Những doanh nhân tuổi Dậu nổi tiếng trên thương trường

28/01/2017 09:00 AM | Kinh doanh

Doanh nhân tuổi Dậu là những người sinh năm 1945, 1957, 1969, 1981... Họ là những người tài giỏi, chịu khó, có năng lực tổ chức cao, thẳng thắn, trung thực, làm việc có tính quyết đoán.

Người tuổi Dậu luôn được mọi người yêu mến. Trong lĩnh vực kinh doanh, họ là người quản lý có tài, biết cân đối giữa nhập và xuất hàng hoá, giữa thu và chi. Tuổi Dậu hợp với tuổi Tỵ, Sửu. Doanh nhân Dậu nữ là người thực tế, cần cù chăm chỉ, hay giúp đỡ người. Họ là người vợ đảm đang, mẹ hiền.

Về cuộc đời, tuổi Dậu thông minh, hiếu nghĩa, hiếu học, biết phân biệt phải trái. Có thuyết cho rằng, tuổi Dậu suốt đời có tài lộc.

Dưới đây là 5 doanh nhân nổi tiếng tuổi Dậu

1. Phạm Thu Hương - Kỷ Dậu

Bà Phạm Thu Hương sinh ngày 14/6/1969 (Kỷ Dậu), năm nay 48 tuổi. Bà là vợ của tỷ phú Phạm Nhật Vượng, là Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Vingroup, là người giàu thứ 5 trên sàn chứng khoán và là người giàu nhất trong số các nữ doanh nhân.

Điểm đặc biệt ở bà Phạm Thu Hương là bà chưa từng lộ diện trước công chúng, ngay cả tại các sự kiện của Vingroup. Người ta chỉ biết đến bà qua các thông tin xoay quanh tập đoàn Vingroup, và biết rằng bà cùng ông Phạm Nhật Vượng đã gây dựng nên Tập đoàn Vingroup hùng mạnh như ngày nay.


Bà Phạm Thu Hương chưa bao giờ lộ mặt trước công chúng

Bà Phạm Thu Hương chưa bao giờ lộ mặt trước công chúng

Bà Phạm Thu Hương có bằng cử nhân Luật quốc tế, từ năm 1994 đã là cổ đông công ty Technocom, Ukraine, thuộc tập đoàn Technocom

Hiện tại, bà Phạm Thu Hương sở hữu gần 125 triệu cổ phiếu của Vingroup, giá trị tài sản là 5.240 tỷ đồng.

2. Nguyễn Đức Tài - Kỷ Dậu

Ông Nguyễn Đức Tài sinh ngày 30/5/1969, năm nay 48 tuổi, là người sáng lập và hiện là Chủ tịch Công ty Thế Giới Di Động.

Với tầm nhìn và kỹ năng quản trị của mình, ông Nguyễn Đức Tài đã đưa chuỗi cửa hàng Thế giới Di động vươn lên dẫn đầu thị trường. Quan điểm của ông Tài là làm tất cả để khách hàng cảm thấy hài lòng, vì thế mà khách hàng đến với Thế Giới Di Động luôn được phục vụ chu đáo và trở thành khách hàng trung thành.

Đứng sau khách hàng, nhân viên là những người quan trọng số 2 trong mắt ông Nguyễn Đức Tài, bởi vậy ông luôn có những chế độ đãi ngộ rất tốt cho nhân viên của mình. Ông từng khẳng định, rất khó để các đối thủ có thể lấy được giám đốc khu vực của Thế Giới Di Động.

Dưới sự điều hành của ông Nguyễn Đức Tài, Thế Giới Di Động tăng trưởng thần tốc. Năm 2009, công ty đạt doanh thu chỉ 2.000 tỷ đồng nhưng đến 2015 đã tăng gấp 12 lần, lên hơn 25.000 tỷ đồng. Sang năm 2017, ông Tài đặt kế hoạch doanh thu đầy tham vọng, lên tới 63.000 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Đức Tài có bằng cử nhân Tài chính - Kế toán và bằng Thạc sỹ Quản trị kinh doanh.

Ông Nguyễn Đức Tài hiện sở hữu trực tiếp gần 600 tỷ đồng cổ phiếu của Thế giới Di động. Ngoài ra, ông sở hữu gián tiếp lượng cổ phiếu trị giá gần 3.100 tỷ đồng.

3. Cao Thị Ngọc Dung - Đinh Dậu

Bà Cao Thị Ngọc Dung sinh ngày 8/10/1957. Năm nay tròn 60 tuổi, bà vẫn đang đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc tại Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận PNJ.

Nhắc đến vàng bạc đá quý, người ta nhắc ngay đến PNJ và nhắc đến PNJ là nhắc đến bà Ngọc Dung. Hình ảnh của bà không chỉ là linh hồn của một trong những doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc đá quý lớn nhất Việt Nam mà còn là đại diện cho thế hệ nữ doanh nhân bản lĩnh, quyền lực mà vẫn đầy nữ tính.

