Những hãng hàng không giá rẻ như Vietjet là 'mồi ngon' cho Boeing, Airbus

25/05/2016 08:26 AM | Kinh doanh

Trong bối cảnh thị trường toàn cầu ảm đảm, thậm chí Boeing tuyên bố sẽ phải cắt giảm 8.000 nhân viên để tiết kiệm chi phí thì họ lại tìm thấy tia hy vọng ở một hãng hàng không 5 năm tuổi tới từ quốc gia Đông Nam Á như Vietjet.

Ngày hôm qua, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức của tổng thống Obama tới Việt Nam, Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng giám đốc Vietjet và Ông Ray Conner, Tổng giám đốc Tập đoàn chế tạo máy bay Boeing đã thực hiện ký kết hợp đồng quan trọng trước sự chứng kiến của Chủ tịch Nước Trần Đại Quang và Tổng thống Mỹ Barack Obama cùng đoàn lãnh đạo cấp cao của hai nước.

Cụ thể, hãng hàng không thế hệ mới Vietjet (Việt Nam) và Tập đoàn chế tạo máy bay Boeing (Mỹ) đã ký kết hợp đồng đặt mua 100 tàu bay B737 MAX 200, trị giá 11,3 tỷ USD.

Đây được xem là thương vụ có giá trị cao nhất trong lịch sử thương mại giữa 2 nước Việt Nam và Mỹ.

Điều đáng nói là trong bối cảnh thị trường toàn cầu ảm đảm, thậm chí Boeing tuyên bố sẽ phải cắt giảm 8.000 nhân viên để tiết kiệm chi phí thì họ lại tìm thấy tia hy vọng ở một hãng hàng không 5 năm tuổi tới từ quốc gia Đông Nam Á như Vietjet.

Hy vọng từ những hãng bay giá rẻ

Các chuyên gia đều nhận định rằng, hợp đồng với Vietjet Air là chiến thắng quan trọng của Boeing trước Airbus tại thị trường du lịch hàng không giá rẻ đang phát triển mạnh mẽ ở khu vực châu Á.

“Đây là một bất ngờ khá thú vị”, George Ferguson – một chuyên gia phân tích của Bloomberg nói. “Châu Á là nơi có rất nhiều hãng hàng không giá rẻ. Với tôi, Vietjet Air chỉ là một trong số rất nhiều khách hàng tiềm năng trong khu vực. Vì vậy, trong thời gian tới sẽ có một trận chiến khốc liệt giành cho những ai muốn thống lĩnh thị trường này và Airbus không phải ngoại lệ”.

Trước hợp đồng chục tỉ đô với Boeing, hãng Airbus cũng khẳng định họ xem Vietjet “như khách hàng hiện hành cho dòng A320”.

Ông Denish Keshar - Phó chủ tịch phụ trách bán hàng khu vực châu Á của Boeing khẳng định rằng: “Đơn đặt hàng 100 máy bay lần này sẽ thay đổi định hướng của chúng tôi. Thị trường hàng không giá rẻ của Việt Nam đang phát triển và nó sẽ trở nên đặc biệt quan trọng trong tương lai”.

Hiện tại Vietjet cung cấp hơn 250 chuyến bay mỗi ngày trên 50 hành trình đến cả những nước như Thái Lan, Hàn Quốc và Trung Quốc.

Dòng máy bay Max 200 của Boeing cũng được hãng hàng không giá rẻ Ryanair đặt hàng bởi lợi ích kinh tế lớn. Chính vì vậy, rất có thể Vietjet Air đang học theo mô hình của Ryanair.

Theo ông Ferguson thì: “Nếu là một hãng hàng không giá rẻ tại ở châu Á, chẳng có lý do gì để không học tập theo mô hình của Ryanair. Nếu Ryanair thích Max200, chắc chắn nó có lợi ích kinh tế rất lớn”.

Hiện tại Boeing đang nỗ lực mở rộng thị phần tại khu vực châu Á với những dòng máy bay thân hẹp. Công ty đã bán được 3.000 máy bay mới trong khi con số tương tự của Airbus là 4.500 và chủ yếu là dòng A320neo.

Không chỉ ở Việt Nam, thị trường hàng không giá rẻ tại châu Á cũng đang tăng cầu máy bay khi những hãng hàng không giá rẻ khác như Lion Air của Indonesia hay IndiGo của Ấn Độ đang nhắm tới việc cải thiện đội bay.

