Nỗi sợ hẹn hò của giới trẻ Hàn Quốc

19/05/2019 16:21 PM | Xã hội

Gần đây, Kim Joon-hyup đã đi hẹn hò lần đầu tiên trong vòng 3 năm. Nhưng mục đích của chàng trai 24 tuổi không phải là để tìm bạn gái, anh chỉ đang hoàn thành bài tập trên lớp đại học.

Từ chọn được người bạn gái phù hợp đến cách xử lý khi chia tay, khóa học “Giới tính và văn hóa” tại Đại học Sejong, Seoul đã dạy cho sinh viên nhiều khía cạnh của hẹn hò, tình yêu và tình dục. Lớp học trở nên phổ biến chủ yếu nhờ bài tập hẹn hò, khi một học sinh được bắt cặp với một người bạn ngẫu nhiên để tham gia một cuộc hẹn kéo dài 4 giờ.

“Không ít sinh viên tìm đến khóa học vì bài tập này”, giảng viên Bae Jeung-weon nói. “Có những người chưa từng hẹn hò, và có cả những người muốn tìm kiếm cơ hội qua các quộc hẹn như vậy”.

Các lớp học kiểu này có lẽ là cần thiết. Năm 2018, đa phần dân số Hàn Quốc 20 - 44 tuổi đều độc thân, với chỉ 26 % đàn ông chưa vợ và 32% phụ nữ chưa chồng trong nhóm tuổi này từng có một mối quan hệ, theo Viện Y tế và Xã hội Hàn Quốc (KIHSA). Trong số những người chưa từng hẹn hò, 51% nam giới và 64% nữ giới cho biết họ lựa chọn tình trạng độc thân

Giới trẻ Hàn Quốc đang ngày càng trốn tránh các mối quan hệ yêu đương do ảnh hưởng từ khó khăn kinh tế và các vấn đề xã hội.

Nỗi sợ hẹn hò của giới trẻ Hàn Quốc - Ảnh 1.

Kim Joon-hyup và Kim Min-ye đang hẹn hò theo cặp. Ảnh: CNN.


Kinh tế suy giảm

Tỷ lệ thất nghiệp tại Hàn Quốc năm ngoái đã tăng lên 3,8%, cao nhất 17 năm. Tỷ lệ người trẻ tuổi thất nghiệp còn cao hơn nhiều, 10,8% trong độ tuổi 15-29. Trong một khảo sát năm 2019 của công ty tuyển dụng JobKorea, chỉ có 1 trên 10 sinh viên tốt nghiệp năm nay tìm được một công việc toàn thời gian.

Trong khi đang chật vật tìm việc làm, nhiều thanh niên Hàn Quốc cho biết họ không đủ thời gian, tiền bạc hay cảm xúc để hẹn hò. Tỷ lệ người đang trong một mối quan hệ tăng lên đối với cả nam giới và phụ nữ có việc làm, lần lượt 31% và 31%, so với nam giới và phụ nữ đang thất nghiệp, lần lượt 18% và 27%, theo dữ liệu từ KIHSA.

Do bản chất cạnh tranh cao của thị trường việc làm, nhiều người trẻ tuổi dành thời gian ở các trường học thêm để lấy thêm bằng cấp hoặc kỹ năng chuyên môn có thể tạo cho họ lợi thế trong những vòng phỏng vấn với các sếp tương lai.

Kim Joon-hyup, sinh viên tại Sejong, cũng là sinh viên học thêm điển hình. Không chỉ học ở trường đại học, cứ mỗi tối cuối tuần, anh tham gia một lớp cách nhà 30 phút để học thiết kế trò chơi điện tử.

“Tôi không có nhiều thời gian”, Kim nói. “Kể cả tôi có hẹn hò ai đó, tôi cũng chỉ thấy tiếc vì không thể dành nhiều thời gian để tìm hiểu họ”.

Sinh viên mới tốt nghiệp Lee Young-seob, 26 tuổi, lo rằng việc hẹn hò sẽ làm anh mất tập trung trong quá trình tìm việc. “Sự nghiệp là điều quan trọng nhất đối với tôi, nhưng nếu tôi hẹn hò ai đó trong khi đang tìm việc, tôi sẽ trở nên lo lắng và không thể toàn tâm toàn ý vào mối quan hệ này”.

