Nợ xấu trước “thời cuộc” mới

28/03/2017 16:58 PM | Kinh tế vĩ mô

Với những cơ chế mới về hoạt động cho vay vừa được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành cùng việc dự thảo về một số giải pháp cụ thể trong xử lý nợ xấu, xử lý ngân hàng yếu kém, “nút thắt” nợ xấu được kỳ vọng sẽ có nhiều bước tiến mới trong thời gian sắp tới.

Những quy định mới

Thời gian qua, NHNN và các cấp có thẩm quyền đã ban hành nhiều quy định pháp lý trong việc xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD). Cụ thể: Luật NHNN Việt Nam, Luật các TCTD 2010, Đề án “Xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng” và Đề án “Thành lập Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC)”...

Nhờ những biện pháp quyết liệt, theo NHNN, nợ xấu đã được kiềm chế, đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng đến cuối năm 2016 về mức 2,46% (giảm so với mức 2,55% vào cuối năm 2015). Trong đó, tính đến 31/12/2016, nợ còn phải xử lý tại VAMC khoảng 190.000 tỷ đồng; nợ tồn đọng tại khâu thi hành án tính đến 30/9/2016 là khoảng 58.998 tỷ đồng.

Theo đánh giá của các chuyên gia, việc xử lý nợ xấu bước đầu đã đạt được kết quả khả quan, nhưng giá trị nợ xấu hiện tại và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu vẫn còn lớn, ẩn chứa rủi ro đối với an toàn, hiệu quả hoạt động của các TCTD; cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước và Chính phủ cho xử lý nợ xấu, pháp luật về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm còn nhiều bất cập; thiếu nguồn lực và cơ chế đặc thù cho VAMC hoạt động. Đồng thời, hệ thống các TCTD vẫn còn tồn tại một số TCTD có tỷ lệ nợ xấu cao, chủ yếu tập trung ở các TCTD được kiểm soát đặc biệt và một số công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính yếu kém, do đó đòi hỏi cần phải tiếp tục và sớm có giải pháp xử lý quyết liệt trong thời gian tới không để tác động xấu đến an toàn hệ thống và bảo đảm tính khả thi của việc xử lý TCTD yếu kém.

Mới đây, NHNN đã đưa ra dự thảo Nghị định quy định chi tiết việc thẩm định giá khởi điểm khoản nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu và việc thành lập Hội đồng đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu đối với khoản nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu có giá trị lớn.

Dự thảo Nghị định này được xây dựng để hướng dẫn thực hiện Luật Đấu giá tài sản (có hiệu lực từ 1/7/2017), đảm bảo phù hợp với tính chất đặc thù trong hoạt động bán đấu giá khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của VAMC; đảm bảo tiến trình đẩy nhanh hoạt động xử lý nợ xấu của các TCTD, VAMC.

Nhận xét về vấn đề này, theo Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico, việc xử lý nợ xấu còn nhiều khó khăn do phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố nằm ngoài sự kiểm soát của ngân hàng. Đặc biệt, việc xử lý tài sản đảm bảo còn nhiều gian nan vì quy định pháp luật còn vướng mắc. Đây cũng là “nỗi niềm” chung của nhiều ngân hàng và các chuyên gia khi nói về việc xử lý nợ xấu.

Cho vay hiệu quả

Cùng với những quy định trên, tại Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng, NHNN đã nới lỏng hơn về lãi suất cho vay khi không có trần lãi suất cho vay cụ thể, trừ một số trường hợp đặc thù; hay việc NHNN đã bám sát thực tế hoạt động cho vay với ba phương thức cho vay mới là: Cho vay lưu vụ, cho vay quay vòng, cho vay tuần hoàn cùng nhiều quy định nhằm đơn giản hóa thủ tục cho vay, đảm bảo minh bạch trong hoạt động cho vay và bảo vệ quyền lợi của khách hàng vay cũng như đảm bảo không làm gia tăng nợ xấu...

Đáng chú ý, Thông tư 39 đã quy định rõ hơn về trường hợp cho vay trả nợ khoản vay tại TCTD cho vay, TCTD khác và phương thức cho vay tuần hoàn. Tuy nhiên, TCTD và khách hàng được thỏa thuận áp dụng cho vay tuần hoàn nếu đáp ứng đủ 4 điều kiện: Đến thời hạn trả nợ, khách hàng có quyền trả nợ hoặc kéo dài thời hạn trả nợ thêm một khoảng thời gian nhất định đối với một phần hoặc toàn bộ số dư nợ gốc của khoản vay; tổng thời hạn vay vốn không vượt quá 12 tháng kể từ ngày giải ngân ban đầu và không vượt quá một chu kỳ hoạt động kinh doanh; tại thời điểm xem xét cho vay, khách hàng không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng; trong quá trình cho vay tuần hoàn, nếu khách hàng có nợ xấu tại các TCTD thì không được thực hiện kéo dài thời hạn trả nợ theo thỏa thuận.

Trong khi trước đó, vào ngày 16/9/2016, Thống đốc NHNN đã ban hành công văn số 6960/NHNN-TTGSNH về chấn chỉnh cho vay mới trả nợ trước hạn và/hoặc cấp tín dụng theo hình thức cho vay tuần hoàn của các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Trong đó, Thống đốc yêu cầu các TCTD dừng thực hiện việc cho vay mới trả nợ trước hạn và/hoặc cấp tín dụng theo hình thức cho vay tuần hoàn.

Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, Thông tư 39 được NHNN quy định rõ hơn và đầy đủ hơn về cho vay tuần hoàn, để phân biệt rõ giữa cho vay tuần hoàn và đảo nợ. Bởi cho vay tuần hoàn và đảo nợ không giống nhau, nên trong quy định này, cơ cấu thời hạn trả nợ vẫn rất chặt chẽ, khiến ngân hàng không thể cho vay đảo nợ, trong khi cho vay đảo nợ là một trong những hình thức giấu nợ xấu của TCTD.

Cho vay tuần hoàn không phải là một phương thức cho vay có tính linh hoạt, giúp DN tiết kiệm được chi phí cho vay, phù hợp với thông lệ quốc tế, giúp ích cho sự phát triển của TCTD và khách hàng. Do đó, các chuyên gia và DN đều “phấn khởi” khi phương thức này lại được tiếp tục, mà vẫn đảm bảo tính an toàn cho việc kiểm soát nợ xấu.

Có thể thấy, những năm qua, NHNN liên tục đưa ra nhiều phương án, chỉ đạo cũng như cơ sở pháp lý để nâng cao hiệu quả của việc xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, vấn đề là làm thế nào để những biện pháp này được đi vào thực thi, để nợ xấu giảm một cách thực chất vẫn cần nhiều thời gian để giải quyết.

Theo Hương Dịu

Cùng chuyên mục
XEM