Những con số và những dòng tin – Chúng ảnh hưởng đến nhận thức thế nào?

15/02/2019 16:12 PM | Kinh doanh

Bạn nghĩ sao nếu như nhà sản xuất khẳng định rằng "Sản phẩm của chúng tôi có tỷ lệ thành công khi thử nghiệm là 99,9%"?. Chà, một tỷ lệ cao đấy! Nhưng hệ điều hành Windows 7 có 50 triệu dòng code, với 99,9% thành công thì vẫn có 50.000 dòng code bị lỗi. Máy bay Boeing 777 được sản xuất với ba triệu chi tiết, và 3.000 chi tiết bị lỗi nếu như tỷ lệ thành công là 99,9%.

Chúng tôi xin giới thiệu bài viết "Những con số và những dòng tin – Chúng ảnh hưởng đến nhận thức thế nào?" của tác giả Mai Đức. Mời độc giả đón đọc.


Hồi mới sang Hong Kong, tôi có dịp gặp gỡ với nhóm sinh viên quốc tế đang tham gia chương trình trao đổi tại Đại học Hong Kong (HKU). Khi tôi vừa giới thiệu rằng mình là người Việt Nam và đã từng học A-level ở Anh, ngay lập tức một nữ sinh người Anh gốc Việt hỏi: "Để tôi đoán xem nào: Bạn học các môn Toán, Hóa, Vật Lý và Kinh Tế phải không?". Tôi cảm thấy khá bất ngờ khi đến giờ này, vẫn có những người có một định kiến sai lầm về người châu Á như vậy – rằng đã là học sinh châu Á thì chắc chắn phải giỏi các môn Tự nhiên.

Bài viết này sẽ chỉ ra những cách mà truyền thông, báo chí và sách vở làm ảnh hưởng đến nhận thức của chúng ta (một cách tích cực và tiêu cực). Nó cũng cung cấp một số giải pháp đơn giản để mọi người có thể xây dựng một nếp suy nghĩ khách quan, dựa vào thực tế và không bị ảnh hưởng bởi định kiến.


Thận trọng với những con số đứng một mình

Những con số có một sức mạnh phi thường. Việc kêu gọi đầu tư sẽ không hiệu quả nếu bạn không cho nhà đầu tư biết mình cần bao nhiêu tiền. Cũng như việc nâng cao nhận thức về tác hại của thuốc lá sẽ vô nghĩa nếu như bạn không chỉ ra có bao nhiêu người chết vì nó mỗi năm.

Tuy nhiên, điều nguy hiểm xảy ra khi những con số đứng một mình. Hãy tưởng tượng bạn là thành viên Hội đồng Quản trị của một công ty, và mới nhận được báo cáo tài chính của năm với số lãi sau thuế 100 tỷ đồng. Đây có phải là một mức lợi nhuận "lớn", nó là một thành quả đáng khen hay đáng chê của công ty?

Bạn sẽ không thể trả lời nếu như không so sánh con số 100 tỷ đồng với những con số khác, ví dụ lợi nhuận công ty của các năm trước hay lợi nhuận của các công ty đối thủ. Tương tự, bạn không thể đánh giá việc xây dựng một bảo tàng công với chi phí 500 tỷ đồng là lãng phí, nếu như không xem xét việc xây dựng một bảo tàng quy mô tương tự ở thành phố, quốc gia khác tốn bao nhiêu.

Những con số cô đơn không nói lên được nhiều điều, hãy tìm cho chúng những người bạn đồng hành!


Thận trọng với những ví dụ cực đại

Việc báo chí đăng tin tức nhiều về một sự kiện hay xu hướng, ví dụ các vụ rơi máy bay và các vụ tài xế nữ đạp nhầm chân ga gây tai nạn chết người, không có nghĩa điều đó đang xảy ra thường xuyên hơn. Chọn lọc những tin tức nóng hổi và hấp dẫn từ lâu đã là cách để các trang báo cạnh tranh lẫn nhau và thu hút người đọc.

Ví dụ, từ khóa "rơi máy bay" dẫn đến 203 kết quả trên thanh công cụ tìm kiếm của VnExpress, nhưng từ khóa "ngành hàng không" chỉ dẫn đến 34 kết quả. Hãy dựa vào số liệu để dẫn dắt suy nghĩ của bạn. Thực tế, số liệu đã chỉ ra rằng khả năng chết vì tai nạn máy bay thấp hơn rất nhiều các nguyên nhân khác, như bị cá mập ăn thịt, tai nạn giao thông hay đột quỵ.

Tại Mỹ năm 2016, khả năng chết vì ngã cao gấp 1,700 lần chết vì tai nạn máy bay. Nhưng hãy tưởng tượng hai vụ việc sau đây, mỗi vụ việc đều khiến một người chết: "Nam thanh niên chết vì ngã cầu thang từ tầng ba" và "Máy bay trực thăng quân sự rơi làm một phi công thiệt mạng". Tin tức nào khả năng cao sẽ được đăng lên báo?

Những con số và những dòng tin – Chúng ảnh hưởng đến nhận thức thế nào?  - Ảnh 2.


