Nỗi khổ của y bác sĩ Việt Nam: Một góc nhìn từ nước Úc

01/04/2017 10:23 AM | Sống

Chế độ phụ cấp cho một bác sĩ ở VN: Tiền độc hại khi có mặt làm việc ở khoa truyền nhiễm là 15.000đ/ngày; chọc dịch màng phổi 6.000đ/ca…

Rất yêu nghề mới dám học ngành Y

Tôi biết một bác sỹ người Việt khi cháu sang Adelaide thực tập 5 tháng theo một chương trình học bổng.

Cháu là bác sỹ chuyên khoa ở một bệnh viện lớn ở Sài Gòn, còn trẻ và hiền lành. Hỏi chuyện gia đình, cháu cho biết cháu sống ở thành phố một mình, con gái mới sinh, vợ con ở xa, cháu chỉ lâu lâu mới về thăm và ăn cơm "bụi" hàng ngày.

"Có thể đưa vợ con về gần được không?" - "Dạ, cũng còn khó lắm, chưa làm ngay được ạ".

Vốn thực tế theo kiểu đàn bà, tôi hỏi cháu về thu nhập của mình. Cháu ngập ngừng bảo không nhớ chi tiết và cho tôi vài con số làm tôi chưng hửng.

Tuy nhiên, sau đó cháu cũng cho tôi chi tiết hơn. Lương chính 7,4 triệu. Bồi dưỡng làm thủ thuật chuyên môn loại 1 như nội soi phế quản là 37.000 đ/ca. Sinh thiết màng phổi 20.000đ/ca, chọc dịch màng phổi 6.000đ/ca. Tiền độc hại khi có mặt làm việc ở khoa truyền nhiễm là 15.000đ/ngày.....

Tôi cho là cháu còn thuộc loại được ưu ái vì chịu khó và có năng lực. Còn bạn cháu, không qua nội trú như cháu, muốn vào bệnh viện lớn cần lận lưng một khoản tiền khoảng 300 triệu.

Mười lăm năm trước cháu gái tôi, cũng qua nội trú, qua cả cao học về đông y, nhưng không xin nổi việc làm trong ngành vì bố mẹ làm gì có đủ tiền cho con xin việc...

Học ngành y đã khó từ lúc thi đầu vào, rồi cặm cụi học hành, thực tập, thời gian học lại lâu đến gấp đôi các đại học khác, rồi ra trường lại khó xin việc. Tôi tin là chỉ có bạn trẻ nào rất yêu nghề mới dám học ngành này.

Nhưng tôi không hiểu nổi điều này: Bác sỹ, điều dưỡng làm việc vất vả, tiền lương ít, nhiều bạn cần số tiền lớn như vậy thì bao nhiêu năm mới đủ "bù" lại?

Và còn nhiều bạn bác sỹ hay điều dưỡng mới ra trường đi làm không lương với hy vọng xin được việc, bao nhiêu bạn rồi sẽ đạt?

Bị xúc phạm, chỉ cần bấm nút

Tôi may mắn làm trong ngành chăm sóc sức khoẻ của Úc. Người ta tiến xa hơn Việt Nam mình nên chúng tôi được làm việc trong môi trường tốt hơn.

Tốt hơn, là lương đủ sống, là không phải chạy chọt khi xin việc miễn là mình đạt tiêu chuẩn cần tuyển dụng. Nếu không, người nhập cư như tôi làm gì có việc làm.

Tốt hơn, là người ta tuyển dụng đủ số lượng bác sỹ và điều dưỡng, để một bác sỹ không phải khám cả dăm chục bệnh nhân một ngày hay một điều dưỡng phải "chăm sóc" vài chục bệnh nhân một ca.

Tốt hơn, vì họ không xây hội trường, khu hành chính/giám đốc to đẹp và đầy đủ thiết bị mà khoa điều trị thì chật chội và thiếu tiện nghi.

Tốt hơn, vì chính phủ Úc biết rằng nhân viên y tế được quan tâm tốt thì bệnh nhân mới đươc chăm sóc tốt.

Chúng tôi có chỗ ngồi yên ổn và riêng biệt với ly cà phê hay ly trà miễn phí trong giờ giải lao 15 phút hay giờ nghỉ 30 phút bữa giữa ca với đồ ăn tự mang theo.

Tuy phòng điều dưỡng luôn mở như quầy tiếp tân để tiện giao tiếp với bệnh nhân và người nhà, nhưng nếu bệnh nhân hay người nhà có thái độ hung hăng, lời nói xúc phạm thì điều dưỡng có thể bấm nút báo động, bảo vệ sẽ đến ngay.

