Nobel Kinh tế 2017 - Cú lội ngược dòng của kinh tế học hành vi

10/10/2017 11:48 AM | Xã hội

Dĩ nhiên quyết định vinh danh Thaler của Ủy ban trao giải là 1 sự ghi nhận đối với những thành tựu mà cá nhân ông đã đạt được. Tuy nhiên, đây cũng là một chiến thắng dành cho kinh tế học hành vi.

Cách đây không lâu, bất kỳ lý thuyết kinh tế nào cũng được đưa ra dựa trên quan điểm con người là những chủ thể hành động dựa trên lý trí và sẽ tối ưu hóa lợi ích của bản thân. Các chuyên gia kinh tế sẽ bác bỏ bất kỳ quan điểm nào đi ngược lại điều đó.

Tuy nhiên, vài thập kỷ trở lại đây, những nhà kinh tế học hành vi như Richard Thaler đã đi được những bước tiến lớn trong việc loại bỏ quan điểm trên. Họ kết hợp nhuần nhuyễn các lý thuyết kinh tế với những góc nhìn tâm lý học sâu sắc để chứng minh rằng các quyết định kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi những thiên kiến nhận thức. Và hôm qua (9/10), công trình của Thaler đã được ghi nhận ở mức độ cao nhất khi ông giành giải Nobel Kinh tế , trở thành một trong số rất ít những nhà kinh tế học hành vi được trao giải thưởng danh giá này.

Richard Thaler có một sự nghiệp đã kéo dài hơn 4 thập kỷ, trong đó 20 năm gần đây sự nghiệp của ông gắn liền với trường kinh doanh Booth của ĐH Chicago. Công trình nghiên cứu của ông tiếp cận nhiều chủ đề phong phú, từ giá tài sản đến tiết kiệm cá nhân và tội phạm kinh tế. Ví dụ, ông đã phát triển lý thuyết về “tính toán cảm tính” (mental accounting) giải thích trong quá trình đưa ra các quyết định tài chính con người chỉ nhìn vào những tác động hạn hẹp của những quyết định đơn lẻ thay vì nhìn vào bức tranh tổng thể. Ủy ban trao giải Nobel cũng nhấn mạnh nghiên cứu của Thaler về mâu thuẫn giữa kế hoạch dài hạn và những cám dỗ thôi thúc con người hành động trong ngắn hạn.

Giải Nobel sẽ giúp những lập luận của Thaler có thể tiếp cận với nhiều người hơn. Hiện ông thường xuyên viết bài cho tạp chí uy tín Journal of Economic Perspectives, miêu tả chi tiết hơn về những ví dụ cho thấy có nhiều hành vi kinh tế đi ngược lại với những quan điểm kinh tế học vi mô truyền thống. Ông cũng viết một vài cuốn sách về kinh tế học hành vi ở góc độ đại trà hơn.

Tuy nhiên, có lẽ Thaler nổi tiếng nhất với vai trò là người đi tiên phong cho lý thuyết “cú huých” – cách sử dụng sự hiểu biết sâu sắc về hành vi của con người để đưa ra những công cụ chính sách công hiệu quả nhất. Mặc dù ý tưởng này không phải là mới, các doanh nghiệp từ lâu đã áp dụng khoa học hành vi để “lái” phản ứng của khách hàng, trước đó các Chính phủ mới chỉ sử dụng yếu tố tâm lý một cách rời rạc, không thường xuyên.

Điều này bắt đầu thay đổi khi giáo sư Thaler cùng với người đồng nghiệp Cass Sunstein (học giả tại ĐH Harvard) xuất bản cuốn sách có tựa đề “Nudge” (tạm dịch: Cú huých) năm 2008. Cuốn sách tấn công giả thiết trong mọi mô hình kinh tế các quyết định đều được đưa ra dựa trên lý trí và chứng minh hoàn cảnh có thể thay đổi như thế nào nếu như những nhà hoạch định chính sách đưa ra quyết định tốt hơn.

Năm 2010, Thaler đã cố vấn cho Chính phủ Anh thành lập Behavioural Insights Team (tạm dịch: nhóm hiểu thấu hành vi) với nhiệm vụ đưa những ý tưởng của họ vào thực tiễn. Dự án thành công đến nỗi giờ đây nhóm này đã phát triển thành 1 công ty bán tư nhân đi cố vấn cho các Chính phủ trên khắp thế giới.

Từ vị thế là kẻ bị ruồng bỏ trong cộng đồng kinh tế học chỉ cách đây vài thập kỷ, giờ đây kinh tế học hành vi đã có được chỗ đứng vững chãi không chỉ trong giới hàn lâm mà cả trong các Chính phủ trên toàn thế giới. Từ Australia đến Mỹ hay những định chế quốc tế như World Bank và Liên hợp quốc, phương pháp tiếp cận “cú huých” đã được nhân bản.

Dĩ nhiên quyết định vinh danh Thaler của Ủy ban trao giải là 1 sự ghi nhận đối với những thành tựu mà cá nhân ông đã đạt được. Tuy nhiên, đây cũng là một chiến thắng dành cho kinh tế học hành vi.

Theo Thu Hương

Cùng chuyên mục
XEM