Những việc không kịp làm bây giờ, có thêm bao nhiêu thời gian nữa cũng vẫn là không kịp

04/01/2019 10:15 AM | Sống

Mong muốn, nguyện vọng của chúng ta giống như thang máy. Nếu chúng ta cho hai tay của mình vào túi, không chịu bấm nút, chúng ta sẽ không bao giờ có thể lên được nơi mình muốn.

Khi bạn 20 tuổi, bạn dư sức mua được những món đồ chơi mình thèm khát năm 10 tuổi. Nhưng khi đã cầm nắn nó trong tay, liệu niềm hân hoan vui sướng của bạn có còn giống ngày xưa?

Năm bạn 30 tuổi, cuộc sống đã cho bạn sự dạn dày, bạn dư tự tin để theo đuổi người con gái khiến bạn ngẩn ngơ 10 năm trước, nhưng lại không thể, bởi cô ấy đã trở thành vợ người ta.

Đến 40 tuổi, bạn mới biết phải quý trọng những người mà bạn nên yêu quý khi bạn 30 tuổi. Nhưng theo tháng năm, tình bạn giữa hai người cũng không còn được như trước.

Tóm lại, điều tôi muốn nói là: Có những việc nếu bạn không làm bây giờ, thì có thêm bao nhiêu thời gian nữa, bạn cũng sẽ vẫn không kịp làm.

Những việc không kịp làm bây giờ, có thêm bao nhiêu thời gian nữa cũng vẫn là không kịp - Ảnh 1.

(01)

"Để khi khác" chỉ là một lời nói dối man trá, thoát ra từ những đôi môi không biết ngượng nghịu.

Nhưng âm hưởng của nó, lại đưa người nghe đến với vùng đất thiêng liêng của những sự ve vuốt dễ chịu. "Khi khác" mang đến cho họ hi vọng, giúp bộ não của những người này tưởng tượng đến những điều tốt đẹp mà phần nhiều sẽ khó có thể xảy ra trong tương lai.

Ngày nối tiếp ngày. Ngày hôm nay chỉ có một, nhưng tương lai có thể kéo dài đến vô tận. "Để khi khác" là cách nói vận dụng khéo léo khái niệm trên. Cụm câu này có thể áp dụng vào bất kì bối cảnh nào, bất kì thời điểm nào mà vẫn luôn đúng, thắp sáng cho người nghe khỏi sự mù mờ, dẫn lối họ đến sự mù mờ khác nhưng dễ chịu hơn. Và cũng bằng câu nói này, chúng ta có thể an ủi bản thân để kéo dài sự trì hoãn của mình đến vô tận.

Nhà soạn kịch nổi tiếng Turgenev đã từng ngửa mặt lên trời mà than rằng: "Ngày mai, ngày mai, rồi lại ngày mai, giống loài chúng ta sao cứ thích vin vào sự mơ hồ không rõ ràng để tự an ủi bản thân, mà không hề nhận thức được rằng, ngày mai có thể là ngày họ phải xuống mồ."

Chúng ta bị tê liệt bởi âm hưởng ngọt ngào của "Để khi khác". Chúng ta luôn nghĩ thời gian mình còn đủ nhiều để được phép trì hoãn công việc. Có người hài hước phát biểu, chờ đến nước đến chân mới nhảy, chúng ta mới phát huy được tối đa khả năng sáng tạo của mình.

Thật ra, bạn có thể tôi luyện cho mình khả năng "chữa cháy", nhưng hiệu quả, năng suất làm việc của bạn sẽ không bao giờ lên được trạng thái tốt nhất nếu bạn cứ nằm đó đợi chờ, tin tưởng vào phút "thần sầu" của mình trong ngày mai.

Những việc không kịp làm bây giờ, có thêm bao nhiêu thời gian nữa cũng vẫn là không kịp - Ảnh 2.

(02)

Thân Loan là Cao tăng người Nhật, sáng lập Tịnh độ chân tông của Phật giáo Nhật Bản. Năm ông lên 9, ông đã quyết định trở thành một nhà sư và yêu cầu một vị thiền sư cạo đầu cho mình. Vị thiền sư này cảm thấy lúc ấy đã quá muộn, ông hẹn Thân Loan ngày hôm sau.

Thân Loan tỏ thái độ gay gắt: "Thưa thầy, con mới 9 tuổi, chưa hiểu biết gì. Con không chắc mình có thể giữ ý định xuất gia của mình sang ngày hôm sau được không. Còn thầy, thầy cũng đã có tuổi, liệu thầy có chắc chắn được ngày mai mình sẽ nằm liệt giường, hay tiếp tục đứng vững trên hai đôi chân của mình và tận hưởng cuộc sống không? Xin thầy hãy cạo đầu con ngay trong ngày hôm nay."

Khi chúng ta vẫn còn quanh quẩn trong mê cung "sau này", mọi hành động của chúng ta sẽ bị trì hoãn. Và khi thoát ra khỏi mê cung, chúng ta sẽ giật mình nhận ra tất cả những điều quen thuộc chung quanh đã biến đổi đến mức không thể nhận ra.

Thời gian dành cho chúng ta sẽ sớm cạn kiệt. Mỗi một khoảnh khắc trôi qua, những ham muốn, ý định của chúng ta sẽ hao mòn dần, và rồi chúng ta quên hẳn những dự định đó, hoặc nhớ nhưng không thể nào làm được nữa.

Những việc không kịp làm bây giờ, có thêm bao nhiêu thời gian nữa cũng vẫn là không kịp - Ảnh 3.

(03)

Trong một buổi phỏng vấn, một phóng viên hỏi Mã Vân: "Ông không phải người tiên phong trong lĩnh vực thương mại điện tử. Tuy nhiên, chỉ trong vài năm ngắn ngủi, ông đã trở thành một nhà lãnh đạo có sức ảnh hưởng lớn trong ngành. Nguyên nhân là do đâu?"

Mã Vân không chút ngần ngại trả lời ngay:"Sự thành lập của Alibaba không được lên kế hoạch từ trước. Chính sự "tức thời", "ngay lập tức" đã xây dựng nên Alibaba.

Làm một điều gì đó ngay bây giờ, không chần chừ, ngay lập tức. Đó là thần chú giúp Mã Vân gặt hái được nhiều thành công ngày hôm nay.

Mong muốn, nguyện vọng của chúng ta giống như thang máy. Nếu chúng ta cho hai tay của mình vào túi, không chịu bấm nút, chúng ta sẽ không bao giờ có thể lên được nơi mình muốn.

Bạn cần phải nhớ rằng, những gì chúng ta không làm bây giờ, theo thời gian, có thể sẽ trở thành những điều mà bạn dành cả đời cũng không thể hoàn thành.

Đình Trọng

Cùng chuyên mục
XEM