Những gia tộc gốc Hoa đã để lại dấu chân trên khắp nẻo đường Việt Nam như thế nào? (P.1)

16/01/2017 09:30 AM | Xã hội

Họ là những người tạo nên những tên tuổi quen thuộc với người tiêu dùng Việt Nam như Kinh Đô, Thiên Long, Minh Long, Đại Tiến Đồng, Biti’s, Thành Thành Công.

Gia đình doanh nhân Đặng Văn Thành và tập đoàn Thành Thành Công

Từ cuối thập niên 1980, hai vợ chồng ông Đặng Văn Thành bắt đầu khởi nghiệp với cơ sở sản xuất cồn, CO2 và mật rỷ đường. Theo như lời tâm sự của bà Ngọc trong lần trả lời báo Doanh nhân Sài Gòn, vợ chồng bà đến với nghề đường đơn giản là vì mưu sinh. Nếu tên tuổi bà Ngọc gắn với ngành mía đường và Thành Thành Công thì ông Đặng Văn Thành gắn liền với ngành ngân hàng và Sacombank.

Với tiềm lực tài chính, quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, Thành Thành Công đã tiến hành đầu tư vào nhiều doanh nghiệp sản xuất mía đường khác. Hiện Thành Thành Công đã là tập hợp của 25 đơn vị thành viên hoạt động trên 5 lĩnh vực chính gồm mía đường, bất động sản, du lịch, năng lượng, giáo dục, nông sản.

Thành Thành Công là cái tên không mấy xa lạ trong ngành mía đường với thị phần được ch là chiếm 30-40% thị trường đường Việt Nam.Hiện tập đoàn này đang chuyển giao quyền lực cho thế hệ thứ 2 là bà Đặng Huỳnh Ức My.

Gia đình doanh nhân Vưu Khải Thành và thương hiệu giày dép Biti’s

Biti’s được gia đình doanh nhân gốc Hoa Vưu Khải Thành thành lập từ những năm đầu thập niên 80. Tiền thân của Biti’s là 2 tổ hợp sản xuất Bình Tiên và Vạn Thành năm 1982 tại đường Bình Tiên, quận 6, Tp.HCM với 20 công nhân chuyên sản xuất các loại dép cao su đơn giản.

Đến năm 1986 hai tổ hợp này sáp nhập lại thành hợp tác xã cao su Bình Tiên chuyên sản xuất giày dép chất lượng cao tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sang thị trường Đông Âu và Tây Âu. Cái tên Biti’s là viết tắt của cái tên Bình Tiên này.

Thập niên 90, Biti’s là thương hiệu nổi tiếng thậm chí còn thành công khi tấn công thị trường Tây Nam Trung Quốc với sản phẩm chất lượng, có giá cả phải chăng. Vốn là người gốc Hoa, ông Thành khá am hiểu tính cách, sở thích của người Trung Quốc đi bộ nhiều nên ưu tiên lựa chọn sản phẩm bền, giá cả phải chăng. Kết quả là thương hiệu này hiện diện khắp nới từ Vân Nam, Trùng Khánh, Quảng Tây, Quảng Đông,… đến cả Bắc Kinh, Thượng Hải.

Hiện nay Biti’s đang có sự trở mình phù hợp với xu hướng trẻ và mới đây là cơn bão Biti’s Hunter. Đứng sau thay đổi của Biti’s là bóng dáng của Vưu Lệ Quyên, Phó tổng giám đốc Biti’s. Cô là một trong ba người con của doanh nhân Vưu Khải Thành. Người con gái thứ trong gia đình Biti’s là Vưu Lệ Minh cũng làm việc tại công ty được 5 năm. Và người con trai út Vưu Tuấn Kiệt thì đang đi du học.

Gia đình doanh nhân Lý Ngọc Minh và thương hiệu gốm sứ Minh Long

Được mệnh danh là công ty gốm sứ số 1 Việt Nam, Minh Long là thương hiệu lớn không chỉ ở Việt Nam mà còn gây tiếng vang trên thế giới. Thành lập từ năm 1970 bởi doanh nhân gốc Hoa Lý Ngọc Minh và một người bạn, sản phẩm Minh Long hiện đã có mặt tại nhiều quốc gia. Năm 1990, Minh Long là một trong những doanh nghiệp dân doanh nhận được giấy phép xuất khẩu đầu tiên và liên tiếp 5 năm sau tỷ trọng hàng xuất khẩu chiếm tới 98% sản lượng.

Ông Lý Ngọc Minh sinh tại Sông Bé (Bình Dương ngày nay) vốn là cái nôi của gốm sứ miền Nam. Mặc dù mồ côi cha từ bé nhưng hình ảnh người cha miệt mài lọc men, tỉ mẩn chắt từng giọt men ám ảnh và khơi nguồn tình yêu của ông với gốm sứ. Năm 12 tuổi, Lý Ngọc Minh được cha dượng dẫn đến một buổi triển lãm gốm sứ của một người bạn.

Lần đầu tiên ông Minh được nhìn thấy những sản phẩm tinh xảo, khác hẳn đồ gốm sứ đơn giản, thô sơ vẫn thấy hàng ngày và khiến đam mê làm được những thứ tương tự bùng cháy trong ông. Trải qua đủ nghề để mưu sinh như sản xuất kem đánh răng, làm tương, nấu rượu cho đến nông nghiệp, ông Minh vẫn quyết tâm quay lại với nghiệp gốm sứ.

Hiện bốn người con của ông là Lý Huy Sáng, Lý Huy Đạt, Lý Khả Trân, Lý Huy Bửu đều tham gia vào các hoạt động điều hành của Minh Long 1.

Kim Thủy

Cùng chuyên mục
XEM