Những công ty Việt Nam nào có giá trị lớn nhất?

31/07/2018 08:49 AM | Kinh doanh

Ngày 30/7, Forbes Việt Nam công bố danh sách 40 thương hiệu công ty có giá trị nhất, với tổng giá trị của 40 thương hiệu hơn 8,1 tỉ đô la Mỹ, tăng hơn 30% so với danh sách công bố năm 2017. Đây là lần thứ hai liên tiếp Vinamilk đứng đầu danh sách, với giá trị thương hiệu tương đương hơn 2,2 tỉ đô la Mỹ.

Xét về cơ cấu nhóm ngành, hai nhóm doanh nghiệp hàng tiêu dùng và tài chính – ngân hàng chiếm số lượng áp đảo khi ngày càng có nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành niêm yết trên sàn chứng khoán. Danh sách năm nay có thêm các gương mặt mới như tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT), tập đoàn TTC, Vinhomes, Vincom Retail, Trung Nguyên, VinaPhone, HD Bank.

Trong nhóm thương hiệu dẫn đầu, xếp sau Vinamilk, lần lượt là Viettel và VNPT, với giá trị tương ứng là 1,39 tỉ đô la Mỹ và 416 triệu đô la Mỹ. Do có nhiều doanh nghiệp lớn, có vị thế cao trong lĩnh vực mà họ hoạt động xuất hiện trong danh sách, giá trị thấp nhất trong danh sách năm nay ở mức 26,7 triệu đô la Mỹ, cao gần gấp đôi so với danh sách năm trước.

Do vậy, một số doanh nghiệp từng có mặt trong danh sách năm trước, năm nay tuy giá trị thương hiệu có thể vẫn cao hơn nhưng lần này không xuất hiện.

Forbes Việt Nam thực hiện danh sách này theo phương pháp đánh giá của Forbes, tính toán vai trò đóng góp của thương hiệu vào hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Những thương hiệu giá trị nhất là thương hiệu đạt mức doanh thu lớn trong các ngành mà thương hiệu đóng vai trò chủ đạo.

"Sau khi lập danh sách sơ bộ hơn 80 doanh nghiệp có thương hiệu, Forbes Việt Nam với sự hỗ trợ của công ty cổ phần Chứng khoán Bản Việt, tính toán thu nhập trước thuế và lãi vay, sau đó xác định giá trị đóng góp của tài sản vô hình. Việc thu thập số liệu của các doanh nghiệp dựa trên báo cáo tài chính của các công ty, dữ liệu trên thị trường chứng khoán. Một số công ty chưa niêm yết đồng ý cung cấp dữ liệu tài chính để chúng tôi tính toán", Forbes Việt Nam cho biết.

Thu nhập thương hiệu mang lại cho doanh nghiệp được xác định từ giá trị đóng góp của tài sản vô hình sau khi đã áp thuế thu nhập doanh nghiệp và phân bổ tùy theo mức độ đóng góp của thương hiệu trong từng ngành. 

Theo Forbes Việt Nam, giá trị thương hiệu chung cuộc được xác định dựa trên chỉ số P/E (hệ số giữa giá thị trường và thu nhập ròng trên mỗi cổ phần mà thương hiệu mang lại) trung bình ngành. Với công ty chưa niêm yết, Forbes Việt Nam áp dụng phương pháp so sánh với công ty cùng ngành, cùng quy mô để xác định giá trị thương hiệu.

Danh sách 40 thương hiệu

(Đơn vị: triệu đô la Mỹ)

Vinamilk: 2.282,7 triệu đô la Mỹ

Viettel: 1.390

VNPT: 416 *

Sabeco: 393

Vinhomes: 384 *

Vinaphone: 308 *

Vingroup: 307,2

Masan Consumer: 238

Vietcombank: 177,9

FPT: 169

Vietinbank: 153,6

BIDV: 146,2

VPBank: 99,2

Vincom Retail: 91,6 *

Techcombank: 89,2

Việt Nam Airlines: 88,3

Thế Giới Di Động: 86,2

Vietjet Air: 85,5

Hòa Phát: 84,6

Thaco: 81

Petrolimex: 79,8

NutiFood: 78

Ngân hàng Quân đội: 76,4

Tập đoàn Bảo Việt: 74,3

TH Milk: 69,8

PNJ: 61,7

Dược Hậu Giang: 53,7

Saigontourist: 52,7

Habeco: 48,6

VNG: 47,2

Novaland: 44,7

Tập đoàn Trung Nguyên: 42 *

ACB: 37,5

Đường Quảng Ngãi: 36,6

Tập đoàn TTC: 36,5 *

PVI: 32,7

Đạm Phú Mỹ: 30,9

SSI: 30,8

Nhựa Bình Minh: 27,6

HD Bank: 26,7 *

Ghi chú: Dấu * là doanh nghiệp lần đầu có mặt trong danh sách

Lan Đỗ

Cùng chuyên mục
XEM