Nikkei chỉ ra lý do khiến nông nghiệp Đông Nam Á trì trệ

18/12/2018 10:57 AM | Xã hội

Hàng triệu người nông dân sản xuất quy mô nhỏ lẻ dù mang đến động lực phát triển cho ngành nông nghiệp Đông Nam Á vẫn tiếp tục sống trong nghèo đói.

Bạn có biết rằng 98% xe tải chở hạt tiêu xuất khẩu từ Campuchia đến nhà máy chế biến ở thành phố Hồ Chí Minh tại Việt Nam sẽ phải dừng lại ở biên giới Campuchia - Việt Nam, sau đó hàng được chuyển sang những chiếc xe tải tương tự để có thể đi qua được biên giới?

Những công ty nào sử dụng dịch vụ của một trong ba công ty vận tải được cấp phép hoạt động tại cả hai thị trường được miễn thủ tục này. Còn nếu không, giống như bất kỳ bên nào khác, xe tải sẽ cần đến tận 2 ngày để đi qua biên giới.

Theo bài báo mới đây được Nikkei đăng tải, nếu tính gộp tất cả thời gian và công sức của hàng nghìn người vận hành những chiếc xe tải đi khắp các biên giới Đông Nam Á mỗi ngày, con số không hề nhỏ.

Đây chỉ là một trong những ví dụ quan trọng của những sự rườm rà trong chuỗi cung ứng các sản phẩm nông nghiệp tại khu vực Đông Nam Á. Hãy cứ thử tưởng tượng lĩnh vực nông nghiệp Đông Nam Á sẽ trở nên cạnh tranh và có giá trị đến như thế nào nếu tất cả yếu tố rối rắm kể trên được tháo gỡ.

Tất nhiên, không thể phủ nhận một thực tế rằng chính phủ thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã cố gắng rất nhiều trong việc cải thiện hoạt động thương mại nội khối. Mức thuế 0% giữa các nước thành viên, trong đó có bao gồm phần lớn các sản phẩm nông nghiệp, thương mại nội vùng nhờ vậy đã tăng trưởng chóng mặt.

Thế nhưng nếu xét đến giá trị xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp, cũng như mức độ tự cung lương thực cao trong khu vực ASEAN, lợi suất và tổng giá trị nông sản xuất khẩu, dù đang cải thiện, nhưng vẫn thấp hơn chuẩn quốc tế.

Hãy nhìn vào năng suất để có thể dự báo được tiềm năng. Hiện nay với mỗi hecta, nông dân Việt Nam thu sản lượng khoảng 3,5 tấn cà phê – năng suất cao nhất thế giới trong khi đó với mỗi hecta, nông dân Indonesia chỉ có được 0,5 tấn cà phê.

Năng suất ngô của Việt Nam đã tăng gần 4 lần từ năm 1995 đến nay, thế nhưng nếu so với năng suất ngô của Mỹ, năng suất ngô của Việt Nam hiện tại chỉ bằng 40%. Đành rằng năng suất khác nhau cũng cần phải xét đến yếu tố thời tiết khí hậu, thế nhưng điều đó không có nghĩa rằng năng suất ngô của Việt Nam không thể tăng trưởng cao hơn được nữa.

Ngành nông nghiệp đóng góp 35% vào GDP của các nước Đông Nam Á, trong đó, 70% lực lượng lao động đang làm trong ngành này, theo số liệu của Ngân hàng Thế giới. Cùng lúc đó, hàng triệu người nông dân sản xuất quy mô nhỏ lẻ dù mang đến động lực phát triển cho ngành vẫn tiếp tục sống trong nghèo đói.

Chính vì vậy, việc cải thiện năng suất trong chuỗi cung ứng nông nghiệp có thể thay đổi toàn diện cả một khu vực và những con người đang sống trên đó.

Có 5 sáng kiến có thể mang đến sự thay đổi cần thiết: Chính phủ các nước trong khu vực cần tiếp tục cải thiện năng suất trong nông nghiệp và tăng thêm ngân sách cho hoạt động nghiên cứu và phát triển. Trong lúc đó, ASEAN cần phải cố gắng thay đổi tập quán, cải thiện cơ sở hạ tầng và khung hỗ trợ tài chính.

Tác động từ chính sách của chính phủ lên năng suất nông nghiệp đã vô cùng rõ ràng. Thành công của Việt Nam trong ngành cà phê nhờ vào chính sách phát triển đầy năng động của chính phủ, hoạt động hỗ trợ nghề nghiệp cũng như sự phối hợp hiệu quả giữa lĩnh vực công và lĩnh vực tư.

Indonesia có thể tụt lại phía sau, theo những con số thống kê đến thời điểm hiện tại, nhưng Indonesia cũng đang cải thiện dần được năng suất nông nghiệp bởi chính phủ cũng đang rất nỗ lực để thực thi hóa lộ trình phát triển ngành nông nghiệp.

Trong hoạt động nghiên cứu và phát triển, Hà Lan có thể mang đến bài học kinh nghiệm quan trọng cho các nước Đông Nam Á. Dù Hà Lan có diện tích rất nhỏ nếu so với ASEAN, thế nhưng năng suất nông nghiệp cao nhất thế giới và hiện đứng thứ 2 trên thế giới về xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp, thu về mỗi năm 94 tỷ euro.

Lý do tại sao Hà Lan lại thành công đến vậy? Hà Lan dành ra mỗi năm đến 470 triệu USD ngân sách cho hoạt động nghiên cứu phát triển, con số này tương đương 3,3% tổng nguồn thu từ nông nghiệp. Trong khi đó nhiều nền kinh tế định hướng nông nghiệp tại Đông Nam Á đến hiện tại mới chi ra chưa đến 1% nguồn thu nông nghiệp để phát triển hoạt động nghiên cứu.

Theo Trung Mến

Cùng chuyên mục
XEM