Hẹn hò có thể rất đắt đỏ. Công ty mai mối Duo ước lượng chi phí trung bình cho một cuộc hẹn là 63.495 won (khoảng 55 USD). Mức lương của những người có công việc lương thấp là 8.350 won (7,22 USD) mỗi giờ, nghĩa là họ phải làm việc 7,6 giờ để chi trả cho một cuộc hẹn.

Trong một khảo sát của công ty nghiên cứu thị trường Embrain, 81% người trả lời cho biết chi phí hẹn hò là vấn đề gây áp lực trong các mối quan hệ. Một nửa số người được khảo sát nói rằng kể cả khi họ gặp được người mình thích, họ cũng sẽ không hẹn hò nếu điều kiện tài chính của đối phương không tốt.

“Vì việc làm rất khó kiếm, nên tiền để tiêu xài không nhiều”, Kim, một người làm việc bán thời gian tại chuồng ngựa nói. “Khi bạn gặp người mình thích, bạn chỉ muốn dành tất cả cho người ấy, nhưng hiện tại, hẹn hò ai đó là cả một vấn đề”.

Bae, giảng viên tại đại học Sejong, cho biết đây là tư tưởng bà muốn thay đổi thông qua bài tập hẹn hò. Trong các bài tập này, sinh viên chỉ được tiêu không quá 10.000 won (9 USD) cho mỗi cuộc hẹn.

“Nhiều sinh viên cứ nghĩ có tiền mới có thể hẹn hò”, bà nói. “Nhưng khi họ làm bài tập này, họ nhận ra rằng chỉ cần suy nghĩ sáng tạo một chút, sẽ có rất nhiều cách tận hưởng khoảng thời gian bên nhau mà không phải tiêu quá nhiều tiền”.

Nỗi lo an toàn

Tiền bạc không phải là vấn đề duy nhất đối với các sinh viên trong khóa học của Bae. Họ thường dẫn ra nhiều câu chuyện về tội phạm tình dục, thị dâm và phân biệt giới tính, tất cả đã trờ thành vấn đề nổi cộm trong xã hội Hàn Quốc hiện nay.

Đã có 32.000 vụ bạo lực tình dục được báo cáo với cảnh sát trong năm 2017, so với 16.000 vụ năm 2008, theo dữ liệu từ Cơ quan cảnh sát quốc gia.

Trong đó, số lượng bạo hành trong các đôi đã tăng vọt. Giữa năm 2016 và 2018, số vụ nạn nhân vị bạo hành bởi người yêu hoặc đối tượng hẹn hò đã tăng từ 9.000 lên gần 19.000.

Sinh viên đại học Lee Ji-su, 21 tuổi, cho biết cô đã không còn muốn hẹn hò sau khi một người bạn bị bạo hành bởi người yêu cũ vì cô này chia tay với anh ta. Lee nói bạn cô đã khiếp sợ khi người đàn ông cứ liên tục đến nhà cô ấy.

“Sau khi thấy bạn phải chịu cảnh bạo hành như vậy, tôi nhận ra mình phải cẩn trọng hơn khi lựa chọn người yêu, nhưng khó mà tìm được người đàn ông đáng tin cậy”, Lee nói.

“Nó khiến tôi tự hỏi liệu việc hẹn hò có quan trọng với mình đến vậy nếu tôi phải dành quá nhiều thời gian tìm kiếm người mình có thể tin tưởng”.

Kể cả với những phụ nữ không bị bạo hành bởi người yêu, vẫn còn một vấn đề khác: quay phim bất chính. Phim ảnh khiêu dâm là vấn đề nghiêm trọng tại Hàn Quốc, với hơn 6.400 vụ ghi hình trái phép được trình báo với cảnh sát năm 2017.

Theo Bộ bình đẳng giới và gia đình, 65% các trường hợp được báo cáo với Trung tâm phòng chống Tội phạm tình dục kỹ thuật số năm ngoái có liên quan đến việc quay lén người quen hoặc người yêu.

