Nợ vay ODA lên tới 600 nghìn tỷ: Sẽ giải trình với Quốc hội

15/12/2017 10:00 AM | Xã hội

Hiện tại Chính phủ đang giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư để giải trình với Quốc hội về việc nợ vay ODA đã ký kết lên tới 600 nghìn tỷ đồng...

Đó là thông tin từ Cục trưởng Cục Quản lý nợ (Bộ Tài chính) về Luật Quản lý nợ công, tại buổi họp báo công bố do Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức sáng 14/12

Luật Quản lý nợ công được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ tư và sẽ có hiệu lực thi hành từ 1/7 năm sau.

Đề cập những điểm mới, Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho biết, việc phân định quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan trong quản lý nợ công theo nguyên tắc nhà nước thống nhất quản lý về nợ công. Nhà nước giao một cơ quan là Bộ Tài chính chịu trách nhiệm chính trong quản lý nợ công thống nhất.

Ngoài ra, luật cũng tăng cường thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ, tăng thẩm quyền của tập thể, hạn chế quy định thẩm quyền của cá nhân, gắn trách nhiệm của tập thể, cá nhân với trách nhiệm quản lý huy động, sử dụng vốn vay và trả nợ công.

Đây cũng là lần đầu luật quy định về chỉ tiêu an toàn nợ công, kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm, chương trình quản lý nợ công 3 năm và kế hoạch vay, trả nợ hàng năm với những nội dung, trình tự cụ thể việc lập, quyết định và trách nhiệm của các cơ quan liên quan đối với các chỉ tiêu đề ra.

Trong đó, hạn mức bảo lãnh Chính phủ trong 5 năm, hạn mức bảo lãnh và cho vay lại hàng năm được quy định chi tiết, bà Mai cho biết.

Thứ trưởng Bộ Tài chính cũng khẳng định, việc xây dựng, triển khai các công cụ quản lý nợ công được kế thừa và tiếp cận hơn với thông lệ quốc tế, có tác động tích cực và khẳng định sự cần thiết đối với quản lý nợ chủ động.

Quá trình hoàn thiện luật, quản lý việc vay, sử dụng và trả nợ vốn vay ODA (trước đây thuộc thẩm quyền của Bộ Kế hoạch và Đầu tư ) là vấn đề có nhiều tranh cãi. Lần này, Luật Quản lý nợ công quy định cụ thể về mục đích, hình thức vay của Chính phủ như ký kết hiệp định vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài cũng như việc sử dụng vốn vay và trả nợ của Chính phủ.

Việc quản lý cho vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài được quy định trong một chương riêng của luật với nội dung chi tiết về đối tượng, nguyên tắc, phương thức, điều kiện cho vay lại, quản lý rủi ro cũng như trách nhiệm của các cơ quan trong việc cho vay lại.

So với luật Quản lý nợ công 2009, các quy định về việc cho vay lại vốn vay ODA được cho là chặt chẽ hơn hẳn trong việc xác định đối tượng, điều kiện, thẩm định cho vay cũng như bổ sung quy định về quản lý rủi ro, dự phòng rủi ro trong việc cho vay lại.

Thứ trưởng Vũ Thị Mai thông tin và nhận định, việc cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ trong luật mới cũng siết chặt các điều kiện bảo lãnh với từng nhóm đối tượng, bổ sung quy định về quản lý rủi ro bảo lãnh Chính phủ.

Nội dung khác được bà Mai đề cập là quy định về bảo đảm khả năng trả nợ, quản lý rủi ro đối với nợ công và về quỹ tích luỹ trả nợ. Theo đó, để bảo đảm an toàn, bền vững nợ công, huy động vốn phải đáp ứng các chỉ tiêu an toàn nợ, chủ động bố trí nguồn trả nợ đầy đủ, đúng hạn. Các khoản vay mới chỉ được thực hiện sau khi đã đánh giá tác động đến quy mô nợ công, trong giới hạn chỉ tiêu an toàn và khả năng trả nợ trung hạn.

Nội dung về Quỹ tích luỹ trả nợ quy định các yêu cầu quản lý quỹ, nguồn thu và sử dụng quỹ, việc quản lý nguồn vốn nhàn rỗi và bảo đảm nguồn ngoại tệ của quỹ, cơ chế xử lý khi quỹ tích luỹ trả nợ không đủ nguồn.

Cũng tại buổi họp báo, Cục trưởng Cục quản lý nợ (Bộ Tài chính) Trương Hùng Long cho biết thêm, luật mới có thêm điều khoản quy định về "ngưỡng" nợ công. Luật trước đó chỉ có quy định về "trần" nợ công, không có quy định về "ngưỡng". "Ngưỡng" nợ được đặt thêm do bối cảnh nợ công của Việt Nam hiện đã sát trần.

Ông Long phân tích, theo thông lệ quốc tế, trước khi nợ chạm trần thì các cơ quan có "ngưỡng" đưa ra để cảnh báo trước và thực hiện các biện pháp cảnh báo về tình hình nợ. Theo đó, luật quy định là "ngưỡng" nợ công do Quốc hội đưa ra trong một thời kỳ nhất định.

"Nợ công phát sinh do những khoản vay nợ từ khu vực công thì quản lý việc đi vay nợ đồng nghĩa với việc quản lý bội chi, việc cho vay lại, bảo lãnh để đảm bảo nợ công không tiến sát đến trần", ông Long nói.

Về quy định công thức tính khả năng trả nợ nước ngoài không tính trên dự trữ ngoại hối mà tính trên kim ngạch xuất khẩu, theo Cục trưởng Cục quản lý nợ, do việc này liên quan đến những dòng tiền từ nước ngoài về. Đây là cách tính theo thông lệ quốc tế, muốn hội nhập được, Việt Nam buộc phải công bố các tiêu chuẩn về nợ công theo tiêu chuẩn của quốc tế để so sánh.

Thực tế, tổng số vốn vay ODA ký kết hiện tại đã lên tới con số 600 nghìn tỷ đồng, vượt gấp đôi định mức Quốc hội cho phép (300.000 tỷ đồng). Việc thống nhất quản lý nợ công đưa về cho Bộ Tài chính thay cho 3 cơ quan như hiện tại có dẫn tới thay đổi về đánh giá nợ công hiện nay? câu hỏi được đưa ra tại cuộc họp báo.

Trả lời câu hỏi này, Cục trưởng Trương Hùng Long cho biết, hiện tại Chính phủ đang giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư để giải trình với Quốc hội về việc nợ vay ODA lên tới 600 nghìn tỷ đồng.

Ông Long thông tin, trong kế hoạch trung hạn 5 năm 2016-2020, Quốc hội phê chuẩn con số 300 nghìn tỷ đồng nhưng đó không phải là con số ký kết vì việc đàm phán ký kết không có nghĩa là số tiền được giải ngân hết ngay trong giai đoạn này. Tính ra, tổng số tiền ký kết và giải ngân giai đoạn này là khoảng 22 tỷ USD.

Vị Cục trưởng giải thích: "hiện tại, Chính phủ, các Bộ vẫn có chủ trương xem xét các khoản vay cho những dự án đầu tư mới nhưng đó cũng mới chỉ là chủ trương để tính toán đàm phán và như thế chưa phát sinh những khoản nợ. Còn những khoản đã đàm phán trong 2016 - 2017nhưng chưa giải ngân được thì cũng tính vào giai đoạn sau 2016 - 2020. Trường hợp con số vượt trên 300 nghìn tỷ thì cần giảm trừ các khoản vay trong nước để đảm bảo cân đối vĩ mô".

Theo Nguyễn Lê

Cùng chuyên mục
XEM