Nợ xấu đang được ngành ngân hàng xử lý ra sao?

01/09/2018 09:44 AM | Kinh tế vĩ mô

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết 01 năm triển khai Nghị quyết số 42/2017/QH14 và Quyết định số 1058/QĐ-TTg. Chủ trì Hội nghị có Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng và các Phó Thống đốc NHNN. Phó Thủ tướng Chính phủVương Đình Huệ đã dự và phát biểu chỉ đạo.

Tham dự Hội nghị tại điểm cầu trung tâm Hà Nội có đại diện Ban Kinh tế Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, Ủy Ban Kinh tế Quốc hội, Uỷ Ban Pháp luật Quốc hội, Văn Phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Công an, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao.

Ngoài ra, tại điểm cầu NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố, Hội nghị còn có sự tham dự của đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội tại địa phương, đại diện lãnh đạo UBND tỉnh, thành phố, các sở, ban, ngành liên quan (Công an tỉnh, Sở Tài chính, Cơ quan Thuế, Sở Tư pháp, Sở Tài nguyên môi trường, Tòa án Nhân dân, Viện kiểm sát Nhân dân).

Quyết định số 1058/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã thể hiện được tính đúng đắn trong định hướng chính sách của Quốc hội và Chính phủ, những giải pháp tháo gỡ đã tạo ra triển vọng và niềm tin đối với hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) và nhân dân trong việc xử lý một cách có hiệu quả nợ xấu trong nền kinh tế.

Năng lực tài chính của các TCTD được củng cố, vốn điều lệ tăng nhanh dần qua các năm: Tính đến 30/6/2018, vốn điều lệ của toàn hệ thống ước đạt 519,01 nghìn tỷ đồng, tăng 1,3% so với cuối năm 2017, tăng 6,3% so với cuối năm 2016. Vốn chủ sở hữu của toàn hệ thống ước đạt 720,43 nghìn tỷ đồng, tăng 9,1% so với cuối năm 2017, tăng 21,1% so với cuối năm 2016.

Các giải pháp xử lý nợ xấu được triển khai đồng bộ cùng với các biện pháp kiểm soát, phòng ngừa nợ xấu mới phát sinh đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng tín dụng và giảm tỷ lệ nợ xấu của hệ thống các TCTD.

Bên cạnh đó, Nghị quyết 42 bước đầu đã tạo điều kiện quan trọng góp phần xử lý nợ xấu tại các TCTD, đến cuối tháng 6/2018 tỷ lệ nợ xấu so với so với tổng nợ là 2,09%, giảm so với thời điểm 31/12/2016 (2,46%).

Về thu giữ tài sản bảo đảm, Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) đã thực hiện thu giữ 6 tài sản bảo đảm để xử lý thu hồi nợ, cụ thể: Tài sản bảo đảm của Công ty cổ phần Thép Tân Quốc Duy (bảo đảm cho khoản nợ của Công ty cổ phần Thuận Kiều) tại Đường Kha Vạn Cân, Dĩ An, Bình Dương; Tài sản bảo đảm của nhóm khách hàng Công ty cổ phần Sài Gòn One Tower là Dự án đầu tư Cao ốc phức hợp Sài Gòn M&C tại địa chỉ 34 Tôn Đức Thắng, quận 1, TP.HCM - khoản nợ xấu lớn nhất mà VAMC đã mua bằng trái phiếu đặc biệt với tổng nợ gốc và lãi gần 7.000 tỷ đồng...

Tuy nhiên, theo các ý kiến phát biểu tại Hội nghị, việc triển khai Nghị quyết 42 trong thực tiễn còn gặp nhiều bất cập, như: Việc thực hiện nội dung liên quan đến việc hoàn trả tài sản bảo đảm (TSBĐ) là vật chứng trong vụ án hình sự sau khi đã hoàn tất các thủ tục xác minh chứng cứ quy định tại Nghị quyết số 42; Vấn đề liên quan đến thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý TSBĐ và nghĩa vụ nộp thuế có ảnh hưởng đến việc thực hiện thủtục sang tên cho người mua; 

Công tác giữ gìn, đảm bảo an ninh trật tự và hỗ trợ các TCTD trong việc thu giữTSBĐ của các khoản nợ xấu; Vấn đề xử lý TSBĐ là dự án bất động sản còn dở dang; Quyền nhận thế chấp, đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai là tài sản bảo đảm cho các khoản nợ mà các cá nhân, tổ chức mua lại từ VAMC…

Xử lý nợ xấu đã thực chất hơn

Đồng tình với báo cáo của NHNN và ý kiến của đại diện các TCTD, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu được ban hành cho thấy sự quan tâm đặc biệt của Quốc hội. Cùng với việc sửa đổi bổ sung Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi năm 2017 trở thành công cụ quan trọng trong tái cơcấu hệ thống và xử lý nợ xấu.

Hay nói cách khác, Nghị quyết  42 và Luật các TCTD có ý nghĩa lịch sử của ngành Ngân hàng. Theo nhận xét của phó Thủ tướng đã có sự phối hợp các ngành với nhau, và sự vào cuộc bản lĩnh, chuyên nghiệp của ban lãnh đạo NHNN và sự nỗ lực, cố gắng của các TCTD.

Khi triển khai Nghị quyết 42 và Luật các tổ chức tín dụng năm 2017 ngoài một số thuận lợi thì chúng ta cũng trong bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn, phức tạp... Nhưng theo Phó Thủ tướng, quan trọng là cách thực hiện chỉ đạo của ngành ngân hàng rất quyết liệt nên kết quả 1 năm đã đạt được những kết quả hết sức tích cực, căn bản tạo tiền đề cho thời gian tới tự tin bước tiếp.

Những số liệu tại hội nghị đã cho thấy "xử lý nợ xấu đã thực chất hơn," - Phó Thủ tướng nói và cho rằng, qua đó hệ thống ngân hàng đã được gia cố chắc chắn hơn nhìn từ tỷ lệ an toàn vốn tăng, dự trữ thanh khoản tốt, vốn điều lệ tăng, quy mô tài sản, hoạt động các ngân hàng tăng trưởng ấn tượng.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng giao nhiệm vụ: NHNN tiếp tục phát huy vai trò đầu mối, phối hợp với các bộ ngành liên quan thực hiện Nghị quyết 42 và Quyết định 1058 theo hướng tiếp tục rà soát, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đồng bộ, kịp thời phát hiện và chủ động thực hiện những giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình cơ cấu lại hệ thống các TCTD và xử lý nợ xấu.

Thảo Nguyên

Cùng chuyên mục
XEM