Những 'con Tê giác xám' đang đe dọa nền kinh tế Trung Quốc như thế nào?

13/08/2017 08:16 AM | Kinh tế vĩ mô

Trong khi giới tài chính Phương Tây không xa lạ gì với từ “Thiên nga đen” để nói về những sự kiện bất ngờ hiếm khi xảy ra tác động tiêu cực đến thị trường tài chính thì Trung Quốc lại đang dần quen với 1 thuật ngữ mới trong ngành là những con “tê giác xám”.

Nền kinh tế trong những thập niên qua đã tăng trưởng khá nhanh và đương chúng để lại những vấn đề rất khó giải quyết. Tê giác xám là một vấn đề như vậy. Thuật ngữ này ám chỉ những tập đoàn cực lớn tại Trung Quốc, những ông trùm doanh nhân sử dụng những mối liên kết chính trị,xã hội cùng tham vọng của mình để tạo nên một đế chế kinh doanh toàn cầu.

Ví dụ điển hình của những chú tê giác xám này là các tập đoàn Anbang Insurance Group, Fosun International, HNA Group và Danda Wanda Group đã tận dụng được các khoản tín dụng vô cùng rẻ từ những ngân hàng nhà nước để xây dựng nên đế chế cho riêng mình.

Những đế chế này giờ đây đã quá lớn, quá phức tạp, ngập trong nợ nần và bị bao vây bởi một nền kinh tế mà nhờ chính phủ Trung Quốc, những con nợ này mới đi lên được đỉnh cao như vậy.


Tổng giá trị thương vụ M&A của Trung Quốc tăng mạnh (tỷ USD) trong khi tỷ lệ tín dụng theo % GDP của các doanh nghiệp tư nhân cũng đi lên.

Tổng giá trị thương vụ M&A của Trung Quốc tăng mạnh (tỷ USD) trong khi tỷ lệ tín dụng theo % GDP của các doanh nghiệp tư nhân cũng đi lên.

Nhận thức được vấn đề này, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cảnh báo sự ổn định tài chính là yếu tố cốt lõi đối với 1 quốc gia trong khi tờ báo chính thức Nhật báo Nhân dân của Đảng Cộng Sản nước này chỉ ra sự nguy hiểm của những con “tê giác trắng” dù không nêu đích danh tên công ty.

“Tình hình rủi ro trong hệ thống tài chính hiện nay khá phức tạp. Bởi vậy, những biện pháp đối phó cần được thực hiện nhằm chống lại không chỉ các ‘thiên nga đen’ mà còn các ‘tê giác xám’”, tờ Nhật báo Nhân dân viết.

Những nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đang ngày càng lo ngại việc một số tập đoàn lớn vay mượn quá nhiều tiền và gây rủi ro cho hệ thống tài chính. Điều này dẫn đến việc các quan chức ngành ngân hàng đang soi xét rất kỹ bảng cân đối kế toán của những tê giác xám này.

Rủi ro “tê giác xám”

Năm 2016, tập đoàn bảo hiểm Anbang chi 2 tỷ USD mua lại khách sạn sang trọng Waldorf Astoria ở New York và đồng thời tổ chức một buổi tiệc cho các nhà lãnh đạo kinh doanh Mỹ ở đây. Vào tháng 6 vừa qua, Chủ tịch Wu Xiaohui của Anbang bị cảnh sát bắt nhưng chưa công bố rõ lý do.

Tập đoàn Fosun được điều hành bởi Chủ tịch Gua Guangchang, người được mệnh danh là "Warren Buffett của Trung Quốc", đã chi hàng tỷ USD cho các hợp đồng mua lại hãng du lịch Club Med, rạp xiếc Cirque du Soleil cùng hàng loạt những thương hiệu nổi tiếng khác. Gần đây, công ty này đã phủ nhận tin đồn rằng Chủ tịch Gua bị bắt giữ sau khi doanh nhân này từng bị tạm giữ một thời gian vào năm 2015 mà không rõ lý do.


Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong một hội nghị tại thủ đô Bắc Kinh tháng 7 vừa qua.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong một hội nghị tại thủ đô Bắc Kinh tháng 7 vừa qua.

