Nỗi buồn khó nói của những thanh niên 35 tuổi không thể tìm được việc, sống nhờ lương hưu của bố mẹ

01/12/2016 09:33 AM | Kinh doanh

Ở Nhật Bản – nền kinh tế lớn bậc nhất châu Á, những người trưởng thành đang phải sống cùng với bố mẹ họ lâu hơn do gặp khó khăn trong việc tự nuôi sống bản thân.

Có một thực tế là ở cả Nhật Bản và Hàn Quốc đang xảy ra tình trạng dân số già hóa và tốc độ tăng trưởng nền kinh tế chậm. Những điều này đã làm gia tăng đáng kể số lượng các hộ gia đình có cha mẹ ngày càng già yếu nhưng vẫn phải nuôi những người con đã trưởng thành của họ - những người không có khả năng tách khỏi gia đình để sống tự lập. Trong một vài trường hợp, thực tế này buộc những bậc cha mẹ già yếu phải hoãn nghỉ hưu và tiếp tục làm việc.

Tỷ lệ thất nghiệp trong những người trẻ tuổi luôn ở mức cao là nguyên nhân chính gây ra những vấn đề trong xã hội Hàn Quốc.

Nhật Bản còn gặp nhiều vấn đề khó khăn hơn. Tại đây, số lượng người lao động làm việc bán thời gian và hợp đồng thường đi kèm với mức lương thấp và không bảo đảm.

Trong cả 2 trường hợp, cơ hội cho những sinh viên tốt nghiệp cấp 3 và đại học có thể tìm được một công việc ổn định lâu dài trong các văn phòng hoặc nhà máy là không chắc chắn và điều này gây ảnh hưởng trực tiếp với cha mẹ họ.

Tại Nhật Bản, hơn 3 triệu người độc thân trong độ tuổi từ 35 – 44 vẫn sống cùng bố mẹ theo thống kê của chính phủ. Khoảng 620.000 người vẫn thất nghiệp và họ đã ngừng tìm việc hoặc chỉ thỉnh thoảng mới đi làm.

Số lượng người trong độ tuổi 35 - 44 sống cùng cha mẹ (màu xanh) và những người sống dựa vào lương và thu nhập của cha mẹ họ (màu đỏ) tại Nhật Bản.

“Trong nhiều trường hợp, những người này phải từ bỏ cố gắng sau suốt 4 - 5 năm liền thất bại khi xin việc”, theo Fumihiko Nishi – chuyên gia nghiên cứu tại Viện nghiên cứu và đào tạo thống kê. “Hầu hết họ đều không có thu nhập”. Khi đến ngưỡng tuổi 30, việc tiến hành những thay đổi trong cuộc sống lại càng trở nên khó khăn hơn và cuối cùng họ buộc phải sống nhờ thu nhập và đồng lương hưu của cha mẹ.

Theo số liệu công bố từ năm 2012 của Nishi, cứ 1 trong 2 người trong độ tuổi từ 20 – 34 tại Nhật Bản độc thân và đang sống cùng cha mẹ. Con số này tương đương với hơn 10 triệu người. Trong khi tỷ lệ này đã tăng đáng kể, nhưng số lượng người trong nhóm này trong bối cảnh tổng dân số giảm.

Biểu đồ nhân khẩu học của Hàn Quốc dường như cũng đang diễn biến theo hướng giống Nhật Bản: Tỷ lệ những hộ gia đình có con chưa kết hôn ở tuổi 25 hoặc hơn đã tăng lên 26% vào năm 2010 từ mức 9% vào năm 1985 theo báo cáo của Viện Y tế và trợ cấp xã hội Hàn Quốc.

Báo cáo đề cập tới nhóm dân số này và gọi họ là “bộ tộc kangaroo” – ý chỉ những người phải sống phụ thuộc hoàn toàn vào cha mẹ, chưa tốt nghiệp đại học, không đi làm cũng chẳng lập gia đình.