Trong những tháng gần đây, một vụ bê bối lớn có liên quan đến nhiều ca sĩ nổi tiếng đã cho thấy mức độ tràn lan của hành vi này. Ca sĩ Jung Joon-young đã bị bắt hồi tháng 3 vì những cáo buộc quay phim phụ nữ đang quan hệ tình dục mà không có sự đồng ý của họ, sau đó chia sẻ những video này.

“Vụ bê bối của K-Pop đã là một cú sốc lớn với mọi người, đặc biệt là phụ nữ”, Bae nói. “Tôi nghĩ giờ đây các cô gái không khỏi lo sợ khi tự hỏi: ‘Liệu bạn trai có quay phim mình khi đang quan hệ với anh ta?’”.

Kim Ji-yeon, sinh viên 23 tuổi, cho biết cô thấy sợ hãi trước những gì bạn trai cô đã có thể nói hoặc làm sau lưng mình sau khi nhìn thấy tin nhắn anh ta gửi cho bạn bè. Tin viết: “Tao không thể quan hệ vì bạn gái đang đến kỳ. Đúng là đồ khốn”.

“Tôi đã bị xúc phạm”, Kim nói. “Tôi thấy bị phản bội khủng khiếp khi người mình tin tưởng lại đi nói những điều như vậy sau lưng mình. Tôi cảm thấy mình chỉ như một món đồ”.

Cô chia tay với bạn trai, và không còn hẹn hò ai sau đó, nói rằng cô không muốn mạo hiểm yêu phải một kẻ có thể còn tồi tệ hơn.

Nỗi sợ hẹn hò của giới trẻ Hàn Quốc - Ảnh 2.

Khóa học “Giới tính và văn hóa” tại Đại học Sejong, Seoul. Ảnh: CNN.


Hiểu được sự khác biệt

Hàn Quốc từ lâu đã tồn tại việc đề cao nam giới, gây ra những vấn đề được khuếch đại bởi thiếu vắng giáo dục giới tính cho đàn ông – không kể việc xem phim khiêu dâm.

“Học sinh được biết về tình dục qua phim khiêu dâm nhiều hơn là giáo dục giới tính”, Bae nói. “Điều chúng (thường) học được là tình dục phải bạo lực và phụ nữ chỉ là những đồ vật. Vì vậy, chúng thường có quan điểm lệch lạc về tình dục”.

Các trường học được yêu cầu phải dạy ít nhất 15 giờ giáo dục giới tính mỗi năm bắt đầu từ khi học sinh 6 tuổi, một công chức tại Bộ Giáo dục Hàn Quốc nói.

Nhưng nhiều người cho rằng thế vẫn là chưa đủ. Trong một khảo sát năm 2019 thực hiện bởi Viện Phát triển phụ nữ Hàn Quốc, 67% người được hỏi cho biết các bài giảng giáo dục giới tính họ nhận được ở trường không giúp ích gì nhiều.

“Phần lớn bạn bè tôi biết tới tình dục thông qua phim khiêu dâm. Họ xem và nghĩ ‘Mình phải làm thế này’, hoặc ‘Nếu mình làm vậy thì cô ấy sẽ thích’”, Kim Jong-hyup, nam sinh tại Sejoung cho biết. “Vì vậy họ thường mắc sai lầm khi có trải nghiệm tình dục đầu tiên”.

Để sửa chữa những quan niệm sai lầm này, lớp của Bae cung cấp những thông tin về tình dục như làm thế nào để đạt cực khoái, vùng kích thích và quan trọng nhất là tâm lý tình dục và vai trò giới trong đó.

“Mục tiêu (của lớp học) là hiểu được sự khác biệt của từng người, đặc biệt giữa nam và nữ giới, cách xây dựng mối quan hệ tốt đẹp và trở thành người tốt nhờ quan tâm và tôn trọng người khác, bà nói. “Tôi nghĩ hiểu nhau là điều bắt buộc khi chúng ta cũng nhau tạo ra một thế giới tốt đẹp và hạnh phúc hơn”.

Kim đồng tình với điều này. “Nhờ tham gia lớp học, tôi đã có thể đặt mình vào vị trí của phụ nữ và có những hiểu biết khách quan về giới tính còn lại”, anh nói, cho biết thêm rằng lớp học đã khiến anh “muốn hẹn hò trở lại”.

Theo Minh Ngọc

Cùng chuyên mục
XEM