Những điều khoa học nói hôm nay thực ra đã được Đức Phật và Khổng Tử răn dạy từ mấy ngàn năm trước

21/12/2016 13:00 PM | Kinh doanh

Những minh triết của người xưa luôn gợi ý cho chúng ta cách rèn luyện bản thân và bản tâm mình cho linh hoạt và ứng xử phù hợp trong mọi điều kiện.

Chúng tôi xin giới thiệu bài viết của ông Đỗ Xuân Tùng về các bài học quản trị mà tiền nhân để lại. Mời độc giả đón đọc.


Nhiều người nói với tôi về những công nghệ đào tạo phát triển cá nhân con người của các diễn giả nước ngoài, đặc biệt là người phương Tây với những cái tên khó nhớ, khó phát âm. Họ cho rằng tới giờ họ chưa thành công là do bây giờ mới gặp được các công nghệ ấy.

Họ nói về các công nghệ này như thể chưa từng có, và chỉ có diễn giả đó mới nghĩ ra. Trong khi thực tế, những điều như vậy, nếu chú tâm tìm thì chúng ta đã thấy chúng tồn tại trong các sách kinh điển của tiền nhân, do “các cụ để lại” có lẽ đã cả ngàn năm nay.

Cách đây tới hơn 2500 năm, Đức Phật đã từng một lần chỉ vào cốc nước và nói với đệ tử: “Trong chiếc cốc này, có tới ức vạn sinh linh đang sống”. Khỏi nói, một câu ngắn gọn như vậy vào thời điểm đó là điều khó hiểu ra sao với các đệ tử của Ngài. Tới nay chúng ta hiểu, bằng tuệ nhãn Ngài đã nhìn được có hàng ngàn loại vi sinh vật không thể nhìn bằng mắt thường đã tồn tại trong một thể tích nhỏ bé đó.

Một ví dụ khác rất điển hình, đó là trường hợp tên gọi công ty Trí Tri của anh Lý Trường Chiến (ông Lý Trường Chiến nguyên Giám đốc Tiếp thị Unilever Việt Nam - PV).

Chúng ta vốn nghe quen quy trình của người quân tử trong các sách của Khổng Tử là “Tu thân, Tề gia, Trị quốc, Bình thiên hạ”. Câu này trở thành những câu cửa miệng của nhiều người khi muốn nói con đường tu thân lập nghiệp của mình.

Nhưng ít người biết là trước đó, để đạt tới chữ Tu Thân, người ta phải làm 4 bước rèn luyện bao gồm:

- Cách vật: Nghiên cứu sự vật thật kỹ càng.

- Trí tri: Hiểu tới tận cùng các kiến thức sự kiện.

-Thành ý: Có ý chân thành và muốn làm gì đi chăng nữa thì cũng phải xác định chúng một cách cụ thể.

- Chính tâm: Đưa cái tâm chân thật của mình vào cuộc, và tìm cách đạt tới sự hoàn thiện bằng nỗ lực chứ không phải một cái tâm tà vạy, như là mình muốn thành công thì chính mình vượt qua bản thân mỗi ngày chứ không cần phải làm hại đối thủ. Đó là cách cạnh tranh công bằng và chính trực nhất. Tới đây tôi mới hiểu cái câu nói của anh Long Đỗ (TGĐ Công ty Bitas - PV): “Tính cách mới làm nên thành công!”

Công nghệ tiến lên nhưng con người thì cả ngàn đời sau vẫn vậy, dù làm kinh doanh hay làm gì cũng thế, những minh triết của người xưa luôn gợi ý cho chúng ta cách rèn luyện bản thân và bản tâm mình cho linh hoạt và ứng xử phù hợp trong mọi điều kiện.

Ôn cố tri tân - Kẻ dùng điều cũ để học lấy điều mới, có thể làm thầy của thiên hạ - Khổng Tử.

Trong phần sau, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu một số câu trong sách cổ mà khi đọc xong, tôi thấy mình “rúng động từ đầu tới chân” biến đổi hoàn toàn, và từ đó thấy rằng không thể coi thường trí tuệ của người xưa.

Đỗ Xuân Tùng - Giám đốc Công ty Tư vấn và Đào tạo Nhân Việt

Cùng chuyên mục
XEM