Những "thợ săn mây" Amazon và cách bảo vệ rừng có một không hai trong thời kì biến đổi khí hậu toàn cầu

28/03/2018 16:30 PM | Công nghệ

Các nhà khoa học đang làm việc tại khu rừng Amazon được gọi với cái tên khá kì lạ là những "thợ săn mây" khi phát kiến ra cách bảo vệ rừng có một không hai trước tác động của biến đổi khí hậu ở nơi đây.

Dan Metcalfe là một trong những nhà khoa học người Anh đang làm việc trong những cánh rừng sương mù Amazon. Công việc chính của ông cùng các đồng nghiệp là nghiên cứu tác động, đồng thời ngăn ngừa ảnh hưởng xấu của hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu đối với hệ sinh thái tại nơi đây. Sự thay đổi của môi trường toàn cầu đã khiến cho mật độ sương mù tại các cánh rừng này bị thay đổi đột ngột và có khả năng hủy hoại môi trường sống của rất nhiều động thực vật.

Hiện tại để hạn chế tác hại của biến đổi khí hậu, Metcalfe cùng đồng sự đang áp dụng thử một phương pháp kì lạ, đó là săn tìm những đám mây mù lớn để ngăn chúng gây ảnh hưởng tới hệ sinh thái trong rừng. Người ta gọi họ là những "thợ săn mây".

Những thợ săn mây Amazon và cách bảo vệ rừng có một không hai trong thời kì biến đổi khí hậu toàn cầu - Ảnh 1.

Rừng mây mù hay còn tên gọi khác là rừng sương mù thường tồn tại trên các vùng núi ẩm ướt thuộc khu vực cận xích đạo ở độ cao từ 400 đến 2.800 mét so với mặt nước biển. Địa hình cao nhưng lại ấm áp khiến cho hơi ẩm ngưng tụ lại tại nơi đây và tạo thành các đám mây mù lơ lửng quanh năm ngay trên chính khu rừng. Kiểu khí hậu đặc biệt này cũng đã tạo nên cả một hệ sinh thái đặc trưng với nguồn nước được cung cấp cho thảm thực vật chủ yếu đến từ những đám mây sương mù.

"Chúng tôi đang cố gắng loại bỏ và giảm mật độ mây mù trong khu rừng xuống một tỉ lệ nhất định."

Điều gì sẽ xảy ra với khu rừng này khi phải hứng chịu tác động từ biến đổi khí hậu toàn cầu?

Nhà nghiên cứu Metcalfe, thuộc trường đại học Lund tại Thụy Điển giải thích về tác động của sự nóng lên toàn cầu với khu rừng sương mù nằm tại Peru nơi ông đang hoạt động nghiên cứu.

Theo đó thì khi nhiệt độ tăng lên, những đám mây mù sẽ bị đẩy lên vùng núi cao hơn, kéo theo việc các sinh vật đang thích nghi với môi trường sống tại đây cũng sẽ phải di trú lên vùng núi cao hơn. Điều mà Metcalfe cùng các đồng nghiệp của mình lo ngại đó là động vật có thể di trú được nhưng các loại thực vật thì không. Các loại cây trong khu rừng có thể sẽ không kịp thích nghi để vươn tới các vùng núi cao hơn khi sự thay đổi này diễn ra.

"Nhìn chung thì các loại thực vật nơi đây đang vươn tới những vùng cao hơn" Silman, một nhà nghiên cứu đã dành cả thập kỷ để theo dõi quá trình di cư của các sinh vật dọc theo dãy Andes cho biết. "Nhưng hiện tại các loại cây trong khu rừng này đang bị buộc phải chạy theo sự chuyển dịch khí hậu nhanh chưa từng có trong lịch sử."

"Con người đã nghiên cứu rất lâu về những cánh rừng này nhưng hiện vẫn còn rất nhiều điều kì bí về loại hình sinh thái này mà chúng ta chưa từng biết tới. Sẽ có rất nhiều giống loài bị tuyệt chủng trước khi con người có cơ hội khám phá ra chúng." Silman nói.