Một khảo sát riêng từ viện này cho thấy mức chi phí trung bình mà các bậc cha mẹ phải hỗ trợ những đứa con đã trưởng thành của mình là 740.000 won (tương đương 630 USD) mỗi tháng.

Số lượng những "bộ tộc kangaroo" tại Hàn Quốc

Tại cả Hàn Quốc và Nhật Bản, xu hướng này xảy ra đồng thời với việc các bậc cha mẹ sẽ phải tiếp tục làm việc lâu hơn dù là để dành dụm tiền nghỉ hưu hay để nuôi những người con đã lớn của họ.

Tại Hàn Quốc, số lượng người lao động trong độ tuổi từ 60 trở lên tăng đều đặn trong khi đó những người trong độ tuổi 20 lại có nhiều thay đổi. Theo thống kê, trong quý 3 vừa qua, số lượng người lao động trong độ tuổi từ 60 trở lên là 4,1 triệu người so với mức 3,8 triệu người trong độ tuổi 20 – 29.

Điều tương tự cũng đang xảy ra tại Nhật Bản.

Tỷ lệ lao động trong độ tuổi 65 trở lên tại Nhật Bản ngày một tăng.

Điều đáng nói là việc các bậc cha mẹ già yếu phải làm việc lâu hơn để nuôi con tạo ra “vòng luẩn quẩn” - làm giảm lượng cơ hội nghề nghiệp cho những lao động mới theo chuyên gia kinh tế đến từ Standard Chartered có trụ sở tại Seoul.

Tháng 10 vừa qua, tại Hàn Quốc tỷ lệ thanh niên trong độ tuổi từ 15 – 29 thất nghiệp là 8,5%, gấp 2 lần con số 3,4% tổng dân số.

Ở một số quốc gia châu Á khác như Trung Quốc, việc đại gia đình lớn sống chung với nhau đã trở thành một chuẩn mực văn hoá.

Tại Hong Kong – một trong những thị trường bất động sản đắt đỏ nhất thế giới, khoảng 53% lao động nam và 47% lao động nữ trong độ tuổi từ 15 - 34 sống với bố mẹ trong năm 2015. Khoảng 29% người trưởng thành tại Úc sống với bố mẹ của họ theo dữ liệu năm 2011, tăng từ 21% vào năm 1976.

Tương tự, khoảng 97% những người chưa lập gia đình trong độ tuổi 15 – 34 sống với cha mẹ họ tại Singapore vào năm 2013. Trong khi số người đã lập gia đình là 37%.

Tại Indonesia thì những người trẻ tuổi nhìn chung ở nhà cho tới khi họ lập gia đình, 67% số người trong độ tuổi từ 16 – 30 sống với gia đình lớn của mình (mặc dù không nhất thiết là với bố mẹ) theo một nghiên cứu vào năm 2015.

Một khảo sát được thực hiện tại Úc, Trung Quốc, Hong Kong, Nhật Bản và Ấn Độ bởi CBRE nhận thấy rằng khoảng 2/3 người trẻ ở khu vực châu Á Thái Bình Dương (trong độ tuổi 22 – 29) đang sống tại nhà và 18% không có kế hoạch chuyển ra ngoài với lý do phổ biến là giá bất động sản quá đắt đỏ.

Hong Kong và Ấn Độ là 2 nơi có tỷ lệ người trẻ tuổi vẫn sống với gia đình cao nhất.

Trái với suy nghĩ của nhiều người nguyên nhân có thể là bởi văn hoá người châu Á vốn không muốn có nhà riêng. Thực tế 65% người được khảo sát muốn mua nhà, theo dữ liệu CBRE.

Dẫu vậy, vẫn còn một tín hiệu an ủi đối với thế hệ những người trẻ tuổi không thể rời khỏi gia đình để tự lập nghiệp đó là châu Á được dự đoán là khu vực sẽ có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh bậc nhất thế giới.

Vân Đàm

Cùng chuyên mục
XEM