Những Lục Vân Tiên thời hiện đại: "Đã cứu người thì không sợ, đã sợ thì không nên làm"

19/02/2017 10:21 AM | Sống

Nghe nhiều chuyện làm ơn mắc oán, thậm chí nó còn xảy đến với chính bản thân họ nhưng những người giàu lòng tốt này vẫn không hề lung lay, gặp người khó khăn, họ không thể nào bỏ qua, không thể nào không giúp đỡ bởi vì một lý do đơn giản là trái tim họ không cho phép họ làm như vậy.

Ở ngã tư, hai chiếc xe máy đâm vào nhau, một người phụ nữ lớn tuổi nằm bất tỉnh trên mặt đường. Mọi người chạy xe chầm chậm nhìn mớ hỗn độn, nhưng chỉ có vài ba người dừng lại để giúp nạn nhân. Một vài người ra sức gọi taxi để đưa người bị nạn đi cấp cứu, nhưng những chiếc taxi cứ thế lướt nhanh qua...

Câu chuyện làm phúc phải tội diễn ra quá nhiều, đôi khi khiến người ta dù muốn làm người tốt cũng đắn đo. Mới đây, câu chuyện của anh Sơn (Bắc Ninh) đưa người gặp tai nạn giao thông đi cấp cứu và "nhận" lại một nhát dao đâm thấu phổi lại một lần nữa khiến dư luận vô cùng hoang mang.

Vậy liệu chúng ta có còn muốn làm người tốt khi làm ơn lại mắc oán?

Người đàn ông 2 lần bị điều trị phơi nhiễm HIV vì bắt cướp

Ở khu phố Nguyễn Ngọc Nại, người dân hầu như ai cũng biết tên ông Nguyễn Văn Hùng (hơn 60 tuổi, Tổ trưởng Tổ tuần tra chuyên trách phường Khương Mai, Thanh Xuân, Hà Nội). Họ gọi ông bằng nhiều cái tên như hiệp sĩ đường phố, lão già bắt cướp hay người vác tù và hàng tổng...

17 năm qua, ông Hùng cùng các cộng sự đã triệt phá hơn 300 vụ phạm pháp hình sự, bắt giữ gần 350 đối tượng. 2 lần truy đuổi đối tượng trộm cướp có HIV, ông Hùng đều phải vào viện điều trị phơi nhiễm. Gia đình, người quen biết chuyện, ai nấy đều phản đối ông làm chuyện tốt nhưng ông Hùng không nghe, ông bảo khi nào còn sức khỏe, ông vẫn còn đi bắt cướp, giúp đỡ người dân.

Ông bảo gặp người bị nạn thì không thể không cứu.
Ông bảo gặp người bị nạn thì không thể không cứu.

Nhắc đến chuyện cứu người gặp tai nạn giao thông, ông kể mới đây, ông cũng đưa một nạn nhân đến Bệnh viện Bưu điện cấp cứu và bị hiểu lầm là người gây ra vụ việc. "Người nhà nạn nhân vừa đến, chưa cần hỏi rõ đúng sai đã xông vào dọa đánh tôi, rất may là tôi giữ được bình tĩnh và có nhiều người xung quanh cùng can thiệp, giải thích cho họ hiểu nên không có chuyện đáng tiếc xảy ra" - ông kể.

Cứu người nhiều lần, chuyện bị hiểu lầm, bị những người đáng tuổi con mình chửi bới, xúc phạm, dọa đánh xảy đến với ông khá thường xuyên. Thế nhưng thay vì cảm thấy mệt mỏi, chán nản, ông Hùng vẫn chẳng hề lung lay ý định đóng trọn vai Thạch Sanh của mình.

"Nhiều người hỏi tôi đi bắt cướp bị phơi nhiễm HIV, cứu người thì bị hiểu lầm, bị dọa đánh mà vì sao tôi vẫn làm? Tôi nghĩ đó là bởi lương tâm, trách nhiệm. Mình thấy cướp, mình không thể đứng yên, thấy người gặp nạn cũng không thể không cứu. Nếu ai cũng vì những nỗi sợ hãi, lo cho bản thân thì còn ai dám giúp người, dám đấu tranh chống lại cái xấu, cái ác".

