Những điều cần biết về 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc sẽ bị ông Trump áp thuế từ ngày 24/9

18/09/2018 15:26 PM | Xã hội

Sau đợt đánh thuế mới nhất, hơn một nửa hàng hóa Trung Quốc xuất sang Mỹ và gần 85% hàng Mỹ xuất sang Trung Quốc bị ảnh hưởng.

Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây vừa chính thức ra lệnh áp mức thuế suất 10% lên thêm 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 24/9 tới với lý do để đáp trả việc Trung Quốc ăn cắp quyền sở hữu trí tuệ và thực hiện các hành vi thương mại không công bằng với doanh nghiệp Mỹ. Hết năm nay mức thuế suất có thể tăng lên thành 25%.

Lần đánh thuế này có gì khác so với 2 lần trước?

Hồi tháng 7, chính quyền Trump đã áp thuế lên 34 tỷ USD hàng Trung Quốc, sau đó là 16 tỷ USD khác bị nhắm đến trong tháng 8. Đáp lại Bắc Kinh cũng đã đánh thuế lên tổng cộng 50 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ.

Lần này, ngoài chuyện con số 200 tỷ USD lớn hơn rất nhiều so với 2 lần trước, danh mục hàng hóa bị đánh thuế cũng rộng hơn đáng kể. Nếu như các lần trước danh mục chủ yếu tập trung vào các mặt hàng công nghiệp không ảnh hưởng trực tiếp đến hầu hết người tiêu dùng, lần này mục tiêu hàng đầu là các linh kiện và những sản phẩm thứ cấp được sử dụng trong nhiều ngành.

Thuế tác động đến cả những sản phẩm đã hoàn thiện, được sử dụng phổ biến trong đời sống của người dân Mỹ như túi shopping bằng giấy và thùng gỗ, nước hoa, đệm, đồ chơi... Một số hàng điện tử tiêu dùng, sản phẩm hóa chất và đồ dùng trẻ em cuối cùng đã được loại khỏi danh sách.

Theo Bill Zarit, người đứng đầu Phòng thương mại Mỹ tại Trung Quốc, "các thành viên của chúng tôi không lo lắng khi con số là 50 tỷ USD, nhưng con số 200 tỷ USD ảnh hưởng lớn đến nhiều doanh nghiệp".

Bao nhiêu % kim ngạch thương mại Mỹ - Trung bị áp thuế?

Trung Quốc đã cảnh báo có thể áp thuế lên 60 tỷ USD hàng Mỹ để trả đũa, như vậy tổng số hàng hóa Mỹ bị Trung Quốc đánh thuế có thể lên đến 110 tỷ USD.

Về phía Mỹ, 250 tỷ USD đã chính thức bị áp thuế, đồng thời ông Trump đe dọa sẽ áp thuế thêm 276 tỷ USD nữa.

Theo số liệu của Mỹ, kim ngạch thương mại song phương giữa 2 nước đạt 630 tỷ USD trong năm 2017, trong đó Trung Quốc xuất sang Mỹ 500 tỷ USD, lớn hơn nhiều so với con số 130 tỷ USD ở chiều ngược lại.

Sau đợt đánh thuế mới nhất, hơn một nửa hàng hóa Trung Quốc xuất sang Mỹ và gần 85% hàng Mỹ xuất sang Trung Quốc bị ảnh hưởng. Từng là xung đột chỉ ảnh hưởng đến 15% kim ngạch thương mại song phương giờ đây đã biến thành 1 cuộc chiến thương mại toàn diện mà thế giới chưa từng được chứng kiến kể từ những năm 1930.

Trung Quốc sẽ phản ứng như thế nào?

Bởi vì đang có thặng dư thương mại lớn với Mỹ, Trung Quốc không thể áp thuế lên lượng hàng hóa tương tự. Nhưng Trung Quốc có trong tay nhiều "vũ khí", như siết chặt các quy định pháp lý để làm khó các doanh nghiệp Mỹ đang kinh doanh ở Trung Quốc hay từ chối các thương vụ M&A có liên quan đến doanh nghiệp Mỹ.

Mặc dù Bắc Kinh đã cam kết sẽ đối xử công bằng với mọi doanh nghiệp đang hoạt động ở Trung Quốc, hồi tháng 7 nước này đã "giết chết" thương vụ Qualcomm (công ty có trụ sở ở San Diego) bỏ 44 tỷ USD thâu tóm NXP (công ty chip của Hà Lan) vì căng thẳng thương mại với Mỹ. Trong thông báo ngày 25/7, Qualcomm tuyên bố họ sẽ trả khoản phí bồi thường trị giá 2 tỷ USD cho NXP, đồng thời sẽ chi tới 30 tỷ USD để mua lại cổ phiếu của chính mình. Qualcomm theo đuổi thương vụ này từ năm 2016, nhưng Trung Quốc là nước cuối cùng trong số 9 thể chế mà Qualcomm phải tham vấn và có sự đồng ý trong thương vụ nói trên vì Trung Quốc chiếm tới gần 2/3 doanh thu của tập đoàn trong năm ngoái.

CÁc thương vụ United Technologies thâu tóm Rockwell Collins với giá 30 tỷ USD hay Disney chi 71 tỷ USD mua Fox cũng có thể hứng chịu số phận tương tự.

Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?

Thứ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Wang Shouwen dự kiến sẽ có mặt tại Washington vào ngày 19/9 tới để chuẩn bị cho vòng đàm phán thứ 5 giữa hai nước. Bên cạnh đó còn có sự tham gia của Phó Thủ tướng Lưu Hạc (cũng là quan chức kinh tế cấp cao hàng đầu Trung Quốc) và Phó Chủ tịch Vương Kỳ Sơn. Tuy nhiên phía Trung Quốc đã từng cảnh báo chuyến đi của ông Vương sẽ bị hủy bỏ nếu Mỹ kích hoạt đợt thuế quan mới.

Giới phân tích cho rằng "sẽ không có diễn biến gì đáng kể cho đến khi Mỹ kết thúc cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11 tới". Các quan chức Trung Quốc kỳ vọng nếu như đảng Cộng hòa thất thế trong cuộc bầu cử ngày 6/11, sự phản đối từ người tiêu dùng và các doanh nghiệp Mỹ bị ảnh hưởng từ làn sóng giá các mặt hàng nhập khẩu tăng cao sẽ khiến ông Trump phải nhẹ tay hơn.

Tuy nhiên, người của đảng Dân chủ lại ủng hộ thái độ cứng rắn của ông Trump đối với chính sách thương mại của Trung Quốc. Chính sách của ông Trump cũng đang gây ra ít nhiều khó khăn cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình – người phải tìm ra cách khéo léo để có thể nhượng bộ mà không gây nên sự phản đối dữ dội ở quê nhà.

Theo Thu Hương

Cùng chuyên mục
XEM