Những toan tính lật ngược thế cờ trên thị trường bất động sản du lịch Hạ Long

05/07/2017 07:11 AM | Kinh doanh

Là một trong những trung tâm du lịch lớn nhất cả nước, nhưng nghịch lý là, Quảng Ninh chưa xây dựng được những dự án bất động sản nghỉ dưỡng quy mô lớn như ở Đà Nẵng và Nha Trang.

Kỳ nghỉ “thảm hoạ”

Kỳ nghỉ hè của gia đình chị Hoa đã bắt đầu bằng sự ức chế ngoài sức tưởng tượng. Đã đi du lịch nhiều nơi, từ Đà Nẵng đến Nha Trang, chị Hoa nghĩ du lịch Hạ Long cũng đã thay đổi để cho “bằng chị, bằng em”. Chị cũng ấn tượng với Công viên giải trí Sun World Halong Park mới đưa vào sử dụng nên mới đặt phòng đi nghỉ cuối tuần ở Hạ Long. Nhưng, chị không ngờ, kiểu làm ăn chộp giật vẫn còn rơi rớt.

Chả là, do mấy khách sạn lớn hết phòng, chị Hoa buộc phải đặt phòng ở một khách sạn mini. Đặt cọc trước, nhưng khi đến nơi, lễ tân báo là hết phòng và đề nghị chị thanh toán nốt tiền phòng rồi sẽ dẫn sang ở khách sạn khác cùng hệ thống. Nghi có điều gì không ổn, chị Hoa đề nghị cho đi xem phòng rồi mới trả tiền. Nhưng khi nhận phòng, chị Hoa thất vọng hoàn toàn vì phòng ẩm mốc, ga gối vàng.

Chấp nhận mất cọc, chị Hoa quyết định chuyển sang khách sạn khác. Nhưng tình cảnh trớ trêu không kém, khi đi tắm biển về, khách sạn mất nước. Không còn cách nào khác, nhân viên khách sạn phải dùng xô chậu xin nước từ phòng khác về tắm.

Không biết có bao nhiêu người rơi vào kỳ nghỉ “thảm hoạ” như gia đình chị Hoa. Nhưng tư tưởng làm ăn chộp giật khiến chị Hoa ức chế đã từng tồn tại ở Hạ Long một thời gian khá lâu. Mặc dù mỗi năm Hạ Long đón vài triệu lượt khách nhưng trước năm 2013 không có khách sạn 5 sao nào mà hầu hết là khách sạn mini tập trung ở khu vực Bãi Cháy, chỉ tập trung bán phòng mấy tháng hè, còn mùa đông không có khách. Vì thế, kiểu làm ăn "bóc ngắn cắn dài" trong kinh doanh du lịch vẫn có cơ hội tồn tại trong khi phòng ốc xuống cấp, thiếu tiện nghi, khác hẳn với khách sạn ở Nha Trang hay Đà Nẵng.

Chỉ đến khi Mường Thanh khánh thành khách sạn 5 sao đầu tiên với 508 phòng vào năm 2013 thì cục diện mới có chút thay đổi. Những năm gần đây, có thêm 3 khách sạn 5 sao mới được xây dựng tại Hạ Long là Wyndham Legend, Vinpearl Resort Halong Bay và Royal Hạ Long.


Wyndham Legend là thương hiệu khách sạn 5 sao quốc tế đầu tiên ở Hạ Long

Wyndham Legend là thương hiệu khách sạn 5 sao quốc tế đầu tiên ở Hạ Long

Hạ Long cũng là điểm hấp dẫn du khách quốc tế, và bình quân cứ ba khách quốc tế đến Việt Nam thì có một khách đến Hạ Long. Tuy nhiên, lượng khách lưu trú rất ít, mà phần lớn khách quốc tế suốt một thời gian dài chỉ đi từ Hà Nội xuống ngủ đêm trên tàu và hôm sau quay về chứ ít lưu trú ở khách sạn trên bờ. Mà muốn ở lâu cũng chán vì du khách không có gì để vui chơi giải trí. Các thương hiệu khách sạn quốc tế hầu như vắng bóng ở Hạ Long, cho đến mãi những năm gần đây mới có khách sạn Novotel và Wyndham.