Bà Ngọc Dung tham gia ban quản trị PNJ từ năm 1998 với vị trí Giám đốc. Sau gần 20 năm lãnh đạo PNJ, doanh nghiệp này giờ đây có doanh thu hàng nghìn tỷ mỗi năm, lợi nhuận đều đặn vài trăm tỷ đồng.

Năm 2015, bà gặp sóng gió khi Ngân hàng Nhà nước đặt DongA Bank vào diện kiểm soát đặc biệt. PNJ là cổ đông lớn tại ngân hàng này và đã phải chịu thiệt hại. Tuy nhiên, bà Dung vẫn được đánh giá cao nhờ nhanh chóng, kịp thời công bố các thông tin cần thiết, nhằm trấn an cổ đông.

Bà Cao Thị Ngọc Dung tốt nghiệp đại học kinh tế TPHCM chuyên ngành Kinh tế thương nghiệp. Bà hiện sở hữu gần 10 triệu cổ phiếu của PNJ, giá trị khoảng gần 700 tỷ đồng.

4. Đỗ Cao Bảo - Đinh Dậu

Ông Đỗ Cao Bảo sinh ngày 18/6/1957 và là 1 trong 13 thành viên sáng lập ra FPT. Ở tuổi 60, ông Cao Bảo đang là Phó Tổng giám đốc kiêm thành viên HĐQT FPT. Ngoài ra, ông còn làm Chủ tịch Công ty hệ thống thông tin FPT (FPT IS).

Đáng chú ý, ông mới được bổ nhiệm làm Phó Tổng giám đốc FPT hồi đầu năm 2016, phụ trách kinh doanh chung của FPT. Ông Đỗ Cao Bảo phụ trách các khách hàng chiến lược, các dự án, đề án chiến lược, cấp bộ, nhà nước, phụ trách hoạt động đối ngoại chung và công tác truyền thông của tập đoàn FPT.

Ông Đỗ Cao Bảo cũng là người kề vai sát cánh với hai thủ lĩnh cao nhất tại FPT là ông Trương Gia Bình và ông Bùi Quang Ngọc, những người cùng sáng lập FPT và năm nay 61 tuổi. FPT hiện vẫn chưa tìm được người trẻ kế cận đủ tài và bản lĩnh để thay thế lớp lãnh đạo cũ.

Ông Đỗ Cao Bảo thường xuyên có những chia sẻ về kinh doanh và cuộc sống trên trang facebook cá nhân, nhận được sự quan tâm lớn từ cộng đồng.

Ông Đỗ Cao Bảo có bằng Cử nhân Toán điều khiển của Học viện kỹ thuật quân sự. Ông sở hữu khoảng 5,4 triệu cổ phiếu FPT, giá trị khoảng 240 tỷ đồng.

5. Đặng Huỳnh Ức My - Tân Dậu

Đặng Huỳnh Ức My sinh ngày 12/12/1981, năm nay 36 tuổi, là con gái ông Đặng Văn Thành và bà Huỳnh Bích Ngọc.

Sinh ra trong gia đình có truyền thống kinh doanh, Đặng Huỳnh Ức My nối nghiệp mẹ khi làm việc trong ngành mía đường, chứ không theo chân bố làm ngân hàng (ông Đặng Văn Thành) hay bất động sản của anh trai Đặng Hồng Anh.

Ức My đang là thành viên HĐQT Công ty mía đường Thành Thành Công Tây Ninh và đồng thời là Chủ tịch Tập đoàn Đầu tư Thành Thành Công.

Hiện nay, gia đình họ Đặng đang dồn sự tập trung cho Tập đoàn Thành Thành Công và gây nhiều chú ý thời gian gần đây, như chuyện mua lại mảng mía đường của Bầu Đức, hay chuẩn bị niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán Singapore.

Ức My chính là người trực tiếp sang Singapore để phụ trách việc niêm yết. Theo thông tin trên báo giới, Tập đoàn đang có ý định niêm yết Thành Thành Công Tây Ninh trên sàn SGX thông qua việc thâu tóm, hợp nhất một công ty ở quốc gia này. Thương vụ sẽ nâng giá trị công ty sau hợp nhất lên 200 triệu USD, trở thành công ty mía đường lớn nhất Việt Nam.

Là "Công chúa mía đường" nhưng thực tế Ức My vốn rất thích trở thành một cô giáo. Vì vậy, với công việc của mình, cô cũng tự biến mình thành giáo viên mỗi ngày, khi coi người lãnh đạo giỏi phải là người có bản lĩnh, tạo ra sức ảnh hưởng để dạy dỗ và hướng dẫn người khác.

Đặng Huỳnh Ức My có bằng cử nhân Quản trị kinh doanh và tài chính. Cô sở hữu nhiều cổ phiếu của các doanh nghiệp mía đường trên sàn chứng khoán, tổng giá trị khoảng 180 tỷ đồng.

Hà My

Cùng chuyên mục
XEM