Nợ xấu ngân hàng sẽ đạt đỉnh vào cuối năm nay?

14/07/2023 18:02 PM | Kinh tế vĩ mô

Các ngân hàng đang tích cực bán các khoản nợ xấu với tài sản thế chấp lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Giới phân tích dự báo nợ xấu của hệ thống ngân hàng sẽ đạt đỉnh vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2024.

Ngày 13/7, Agribank Sài Gòn thông báo bán đấu giá các khoản nợ của Công ty Cổ phần Thành Phố Xanh, Công ty TNHH Âu Á, Công ty TNHH Thương Mại Đầu tư Hoàng Nguyên, Công ty TNHH Đầu tư Khải Phong, Công ty TNHH Đầu tư Nguyên Ngọc, Công ty TNHH MTV Mêkông Đông Dương.

Nợ xấu ngân hàng sẽ đạt đỉnh vào cuối năm nay? - Ảnh 1.

Nợ xấu ngân hàng gia tăng mạnh từ nay đến cuối năm.

Mới nhất, BIDV thông báo bán đấu giá khoản nợ Công ty CP Tập đoàn Phú Minh Sơn và Công ty CP Thanh Tâm. Mức khởi điểm hơn 346 tỷ đồng.

Trong báo cáo của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định, nợ xấu ngân hàng và nợ tiềm ẩn rủi ro tiếp tục tăng. Vào thời điểm cuối quý I năm nay, tỷ lệ nợ xấu nội bảng tăng lên 1,9% từ mức 1,6% cuối 2022, tỷ lệ nợ nhóm 2 cũng tăng lên 2,1%.

VCBS dự báo, rủi ro nợ xấu có thể tăng trở lại trong năm 2024 và có sự phân hóa. Cụ thể, nhóm ngân hàng chất lượng tài sản tốt sẽ ghi nhận nợ xấu và nợ tái cơ cấu kiểm soát ở mức vừa phải; nhóm ngân hàng có tỷ trọng cho vay bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp cao và có tỷ lệ bao phủ nợ xấu thấp có thể sẽ phải đối mặt với rủi ro nợ xấu và áp lực trích lập tăng cao trong năm 2024.

“Trong bối cảnh nợ xấu và nợ tiềm ẩn rủi ro tiếp tục tăng, việc Nghị quyết 42 hết hiệu lực từ cuối năm 2023 đặt ra nhu cầu cấp thiết tiến tới xây dựng Luật xử lý nợ xấu. Việc này sẽ giúp các ngân hàng khoanh nợ xấu, đẩy nhanh tiến độ xử lý tài sản tồn đọng và duy trì tỷ lệ nợ xấu nội bảng dưới mức 3%”, nhóm phân tích đánh giá.

Còn theo thống kê của Công ty chứng khoán Mirae Asset (MASVN), tỷ lệ nợ xấu và nợ xấu mở rộng (bao gồm nợ nhóm 2) của hầu hết các ngân hàng niêm yết đều tăng mạnh trong quý I. Tỷ lệ nợ xấu trung bình của các ngân hàng niêm yết tăng lên mức 2,9% ( tăng 0,4% so với cuối năm 2022) và tiệm cận mức trần nợ xấu là 3% (áp dụng cho ngân hàng mẹ).

Tỷ lệ nợ xấu tăng mạnh chủ yếu đến từ việc lãi suất tăng cao đi kèm với tình hình kinh doanh kém khả quan. Tổng dư nợ cho vay nhóm 3 trở xuống của 27 ngân hàng niêm yết trên sàn chứng khoán đạt 168,3 nghìn tỷ, tăng 21,1% so với cuối năm 2022 và tăng 51,4% so với cùng kỳ. Tỷ lệ nợ dưới chuẩn (bao gồm nợ nhóm 2) trung bình tăng từ 1,4% trong quý 1/2022 lên mức 5,8% trong quý I.

Theo các chuyên gia, tỷ lệ nợ xấu mở rộng cho thấy nợ xấu chưa đạt đỉnh. Ngoài ra, kinh tế vĩ mô nói chung sẽ phục hồi dần nhưng chưa thực sự khả quan. Tuy nhiên, với các biện pháp điều hành linh hoạt từ phía Ngân hàng Nhà nước trong việc cắt giảm lãi suất cũng như những điều chỉnh tạm thời đối với quy định ghi nhận nợ xấu sẽ phần nào giảm áp lực phát sinh nợ xấu mới. Do đó, MASVN kỳ vọng nợ xấu sẽ đạt đỉnh vào cuối năm 2023 hay đầu 2024.

Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư 02 cho phép các ngân hàng thương mại: tái cấu trúc dư nợ (tiêu dùng và sản xuất); tái cấu trúc thời hạn trả nợ lên đến 12 tháng; cho phép ngân hàng thương mại trích lập dần trong năm 2023 và 2024.

Theo Ngọc Mai

Cùng chuyên mục
XEM