Một tập đoàn lớn nữa tại Trung Quốc được nhắc đến như một “tê giác xám” là hãng hàng không Hainam Airlines (HNA). Không chịu dừng lại ở mảng vận chuyển hàng không, HNA còn tham gia kinh doanh nhà máy điện, đầu tư cổ phần ở chuỗi khách sạn Hilton Hotels, ngân hàng Deutsche Bank và hãng dịch vụ sân bay Swissport.

Bất chấp những khoản đầu tư khủng như vậy, các nhà chức trách Châu Âu đang theo dõi sát sao hoạt động của tập đoàn HNA trong khi ngân hàng Bank of America quyết định không làm ăn với tập đoàn này.

Trong khi đó, ngành giải trí lại không xa lạ gì với tập đoàn Dalian Wanda khi công ty này chi số tiền lớn nhằm cạnh tranh với các hãng giải trí quốc tế. Cách đây 1 năm, Wanda hứa hẹn sẽ đánh bật các công viên giải trí Disney tại Trung Quốc bằng việc xây dựng hàng loạt những công viên giải trí mới để cạnh tranh. Giờ đây, tập đoàn này đang phải bán tháo các công viên giải trí và khách sạn của mình.

Giám đốc điều hành Brock Silvers của Kaiyuan Capital nhận định rằng sự rủi ro lớn nhất của những công ty này là không có ai có đủ quyền lực để kiểm soát hoàn toàn chúng khi những lợi ích phức tạp đan xen trong hoạt động kinh doanh.

Ngập trong nợ

Những chú tê giác xám tại Trung Quốc có đặc điểm chung là vay nợ rất nhiều để thực hiện vô vàn các giao dịch lớn.

Trong nhiều năm, các ngân hàng Trung Quốc, đặc biệt là những ngân hàng quốc doanh với mong muốn bơm tiền vào thị trường đã tích cực cho vay. Họ tăng gấp đôi số khoản tín dụng vào nền kinh tế sau cuộc khủng hoảng 2008 nhằm thúc đẩy tăng trưởng và hạ giá đống Nhân dân tệ, qua đó kích thích xuất khẩu.

Những tập đoàn lớn với danh tiếng tốt và lợi nhuận cao luôn được các ngân hàng trên ưa thích cho vay và hậu quả là hàng tỷ USD đã được bơm cho những chú tê giác xám này. Tập đoàn HNA đã vay tổng cộng 90 tỷ USD từ các ngân hàng quốc doanh trong khi Anbang đã chi tiêu hơn 10 tỷ USD từ nguồn vốn bán các sản phẩm quản lý tài sản, một loại dịch vụ đầy tính rủi ro với lãi suất cao.


Trụ sở của công ty bảo hiểm Anbang

Trụ sở của công ty bảo hiểm Anbang

Với dòng tiền khủng trong tay, các tập đoàn lớn này bắt đầu hướng ra những thương vụ ngoài Trung Quốc, nhất là khi được chính quyền Bắc Kinh khuyến khích. Số liệu của Dealogic cho thấy trong vòng 5 năm qua, các tập đoàn Wanda, Anbang, HNA và Fosun đã thực hiện 41 tỷ USD các thương vụ mua bán, sáp nhập (M&A) trên thế giới.

Hậu quả của những vụ chi tiêu khủng này là tỷ lệ tín dụng của Trung Quốc tăng mạnh. Năm 2011, tỷ lệ tín dụng của các doanh nghiệp tư nhân phi tài chính là khoảng 120% GDP. Hiện nay, con số này đã đạt 166% GDP.

Giáo sư Minxin Pei của trường Claremont McKenna cho biết chính quyền Bắc Kinh đóng vai trò then chốt trong các giao dịch trên và phần lớn các doanh nghiệp phải vay nợ để có thể thực hiện những thương vụ M&A khổng lồ trên.