Khoa cấp cứu trong các bệnh viện lớn luôn có phòng bảo vệ cạnh đó, họ túc trực 24/24.

Nếu về Việt Nam tôi có phải chuyển nghề?

Chúng tôi còn được làm việc trong điều kiện vệ sinh an toàn hơn, dụng cụ, đồ để khử trùng hay bảo hộ y tế có sẵn xung quanh và được nhắc nhở sử dụng đúng cách để giảm nhiễm trùng và lây nhiễm cho bệnh nhân và cho nhân viên y tế.

Về mặt chuyên môn, các bác sỹ hay điều dưỡng mới ra trường đều được giúp đỡ tận tình. Hàng năm, bác sỹ hay điều dưỡng được tập huấn cả thực hành và lý thuyết (chủ yếu qua mạng) về các kỹ năng chung theo tiêu chuẩn nghề nghiệp và họ phải chiểu theo những tiêu chuẩn đó mà đăng ký hành nghề lại.

Việc "nhắc nhở" này sẽ giúp nhân viên y tế chúng tôi gìn giữ, nâng cao khả năng chuyên môn và kỹ năng giao tiếp với bệnh nhân.

Thử đặt mình vào vị trí bệnh nhân mà coi. Đi khám bệnh. nhận đơn thuốc mà không biết bệnh mình ra sao, nhìn thái độ của thày thuốc thì không dám hỏi, mà hỏi thì cũng chỉ được trả lời qua loa, thì bạn có an tâm không?

Bác sỹ không chữa được mọi bệnh tật và cũng không thể biết hết mọi thứ nhưng bác sỹ có thể thành thật giải thích cho bệnh nhân và gia đình hiểu về chẩn đoán, hướng điều trị có thể lựa chọn và rủi ro kèm theo để gia đình và bệnh nhân thông cảm và an tâm.

Làm việc trong sự cảm thông và tin tưởng của bệnh nhân và gia đình, sẽ làm cho bạn ít mệt mỏi hơn.

Thành ra, có vẻ như sự khác biệt là chúng tôi được chăm sóc về đời sống và rà soát về chuyên môn kỹ hơn phần đông các nhân viên y tế ở Việt Nam.

Phàm là con người thì ai và ở đâu cũng có thể mắc lỗi, nhầm lẫn. Nhưng trong một hệ thống có học hỏi thường xuyên và kiểm tra kép liên tục thì lỗi chuyên môn ít hơn, cả bệnh nhân và thầy thuốc đều an toàn hơn.

Nếu ở Việt Nam, các bạn được đào tạo và làm việc trong một hệ thống như ở Úc, tôi tin các bạn cũng sẽ làm việc hết mình vì bệnh nhân, không bao giờ nhận tiền từ bệnh nhân, và sẽ được bệnh nhân cảm thông và tin tưởng.

Nhưng nếu tôi ở Việt Nam, liệu tôi có phải đổi nghề vì không chuẩn bị đủ tiền để có một công việc?

Cho nên, cái "hệ thống" nuôi chúng ta mới quan trọng. Nước Úc đã tạo ra và đang cố gắng duy trì một hệ thống y tế để mọi người từ dân nghèo đến người lãnh đạo đều có thể an tâm khi vào bệnh viện, không cần quen biết, gửi gắm, không cần lo tiền bạc.

Hiểu rằng nước mình vẫn còn nghèo, tôi vẫn mong sao cho nhân viên y tế đủ sống bằng tiền lương, được làm việc trong môi trường an toàn và thân ái, được kiểm tra và bồi bổ kiến thức chuyên môn thường xuyên, để họ an tâm hành nghề cứu người.

Hiện tại, số bác sỹ sống khỏe và giàu có ở Việt Nam chỉ là thiểu số, điều dưỡng viên và nhân viên y tế khác lại càng khó mong được như vậy.

Và phải nằm viện vẫn là nỗi kinh hoàng không chỉ đối với đa số bệnh nhân, mà còn cho cả người thân của họ.

Mong sao nghề Y luôn là nghề tuyệt vời có thể làm giảm nỗi đau sinh tử của con người, để bệnh viện đích thực là nhà thương.

Với riêng tôi, tôi mong cho cháu bác sỹ tôi quen sớm thu xếp được gia đình nhỏ bé của mình, không phải một mình ngồi quán cơm "bụi" hàng ngày sau giờ chữa bệnh.

Theo Nguyễn Thị Nhuận

Cùng chuyên mục
XEM