Thận trọng với cách thể hiện từ ngữ

Diễn đạt từ ngữ là một cách rất phổ biến để các nhà tiếp thị thuyết phục bạn mua sản phẩm, và để các nhà báo nhấn mạnh một điều gì đó hơn mức bình thường. Bạn nghĩ sao nếu như nhà sản xuất khẳng định rằng "Sản phẩm của chúng tôi có tỷ lệ thành công khi thử nghiệm là 99,9%"?. Chà, một tỷ lệ cao đấy!

Nhưng hệ điều hành Windows 7 có 50 triệu dòng code, với 99,9% thành công thì vẫn có 50.000 dòng code bị lỗi. Máy bay Boeing 777 được sản xuất với ba triệu chi tiết, và 3.000 chi tiết bị lỗi nếu như tỷ lệ thành công là 99,9%. Một chiếc xe hơi thử nghiệm chống va đập 10.000 lần, nếu chỉ 99,9% số lần thành công thì có nghĩa vẫn có một lần thất bại. Và biết đâu nó là chiếc xe bạn đang chạy.

Một ví dụ thực tế khác. Một cách diễn đạt phổ biến của báo chí đó là "hàng nghìn", "hàng trăm nghìn" hay "hàng triệu". "Hàng nghìn người tham gia sự kiện tình nguyện đầu tuần này" – Nhưng cụ thể nó là bao nhiêu, 9.000 người và 1.000 người là hai con số hơn kém nhau rất nhiều! Đây không phải là một cách diễn đạt sai trái gì, nhưng hãy bình tĩnh và phân tích kỹ những từ ngữ của một bài báo trước khi đánh giá điều gì từ nó.


Thận trọng với cảm xúc cá nhân

Cảm xúc cá nhân là kẻ thù số một làm trật bánh suy nghĩ logic và sự tỉnh táo. Hãy lấy ví dụ: Có hai bài báo cùng kêu gọi sự đóng góp một triệu đồng – Một cho một con gấu bị thương và một cho một khu bảo tồn hoang dã. Bạn sẽ chọn phương án nào?

Cảm xúc sẽ khiến nhiều người chọn phương án cứu con gấu. Nhưng khi đóng góp tiền cho một khu bảo tồn hoang dã, bạn có thể cứu được rất nhiều con gấu và động vật hoang dã khác. Khi được quản lý bởi một tổ chức chuyên nghiệp thay vì một số cá nhân nghiệp dư, ngân sách có khả năng được chi tiêu hiệu quả hơn (hy vọng là vậy!).


Thận trọng với những tin tức tiêu cực

Tin tức tích cực (xe khách của hãng A đi từ B đến C đã đến trạm an toàn ba giờ sau khi khởi hành…) thường nhàm chán hơn tin tức tiêu cực (xe khách của hãng A bị CSGT dừng xe kiểm tra và bị phát hiện buôn lậu đồ lót…). Và bởi vì thu hút người đọc là nhiệm vụ hàng đầu của báo chí, họ thường ưu tiên tin tức tiêu cực.

Giống như ví dụ cực đại, tin tức tiêu cực không phản ánh tính thường xuyên của một xu hướng. Khi nhắc đến môi trường làm việc tại Nhật Bản, chúng ta thường nghĩ đến sự căng thẳng quá mức, làm việc tới khuya và những vụ tự tử vì làm việc quá sức. Thực tế cho thấy, tỷ lệ tự tử đã giảm liên tiếp từ năm 2009 – 2017 tại Nhật Bản. Số liệu của WHO năm 2016 cho thấy tỷ lệ tự tử của Nhật Bản đứng 30 thế giới, chính vì thế nhận định "Tỷ lệ tự tử của Nhật Bản cao hàng đầu thế giới" là hoàn toàn sai, ít nhất là ở thời điểm hiện tại.


Thận trọng với sự dễ dãi trong suy nghĩ

Sự dễ dãi trong suy nghĩ được hình thành khi bộ não của chúng ta lười suy nghĩ và muốn biến những câu chuyện phức tạp thành những ý tưởng đơn giản, dễ hiểu. Trong cuốn sách Factfulness, cố giáo sư Hans Rosling đã cho rằng việc chia thế giới thành hai thái cực "các quốc gia phương Đông và phương Tây" hay "các quốc gia đang phát triển và phát triển" không còn phù hợp ở thời điểm hiện tại. Hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ có quá nhiều mức thu nhập, nên việc chia chúng thành hai nhóm là hoàn toàn vô lý.

Về mặt vị trí địa lý, Nhật Bản nằm ở châu Á nhưng có được coi là một "quốc gia phương Đông" theo nghĩa kinh tế? Mexico và Venezuela có được coi là một "quốc gia phương Tây" theo nghĩa kinh tế? Bên cạnh đó, sự dễ dãi trong suy nghĩ còn dẫn đến những định kiến không mong muốn. Tất cả những người dân nước này đều hành xử theo cách này hay cách kia là một ví dụ điển hình, như suy nghĩ của cô bạn người Anh kia.

Nguyễn Mai Đức

Cùng chuyên mục
XEM