Năm 2015, tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc chững lại và tình hình trở nên khác trước. Trung Quốc từ một vị thế tìm kiếm kênh đầu tư cho dòng vốn nước ngoài đổ vào đất nước thì nay lại đang phải tìm cách ngăn chặn dòng tiền tháo chạy khỏi thị trường. Thậm chí, chính quyền Bắc Kinh đã phải can thiệp để giữ tỷ giá đồng Nhân dân tệ không bị biến động quá lớn.

Như một hệ quả tất yếu, các quan chức chính phủ bắt đầu phải soi xét kỹ hơn đối với những thỏa thuận đầu tư nước ngoài thay vì khuyến khích các tập đoàn đầu tư bừa bãi như trước. Tháng 12/2016, chính phủ Trung Quốc đã ra một tuyên bố hiếm hoi cảnh báo về các khoản đầu tư không hợp lý cho thị trường bất động sản, giải trí và thể thao ở nước ngoài.

Điều trớ trêu là một số hoạt động đầu tư của các tập đoàn lớn lại trùng hợp với các thông báo này.

Năm 2016, tập đoàn Wanda đã chi 3,5 tỷ USD để mua lại nhà sản xuất Legendary Entertainment, nơi cho ra đời những bộ phim bom tấn như “300”, "Godzilla", "Warcraft" và "The Great Wall".

Trong khi đó, hãng Fosun mua lại đội bóng Wolverhampton Wanderers ở Anh. Đây chỉ là một trong số nhiều thương vụ mua lại đội bóng của các tỷ phú Trung Quốc khi hàng loạt các tên tuổi lớn như AC Milan, Inter Milan hay FC Sochaux đã nhận tiền từ nhà đầu tư Châu Á này.

Không chịu kém cạnh, tập đoàn Anbang cũng tham gia đấu giá mua lại chuỗi khách sạn Starwood. Mặc dù cuối cùng hãng phải bỏ cuộc và thua về tay Marriott với giá 13 tỷ USD nhưng điều này cho thấy tham vọng của Anbang không hề nhỏ.


Máy bay của hãng HNA

Máy bay của hãng HNA

Săn “Tê giác xám”

Trong những tháng gần đây, việc Đại hội Đảng toàn quốc của Trung Quốc sắp diễn ra đã khiến các quan chức giám sát khá chặt chẽ các dự án đầu tư nhằm đảm bảo ưu tiên sự ổn định trên thị trường và trong nền kinh tế.

Chính điều này cũng khiến tiến trình thâu tóm các công ty nước ngoài của những “Tế giác xám” có dấu hiệu chững lại. Fosun đã gần như dừng hoàn toàn các chương trình M&A trong khi HNA đã giảm tốc độ thâu tóm. Bất chấp những lời đồn đoán, cả 2 công ty trên đều cho biết tình hình tài chính của họ vô cùng ổn định.

Vào tháng 7 vừa qua, Wanda tuyên bố sẽ bán 9,3 tỷ khách sạn và công viên giải trí cho công ty bất động sản Sunac China. Thế nhưng sau đó Wanda bị buộc phải hủy bỏ quyết định ban đầu để chia tách tài sản này làm 2 và bán cho cả Sunac lẫn 1 công ty khác là R & F Properties.

Thậm chí Chủ tịch Wang Jianlin của tập đoàn Wanda cũng phải thừa nhận mọi người đang quan tâm nhiều đến tình hình nợ nần của công ty.

Đầu tháng 5 vừa qua, các nhà chức trách ngành bảo hiểm Trung Quốc đã yêu cầu ngừng bán 2 dịch vụ đầu tư của công ty Anbang do lo ngại tình trạng tăng trưởng quá nóng. Mặc dù Anbang tuyên bố hoạt động kinh doanh của tập đoàn vẫn bình thường nhưng việc vị chủ tịch lâu năm của hãng bị giam giữ dù chưa bị truy tố với bất kỳ tội danh nào cũng đã khiến nhà đầu tư lo lắng.

Hiện nay, vấn đề mà các Tê giác xám của Trung Quốc đang phải đối mặt là liệu họ có thể quản lý các thương vụ M&A với mức giá cao bất hợp lý nhằm kiếm đủ lợi nhuận thanh toán cho đống nợ khổng lồ của mình hay không.

BT

Cùng chuyên mục
XEM