Chính vì thế, mặc dù sở hữu một trong những kỳ quan thiên nhiên đẹp nhất thế giới, nhưng bất động sản nghỉ dưỡng Hạ Long hoàn toàn lép vế so với Đà Nẵng hay Nha Trang.

Lợi thế hơn về sức hút nhưng thua về đầu tư

Nếu so sánh một cách tương đối so với Đà Nẵng thì Quảng Ninh có vẻ thắng thế về sức hấp dẫn với du khách, nhưng lại hoàn toàn lép vế nếu xét về khía cạnh phát triển bất động sản du lịch.

Năm ngoái, Quảng Ninh đón tới 8,3 triệu lượt khách, trong đó có 3,5 triệu lượt du khách quốc tế. Trong khi đó, mặc dù tăng trưởng mạnh nhưng lượng du khách đến Đà Nẵng còn kém xa Quảng Ninh, khi mới thu hút 5,5 triệu lượt khách vào năm 2016, và số lượng khách quốc tế còn chưa bằng một nửa so với Quảng Ninh.

Nhưng, nếu xét về số phòng khách sạn cao cấp thì Quảng Ninh lại hoàn toàn lép vế so với Đà Nẵng. Nếu tính về số phòng khách sạn 3-5 sao thì Quảng Ninh mới có tổng số 5651 phòng, chỉ bằng một nửa so với số phòng có tiêu chuẩn tương đương tại Đà Nẵng.

Phần lớn khách sạn cao cấp ở Quảng Ninh tập trung ở Hạ Long, trong đó có 4 khách sạn 5 sao với 1260 phòng được xây dựng ở Bãi Cháy. Số lượng phòng khách sạn 4 sao nhiều hơn, với tổng số 2772 phòng, còn khách sạn 3 sao có 1179 phòng.

Trong khi Đà Nẵng có hàng chục dự án căn hộ - khách sạn, cung cấp ra thị trường 15.000-17.000 căn hộ khách sạn trong một vài năm tới thì ở Quảng Ninh, cho đến thời điểm này có duy nhất dự án Citadines với 637 căn hộ là được xây dựng theo mô hình căn hộ khách sạn. Còn những dự án khác như New Life hay Green Bay thực chất là căn hộ để bán, nhưng có thể cho khách du lịch thuê lại chứ không phải hoạt động như một khách sạn.

Đà Nẵng cũng “đánh bại” Quảng Ninh nếu xét về số lượng biệt thự nghỉ dưỡng hạng sang. Hiện tại, Đà Nẵng có nhiều dự án đã đi vào hoạt động như Furama Villas, Premier Village, Hyatt, Vinpearl, Ocean Villas… thì ở Quảng Ninh mới có cụm biệt thự liền kề tại khu đô thị Hạ Long Marina chuẩn bị đi vào hoạt động và cho khách du lịch thuê lại dưới thương hiệu Royal Lotus.

Quảng Ninh đã thu hút được một số dự án bất động sản du lịch lớn, như dự án Halong Star với tổng vốn đầu tư đăng ký lên tới 500 triệu USD. Nhưng cho đến thời điểm này, những khu biệt thự, nhà phố hoàng tráng, khách sạn hạng sang … của dự án này vẫn chỉ tồn tại trên giấy mặc dù dự án khởi công từ năm 2008.

Tuy nhiên, một số “ông lớn” như Sun Group, FLC, CEO Group, Sovico… đã thâm nhập với kế hoạch đầu tư những dự án biệt thự, căn hộ nghỉ dưỡng quy mô lớn tại Hạ Long và Vân Đồn và có những toan tính riêng nhằm thay đổi cục diện của thị trường bất động sản du lịch Quảng Ninh.

Theo Giang Sơn

Cùng chuyên mục
XEM