Ông Hùng bảo, mỗi khi gặp khó khăn hay lúc bị cướp giật ngoài đường, chúng ta trở nên rất yếu đuối. Điều đầu tiên mà ai cũng hy vọng là sẽ nhận được sự giúp đỡ của những người xung quanh.

Nếu là ngày xưa, hô có cướp hay kêu cứu, cả phường chạy ra giúp thì bây giờ số người đứng xem nhiều hơn. Họ không dám cứu, không dám giúp bởi vì lo sợ an toàn cá nhân, sợ rằng việc tốt chẳng những không được đền đáp mà còn gây ra hệ lụy. "Nhưng chẳng ai đặt vào hoàn cảnh người gặp nạn mà nghĩ, họ không nghĩ rằng lúc mình gặp nạn, mình cũng mong lắm một sự giúp đỡ. Vậy thì tại sao lúc này, khi chúng ta còn mạnh mẽ, có thể giúp người khác lúc khó, chúng ta lại không làm điều ấy?"- ông tâm sự.

Chuyện làm ơn mắc oán, không phải ông Hùng không nghe nói, thậm chí nó còn xảy đến với chính bản thân ông. Nhưng với ông chuyện đó chẳng có gì đáng sợ: "Đã cứu người thì không sợ, đã sợ thì không nên làm".

"Không cứu thì không đành lòng..."

Đó là chia sẻ của anh Đỗ Tuấn Anh (Giám đốc kỹ thuật công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại và Phát triển Công nghệ FSI) khi nhắc đến chuyện cứu người gặp nạn giữa đường. Hẳn nhiều độc giả vẫn chưa quên câu chuyện của anh, người đàn ông nổi tiếng trên Otofun hồi cuối năm trước vì hành động hiệp nghĩa, đưa nạn nhân bị tai nạn giao thông đi cấp cứu ở Hải Phòng.

Anh Đỗ Tuấn Anh nổi tiếng là một người nghĩa hiệp.
Anh Đỗ Tuấn Anh nổi tiếng là một người nghĩa hiệp.

Nhắc đến câu chuyện làm ơn mắc oán ở Bắc Ninh, anh Tuấn Anh chia sẻ đó thực sự là một tai họa không may nhưng lại rất dễ dàng xảy ra. Chuyện bị người nhà nạn nhân phản ứng, hiểu lầm, xô xát cũng là mối lo hàng đầu khi những người vô can đưa tay ra, giúp đỡ người bị tai nạn.

"Những chuyện này tôi đã nghe nhiều rồi, thậm chí cả trước khi cứu bạn nam ở Hải Phòng. Nếu hỏi tôi có sợ không thì tôi nói thật là tôi sợ, sợ lắm chứ nhưng việc cần làm thì vẫn cứ phải làm, không thể thấy chết mà không cứu" - anh chia sẻ.

Theo anh Tuấn Anh, khi gặp người nhà nạn nhân, tốt nhất người cứu giúp nên xem xét thái độ của họ để tùy cơ ứng biến. Nếu thấy họ bình tĩnh thì có thể nán lại nói chuyện, nếu họ tỏ ra hung hãn, mang theo hung khí thì phải kêu gọi sự giúp đỡ hoặc bỏ chạy để đảm bảo an toàn trước mắt cho bản thân.

Anh cho biết cần phải khéo léo trong vấn đề giúp đỡ người bị nạn.
Anh cho biết cần phải khéo léo trong vấn đề giúp đỡ người bị nạn.

