Nỗi lo của các trang trại gà trước dịch cúm gia cầm ở Trung Quốc

27/02/2017 08:42 AM | Xã hội

Trước thông tin dịch cúm gia cầm xảy ra ở Trung Quốc, một số trang trại chăn nuôi gà ở tỉnh Đồng Nai như đang ngồi... trên lửa!

Nhiều trang trại gà đang lo ngay ngáy nguy cơ gà bệnh, gà thải từ Trung Quốc với giá siêu rẻ sẽ tìm cách tuồn lậu vào Việt Nam, lúc đó giết chết ngành chăn nuôi gia cầm trong nước vốn đã lao đao.

Ông Trần Phi Sơn, chủ trang trại gà trắng ở phường Trảng Dài, TP Biên Hòa cho biết, hiện nay thời tiết phía Nam đang bước vào mùa khô lạnh, là mùa gia cầm có khả năng nhiễm bệnh cao, vì vậy trước mắt trại sẽ thực hiện những biện pháp “an toàn sinh học” từ con giống, kỹ thuật chăm sóc và giết mổ.

Bắt đầu từ giữa tháng 2, trại ông Sơn ráo riết đẩy mạnh, siết chặt hơn nữa biện pháp sinh học bằng cách tăng cường lập hàng rào bao quanh trang trại nhằm khử trùng, không để bụi bẩn, côn trùng nơi khác xâm nhập trang trại, nói chung là kiểm soát mọi thứ đều nghiêm ngặt.

“Trước đây, công tác an toàn sinh học cho gà, chúng tôi thực hiện 1-2 lần/tuần thì nay tăng lên 1 lần/ngày, cố gắng tối đa để dịch bệnh không có cơ hội xuất hiện”, ông Sơn nói.

Bà Phạm Hải Châu, chủ trại gà ở xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom, cho biết thêm, hiện nay người nuôi gà đang lỗ vì giá bán thấp. Trong đó, giá gà công nghiệp chỉ còn khoảng 17 ngàn đồng/kg bán tại trại. Nếu tính thêm công nuôi, người nuôi gà lỗ bình quân trên dưới 7.000 đồng/kg.

“Tôi đang lo là dịch cúm gia cầm bùng phát ở Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi gia cầm trong nước. Lý do chính, lâu nay gà sống, gà thịt, nội tạng gà không rõ nguồn gốc, được cho là gà loại thải từ Trung Quốc vẫn nhập lậu nhiều vào Việt Nam. Có thời điểm loại gà này được bán với giá như rác, có 3.000-4.000 đồng/kg”.

Bà Châu cũng cho biết, từ sau tết thì sức tiêu thụ gà giảm từ 10-20%. Đây là thời điểm sức mua có xu hướng tăng nhẹ nhưng do thông tin về dịch cúm gia cầm nên tình hình tiêu thụ mặc nhiên bị ảnh hưởng.

- Liệu có khả năng nguồn gia cầm bị dịch bệnh từ phía Trung Quốc sẽ có nguy cơ tuồn vào thị trường Việt Nam không? Tôi đặt câu hỏi.

“Đối với nguồn nguyên liệu, tức gia cầm còn sống thì người tiêu dùng ở một số tỉnh giáp biên giới Trung Quốc nên cẩn trọng vì có thể được tuồn qua bằng đường tiểu ngạch. Tuy nhiên, đối với các tỉnh thành phía Nam thì người tiêu dùng có thể yên tâm vì khoảng cách địa lý xa, quá trình vận chuyển tốn thời gian, chi phí, trong khi giá gà trên thị trường hiện không cao nên việc thương lái vận chuyển vào là hoàn toàn không khả thi”, bà Châu chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Văn Ngọc, PCT Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ, dịch cúm gia cầm khiến giá thịt gà Trung Quốc rớt xuống đáy còn 0,76 USD/kg, mức thấp nhất trong hơn 10 năm qua. Hơn nữa, nhiều chợ gia cầm sống ở Trung Quốc đã đóng cửa để ngăn dịch bệnh lây lan. Điều này gây áp lực rất lớn đối với ngành chăn nuôi Trung Quốc vốn nguồn cung đang vượt cầu.

“Vì vậy, chúng tôi đang lo, gà “chạy” dịch siêu rẻ hay gà loại thải Trung Quốc sẽ được tuồn lậu vào Việt Nam sắp tới bán rẻ cho các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi trong nước”, ông Ngọc nói.

1 kg gà trắng bằng 1 kg rau!

Giá gà trắng các trại trong tỉnh Đồng Nai bán ra chỉ còn 15-16 ngàn đồng/kg, giảm hơn 10 ngàn đồng/kg so với cách đây khoảng 1 tháng. Nguyên nhân khiến giá gà trắng giảm mạnh là do cung vượt cầu. Giá thịt gà nhập khẩu về bán sỉ chỉ có 17-20 ngàn đồng/kg, khiến cho giá thịt gà trong nước giảm sâu (thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây).

Hiện 1kg gà trắng thịt bán ra, người chăn nuôi phải chịu thua lỗ từ 8-10 ngàn đồng, càng nuôi nhiều càng lỗ lớn, có trại mất gần 1 tỷ đồng. Đồng Nai là địa phương chăn nuôi gà lớn thứ 2 cả nước với tổng đàn gần 20 triệu con. Trong đó, có trên 80% tổng đàn gà được nuôi theo quy trình trang trại tập trung, khép kín, đảm bảo an toàn dịch bệnh....

Theo Nhật Vy

Cùng chuyên mục
XEM