Những điều thú vị về nghề tiếp viên ở hãng hàng không có quá trình thi tuyển còn khó hơn cả thi vào đại học Harvard!

27/07/2018 20:17 PM | Kinh doanh

Mỗi năm có hơn 100.000 người nộp đơn để trở thành một tiếp viên hàng không Delta và chưa tới 1% trong số đó được nhận. Điều đó nghĩa là gia nhập đội bay của Delta còn khó hơn cả việc được nhận vào Harvard, khi tỷ lệ chọi của đại học danh giá này trong năm 2018 là 4,6%.

"Tôi không được chọn trong lần đầu tiên nộp đơn. Rất khó để vào được hãng hàng không này, nhưng tôi đã kiên trì. Tôi biết mình muốn công việc này và sẽ không từ bỏ cho đến khi nhận được nó", tiếp viên hàng không Melissa Pittman cho biết.

Pittman đã vượt qua được giai đoạn phỏng vấn trong lần thứ hai, và đó vẫn chỉ là khởi đầu của một quá trình gian nan. Những người trong nhóm 1% may mắn được chọn đó phải trải qua một chương trình đào tạo cường độ cao trong 8 tuần và phải vượt qua nhiều bài kiểm tra để kiếm được "đôi cánh" của mình.

Dưới đây là những chi tiết thú vị về công việc của nữ tiếp viên Pittman và phi hành đoàn của mình.

Thời gian đến chỗ làm có thể mất hàng giờ

"Một số người đi làm bằng tàu hỏa, còn tôi đi bằng... máy bay", Pittman cho biết. Cô phải mất năm tiếng rưỡi để đi từ nhà mình ở Los Angeles đến thành phố New York, nơi cô bắt đầu và kết thúc các chuyến đi của mình.

Có thể bay đến nơi làm việc mang lại cho cô sự linh động để sống ở bất cứ nơi nào mình muốn, và cô không phải là người duy nhất tận dụng phúc lợi này. Một tiếp viên hàng không khác, Sarah Motter, nói rằng thời gian đi đến chỗ làm của cô là khoảng 20 giờ, vì cô đang sống ở Guam với chồng, nơi anh đang phục vụ trong binh chủng Hải quân.

Đồng nghiệp của họ thay đổi mỗi ngày

Trên chuyến bay có phóng viên của CNBC đi kèm, Pittman làm việc chung với 3 tiếp viên khác. Dù họ từng bay với nhau vào những dịp riêng biệt, nhưng tất cả 4 người đều chưa bao giờ bay chung với nhau như thế này, và điều đó là bình thường.

Họ sẽ luôn làm việc với các tiếp viên hàng không Delta khác tại thành phố New York, nhưng vì có quá nhiều tiếp viên nên "bạn không phải lúc nào cũng biết hết mọi người trong đoàn của mình. Mỗi phi hành đoàn đều khác nhau", Pittman nói.

Món tồi tệ nhất hành khách có thể yêu cầu: Coca-cola cho người ăn kiêng

Loại thức uống này mất rất nhiều thời gian để rót và "làm cho các tiếp viên muốn phát cáu. Tôi có thể rót được 3 ly thức uống khác trong khoảng thời gian tương tự", Pittman nói.

Có nhiều quy định hơn về ăn mặc, chứ không chỉ là đồng phục

Quy định về trang phục được giới thiệu lần đầu tiên trong chương trình đào tạo, nơi mỗi học viên nhận được sự tư vấn về hình ảnh cá nhân. Trong buổi hôm ấy, các tiếp viên hàng không tương lai được đánh giá từ đầu đến chân theo phong cách của họ và được cho biết "trình" ăn mặc của họ là như thế nào.

Một phần quan trọng của đồng phục Delta là chiếc đồng hồ đeo tay. Các tiếp viên không thể thiếu món này trong chuyến bay của họ. Ngoài ra, đối với nữ, chiều cao tối thiểu của đôi giày phải là nửa inch khi đi từ sân bay lên máy bay, mặc dù họ có thể đổi thành giày đế bằng trên máy bay. Đối với các tiếp viên nam, giày của họ phải chắc chắn, và làm bằng loại da đen mượt.

Hầu như luôn có một bác sĩ trên máy bay

"Chúng tôi phải chuẩn bị sẵn sàng cho bất cứ điều gì: một đám cháy, một hành khách nổi giận hoặc một sự kiện y tế. Và các sự kiện y tế xảy ra nhiều hơn bạn nghĩ", cô tiếp viên tên Motter cho biết. Mặc dù họ đã được đào tạo để đối phó với khá nhiều trường hợp khẩn cấp và luôn có thể nói chuyện với một cơ sở y tế trong chuyến bay, nhưng "98% thời gian là có một bác sĩ hoặc chuyên gia y tế nào đó trên máy bay", cô nói.

Họ biết về bạn

Các tiếp viên hàng không Delta không thể lên máy bay mà không có SkyPro, một thiết bị lớn màu đỏ trông giống như một chiếc iPhone lớn và bao gồm thông tin về hành khách. Nó nhận ra bất kỳ khách hàng có giá trị cao nào, như thành viên "vàng", những người đã bay triệu dặm, người có thể cần được hỗ trợ thêm, trẻ sơ sinh hay trẻ em.

SkyPro cũng cung cấp thông tin hành khách như "họ có đang kết nối với một chuyến bay không, nơi họ đang kết nối và cổng kết nối của họ là ở đâu", Pittman cho hay.

Họ không thể làm việc bảy ngày liền

"Cứ mỗi 7 ngày, chúng tôi phải có 24 giờ nghỉ ngơi", Pittman nói. Nếu quá cảnh dài hơn một ngày, thì nó được tính là thời gian nghỉ ngơi. Cô ấy nói thêm: "Chẳng hạn một lần quá cảnh dài 29 giờ được tính là một ngày nghỉ".

Phần lớn họ đều có thể thiết lập lịch trình của mình. Pittman cho hay: "Chúng tôi có một trong những nghề linh hoạt nhất trong ngành hàng không. Có những tháng tôi có thể làm việc 6 ngày/tuần, trong nhiều tuần liền. Hoặc có những tháng tôi có thể làm việc từ 2 đến 3 ngày/tuần trong nhiều tháng liền".

Thật khó để quay lại công việc ‘bình thường’

Bốn tiếp viên hàng không trò chuyện với phóng viên CBNC đều đồng ý rằng gần như không thể quay trở lại công việc "từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều" sau khi đã chu du khắp thế giới và trải qua sự linh hoạt như vậy với công việc hiện tại của họ.

"Tôi đã bỏ một công việc lương rất cao để đến với Delta. Nhưng tôi đến đây vì biết rằng trong dài hạn nó sẽ mang lại cho tôi những kết quả tốt. Và tôi muốn đi du lịch. Tôi muốn nhìn thấy thế giới. Đôi khi nó có thể đầy thử thách như tất cả các công việc khác, nhưng những cái được là vượt xa những điều chưa được", Pittman, người từng làm người mẫu và làm việc trong ngành sản xuất truyền hình, cho biết.

Theo Thanh Hải

Cùng chuyên mục
XEM