Yên phải tái xuất lô hàng.

Bên cạnh lực lượng làm nhiệm vụ ở biên giới, các ngành chức năng ở nội địa cũng gặp nhiều khó khăn, trở ngại. Mới đây, tại buổi làm việc với đoàn kiểm tra liên ngành số 1 của Bộ Y tế tiến hành thanh, kiểm tra tại tỉnh Lạng Sơn về công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực dược, an toàn thực phẩm và công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng theo Chỉ thị số 17/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Cách chức Đồn trưởng, chính trị viên Biên phòng

Sau khi nắm được thông tin các chủ hàng công khai bốc dỡ, sang tải hàng tấn hàng hóa cả ngày lẫn đêm tại bãi đất trống thuộc thôn Pò Nhùng, xã Cao Lâu địa bàn do đồn Biên phòng (BP) quản lý, nhất là khi có thông báo về vụ việc lực lượng công an bắt giữ hàng hóa lớn (đêm 14/12/2018), Bộ CHBP tỉnh Lạng Sơn vào cuộc thẩm tra, xử lý nghiêm minh.

Đại tá Lê Quang Đạo, chỉ huy trưởng Bộ CHBP tỉnh Lạng Sơn cho biết: “Tập thể lãnh đạo chúng tôi đã tiến hành kiểm điểm một cách nghiêm túc, đánh giá toàn diện, khách quan từng tập thể, cá nhân và đã tiến hành ngay việc cách chức các chức vụ Đồn trưởng và Chính trị viên đồn BP Ba Sơn, đồng thời thay cán bộ mới đủ năng lực, phẩm chất.

Sau này, khi có kết luận của cơ quan chức năng, đơn vị sẽ tiếp tục xem xét, xử lý hành vi buông lỏng quản lý cũng như hành vi tiếp tay của cán bộ, chiến sỹ đồn Ba Sơn nếu có”. Đại tá Đạo nói.

Theo Đại tá Đạo, không riêng gì hàng dược liệu, thuốc bắc, Bộ CHBP Lạng Sơn vừa họp lãnh đạo ra nghị quyết về tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại trên toàn tuyến biên giới do đơn vị phụ trách. Ngày 8/1, lãnh đạo Bộ CHBP Lạng Sơn tiến hành giao ban với tất cả đồn trưởng chỉ đạo việc siết chặt biên giới, nhất định không thể để buôn lậu phát sinh phức tạp.

Theo Ban Chỉ đạo 389 Lạng Sơn, trong đợt cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, kể từ đầu tháng 12/2018 đến nay, các lực lượng chức năng trên địa bàn đã xử lý 579 vụ (tăng 13,08% so với tháng 11/2018).

Theo Nguyễn Duy Chiến

Cùng chuyên mục
XEM