Ngoài ra, dù trong trường hợp nào, người cứu giúp cũng nên giữ thái độ bình tĩnh, khiêm tốn. Anh tâm sự: "Đừng nghĩ rằng mình có công, đáng lẽ phải được cảm ơn mà khi gặp cách cư xử khác chúng ta bị sốc hay tức giận, phải hiểu rằng chúng ta làm điều tốt vì lương tâm cá nhân, không đợi trả ơn và sẵn sàng đối diện với những tình huống xấu nhất có thể xảy đến".

Ranh giới giữa anh hùng và tội phạm mong manh như sợi chỉ

Ông Nguyễn Văn Hoàng (51 tuổi) đã làm công việc bắt cướp hơn 22 năm nay, giúp không dưới 500 trường hợp, đồng thời nhận về không biết bao nhiêu kẻ thù, ông chia sẻ: "Đã mang nghiệp giúp người vào thân thì gặp họa là chuyện không tránh được, đôi khi là như cơm bữa".

Ông Hoàng là đội trưởng đội săn bắt cướp quận Tân Bình.
Ông Hoàng là đội trưởng đội săn bắt cướp quận Tân Bình.

Bà Trương Thị Xí (vợ ông Hoàng) kể: "Cách đây 3 hôm có một cậu thanh niên tầm hơn 20 tuổi đến gặp tôi và nói là: "Mày về nói với thằng Hoàng là liệu hồn, đừng có động vào chuyện của thiên hạ. Nếu không tụi tao tới lấy máu, moi ruột nó. Còn mày muốn buôn bán ở đây thì nên biết điều, chứ tụi tao không để yên đâu"".

Bà Xí bán hàng ở trên đường Trường Chinh và thường bị dân giang hồ đến hăm dọa.
Bà Xí bán hàng ở trên đường Trường Chinh và thường bị dân giang hồ đến hăm dọa.

Vài năm trước, lúc đang ngồi cùng vợ trên vỉa hè, ông Hoàng bị một gã thanh niên bất ngờ dùng mã tấu chém vào người, may mắn ông né được chỉ bị thương tích ngoài da. Nhớ lại chuyện bà Xí còn chưa hết bàng hoàng, thế mà ông Hoàng bình tĩnh như không: "Biết là nguy hiểm đến tính mạng đó, có khi còn là tính mạng của vợ con, người thân mình, nhưng nhìn thấy sự việc mình không thể ngó lơ. Chuyện cướp giật trên đường, không những có thể gây thương tích cho nạn nhân, mà còn ảnh hưởng đến những người đi đường".

Cả nhà cùng chụp hình kỷ niệm trong dịp vinh danh Gương sáng đường phố.
Cả nhà cùng chụp hình kỷ niệm trong dịp vinh danh Gương sáng đường phố.

Vị hiệp sĩ đường phố trầm ngâm bảo: "Ranh giới giữa anh hùng và tội phạm nó mong manh lắm!". Mình bắt được kẻ cướp, cứu được người bị nạn thì được mọi người tôn vinh là anh hùng, còn chỉ cần không kiềm chế được cảm xúc, đánh kẻ cướp bị thương hoặc trong khi tự vệ làm đối phương bị trọng thương thì cũng trở thành kẻ phạm tội.

Hàng trăm bằng khen là hàng trăm mối nguy hiểm đang rình rập người đàn ông nghĩa hiệp này.
Hàng trăm bằng khen là hàng trăm mối nguy hiểm đang rình rập người đàn ông nghĩa hiệp này.

Bà Xí đã từng cạo trọc đầu để cầu nguyện cho ông được bình an trong những lần săn bắt cướp, rồi cũng nhiều lần bà khuyên ông nên từ bỏ công việc không lương mà còn đầy tai họa này, nhưng đều thất bại. "Sống chết có số. Có tính cũng không tính trước được. Đời tôi chết có một lần thôi. Chứ đâu có chết nhiều lần mà bà lo" - ông quay sang nói với bà.

Đời, xưa nay vẫn thế, làm người xấu thì dễ, chứ làm người tốt thì khó trăm bề!

Theo TOÀN NGUYỄN - THU HƯỜNG

Cùng chuyên mục
XEM