Nếu những loại thực vật trong rừng không thích ứng và theo kịp sự chuyển dịch của mây mù, chúng sẽ bị bỏ lại và có nguy cơ bị khô hạn. Ngược lại, nếu chúng có thể bắt kịp sự chuyển dịch này thì khu vực rừng mây sương mù phía dưới cũng sẽ bị bỏ lại khiến cho nhiều loại sinh vật mất đi môi trường sống vốn có. Giải pháp duy nhất để ngăn điều này là đảm bảo mật độ mây mù để duy trì hệ sinh thái nơi đây.

Những tấm lưới "bắt mây" mang kích thước ngang sân bóng đá

Để ngăn ngừa tác động lớn của sự nóng lên toàn cầu với khu rừng này, Metcalfe cùng các đồng nghiệp đã nghĩ ra một giải pháp khá kì lạ, đó là dùng những tấm lưới khổng lồ căng ngang khu rừng nơi có nhiều sương mù nhất nhằm điều tiết mật độ mây mù tại nơi đây.

"Nó giống như một chiếc rèm khổng lồ trong nhà tắm của bạn" Metcalfe miêu tả về ý tưởng của mình "Tôi rất phấn khích và muốn thử nghiệm ý tưởng này bởi trước đây chưa từng có ai làm như vậy cả."


Những thợ săn mây Amazon và cách bảo vệ rừng có một không hai trong thời kì biến đổi khí hậu toàn cầu - Ảnh 2.

"Ý tưởng thực hiện nghe thì đơn giản nhưng công tác vận chuyển, lắp đặt lại là cả một vấn đề. Chúng tôi sẽ tạm thời loại bỏ một phần mây mù và xem xét tác động của điều này tới với khu rừng."

Chiếc "rèm khổng lồ" mà Metcalfe nhắc đến là một tấm lưới khổng lồ dài 40 mét, cao 30 mét được căng ngang nhằm ngăn cản một phần mây mù khi chúng di chuyển qua khu vực này. Tấm lưới khổng lồ sẽ được căng bởi những sợi dây thép nối liền giữa hai trụ kim loại lớn được làm từ nhôm.

Dự án kì lạ trên được gây quỹ bởi chính phủ Thụy Điểm và đã được hoàn thành từ tháng 11 năm ngoái. Tới nay, nó đang được dùng để phục vụ việc nghiên cứu và đo đạc hiệu quả mà nó mang lại trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Những thợ săn mây Amazon và cách bảo vệ rừng có một không hai trong thời kì biến đổi khí hậu toàn cầu - Ảnh 3.

John Kelson, trưởng nhóm thiết kế và thi công của dự án cho biết, để hoàn thành tấm lưới khổng lồ này, họ đã phải vận chuyển 8 tấn nguyên vật liệu tới khu rừng trong điều kiện vô cùng khó khăn. Nguyên vật liệu bao gồm một tấm lưới lớn, các phần của tháp nhôm kim loại, dây cáp, nhu yếu phẩm cho đội lắp đặt và máy móc phục vụ công tác thi công. Tất cả đều phải vận chuyển qua những vùng rừng rậm hẻo lánh, lầy lội của Peru.

Hiện tại, tấm lưới khổng lồ đã bắt đầu đi vào hoạt động đề điều tiết mây mù trong khu rừng. Những dữ liệu thu được từ quá trình này sẽ được gửi về phân tích tại Cusco, Puma-Vilca và từ đó cho các nhà khoa học một cái nhìn tổng thể hơn về mức độ hiệu quả của dự án.

Các nhà khoa học đang nuôi một hi vọng rất lớn với dự án "săn mây" này bởi nếu khu rừng mây mù tại Peru bị biến mất do tác động của sự nóng lên toàn cầu, rất nhiều loại động thực vật sẽ bị mất đi môi trường sống và trong tương lai xa vấn đề này cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới chính chúng ta.

Trang Thu

Cùng chuyên mục
XEM