Chính vì vậy, chuyên gia tư vấn hàng không Shukor Yusof tin rằng: “Tôi không thấy có nguy cơ nào Airbus sẽ mất đi thị phần hàng không giá rẻ tại khu vực châu Á Thái Bình Dương. A320 đã được cải tiến nhiều và có lợi ích kinh tế cao, đặc biệt là dòng A320neo”.

Mảnh đất Trung Quốc màu mỡ

Ngoài các hãng bay giá rẻ, nhìn chung thị trường châu Á có một sức hấp dẫn đặc biệt với các nhà sản xuất máy bay. Hiện tại cả Boeing và Airbus đều đang kỳ vọng rất nhiều vào các quốc gia châu Á như Việt Nam, Nhật Bản và đặc biệt là Trung Quốc.

Cụ thể, 2015 là năm chứng kiến hàng loạt đơn đặt hàng lớn tới từ Trung Quốc dành cho cả Boeing và Airbus.

CEO của công ty cho thuê máy bay Avolon Holdings là Domhnal Slattery nói rằng Trung Quốc có thể sẽ đặt gần 750 chiếc máy bay trong vòng 10 năm tới và ông tin rằng đa phần trong số này sẽ rơi vào tay Boeing và Airbus chứ không phải bất kỳ nhà sản xuất nào khác.

Đơn hàng máy bay lớn nhất trong lịch sử cũng được thực hiện vào năm 2015, trong khuôn khổ chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Cụ thể, Boeing đã đạt được thoả thuận mua bán 300 máy bay có trị giá lên tới 38 tỷ USD - trở thành đơn hàng lớn nhất từ trước đến nay mà Boeing nhận được từ Trung Quốc.

Trong khi đó, sau 2 năm “ế”, tháng 1 năm nay Airbus đã tuyên bố hãng hàng không All Nippon của Nhật Bản trở thành khách hàng mới nhất mua dòng máy bay A380 của hãng.

Như vậy, All Nippon cũng trở thành hãng hàng không đầu tiên của Nhật Bản bổ sung dòng máy bay cỡ lớn này vào đội bay.

Trong khi đó, trước đó 1 ngày, Airbus cũng xác nhận hoàn tất thỏa thuận ghi nhớ bán 118 máy bay cho hãng hàng không châu Á khác là Iran Air trong đó có 12 chiếc A380 với tổng giá trị lên tới 25 tỷ USD.

Hai thỏa thuận lớn được ký kết kể trên được cho là thành công vượt bậc của Airbus bởi đã từ 2 năm nay, hãng này không bán được 1 chiếc máy bay A380 nào.

Nhìn chung, cả Boeing và Airbus đều hy vọng hưởng lợi từ nhu cầu mua máy bay tăng cao tại các quốc gia châu Á mà đặc biệt là Trung Quốc trong vòng 20 năm tới.

Ông Sattery nhận định rằng thị trường hàng không tại khu vực châu Á đang có tiềm năng phát triển rất lớn và được thúc đẩy bởi sự gia tăng của tầng lớp trung lưu và không ai khác, các nhà sản xuất máy bay là người được hưởng lợi nhiều nhất.

“Đơn giản thôi hãy xem hiện tại châu Á hiện có từ 600 - 700 triệu người thuộc tầng lớp trung lưu. Trong vòng 20 năm tới, con số này sẽ tăng lên tới 2,6 tỉ người - tương đương với tốc độ tăng trưởng 400%”.

Cũng theo các chuyên gia hàng không, trong vòng 20 năm tới, Boeing hy vọng có thể nhận được 14.330 đơn đặt hàng từ châu Á, trong đó có khoảng 6.330 đơn hàng từ Trung Quốc. Trong khi đó, con số tương tự với Airbus là 12.709 đơn hàng.

Có lẽ chính bởi kỳ vọng này mà cả 2 “ông lớn” Boeing và Airbus đã có những động thái quyết liệt hơn để đáp ứng lượng cầu tăng cao.

Cụ thể, cũng trong chuyến thăm Mỹ của chủ tịch Tập Cận Bình vào năm ngoái, Boeing đã ký văn kiện hợp tác với Tổng công ty Máy bay thương mại Trung Quốc (Comac) về việc xây dựng nhà máy hoàn thiện các dòng máy bay tại đây. Theo dự kiến, đây sẽ là nhà máy chuyên dòng sản phẩm máy bay chở khách Boeing 737.

Trong khi đó, đối thủ của Boeing là Airbus đã ký thoả thuận mở nhà máy thứ 2 tại Trung Quốc vào hồi tháng 7/2015.

Vân Đàm

Cùng chuyên mục
XEM