Những con đập trên dòng MêKông: Người nghèo phải trả giá cho người giàu (P3)

22/03/2016 09:19 AM | Kinh tế vĩ mô

Phần 3: Người nghèo phải hy sinh cho người giàu

Đối với gần 70 triệu người sống dọc khu vực sông Mêkông, con sông dài 4.350 km này là nguồn sống. Họ sống nhờ vào nguồn nước uống, cá và thực phẩm mà dòng sông cung cấp. Thế nhưng đối với các chính phủ, Mêkông là một nguồn lợi nhuận, nguồn cung cấp năng lượng dồi dào để phục vụ cho người dân và để kinh doanh.

Sản lượng gạo sẽ giảm 15 - 25%

Số liệu từ International River Network cho thấy, mực nước trung bình của sông Mekong đã giảm 10% trong 30 năm qua bởi quá nhiều con đập đã được xây lên. Chuyên gia của tổ chức này đánh giá, chưa bao giờ trong lịch sử tồn tại của mình mà sông Mekong phải đối diện với nhiều thách thức đến như vậy.

Những nông dân Lào sống bao nhiêu năm với nghề trồng lúa phải đối diện với cuộc sống ngày một khó khăn hơn. Anh Saisamone Vongkhely, một nông dân trong gia đình nhà nông đã sống nhiều đời bên sông Mêkông, mệt mỏi cho biết: “Tôi đã mất đến 2/3 vụ lúa vì quá ít nước. Môi sinh thay đổi, có nhiều con côn trùng mà tôi chưa từng thấy trong đời đã xuất hiện.”

Với tình hình hiện tại, nhiều nhà khoa học, trong đó có ông Chanthakhome Boualaphanh tại Oxfam, dự báo sẽ không lâu nữa sản lượng gạo của khu vực đồng bằng sông Mekong sẽ giảm khoảng từ 15 - 25%, gây ra khủng hoảng lương thực cho hàng triệu người.

Dự án nhà máy thủy điện Don Sahong có công suất 260MW là dự án có quy mô lớn nhất của Lào. Nhà máy này chỉ nằm cách biên giới Campuchia khoảng 2 kilomet. Khi biết Lào có kế hoạch xây dựng nhà máy này, Campuchia đã phản đối kịch liệt, với lý do nhà máy đó sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn cung cấp thức ăn cho Campuchia. Đáp lại, Phó Thủ tướng Lào Somsavat Lengsavad khẳng định, đập thủy điện của Lào sẽ chỉ tiêu thụ khoảng 15% nước của Mekong.

"Người dân Phnom Peng được dùng điện giá rẻ, nhưng hàng triệu người nông dân sẽ phải trả giá rất đắt"

Campuchia, một đất nước vốn được coi như nạn nhân trong các cuộc tranh cãi với Lào về vấn đề thủy điện, thực ra cũng đang tranh giành nguồn lợi từ sông Mekong. Campuchia cũng đang có kế hoạch xây đến 40 đập thủy điện trên sông Mekong.

Trong số hơn 100 con đập được xây dựng trên dòng Mekong chảy qua địa phận của Lào, Campuchia, Thái Lan và Việt Nam, con đập mang tên Lower Sesan 2 có khả năng gây hại đến môi trường sinh thái nhiều nhất. Lượng cá đến hạ nguồn qua những con đập của Campuchia có thể giảm đến 10%.

Theo ông Bunthan Phou, giám đốc hệ thống bảo vệ sông ngòi 3S Rivers, hiện đang đấu tranh cho quyền lợi của khoảng 100 ngôi làng dự kiến sẽ bị ngập bởi hệ thống đập của Campuchia, cho rằng Campuchia đang xây quá nhiều đập.

“Những người ở thủ đô Phnom Peng sẽ được dùng điện giá rẻ, nhưng hàng triệu người nông dân ở đây sẽ phải trả giá rất đắt. Dòng sông sẽ phải gánh chịu cho những tác hại tồi tệ, không nên bắt người nghèo phải trả giá cho người giàu”, ông Bunthan Phou nói.

Khi xây dựng thủy điện, chính phủ cũng đã lên nhiều kế hoạch xây nhà tái định cư cho người dân. Nhưng ở nơi nào cũng vậy, khi chỗ định cư đi kèm với sinh kế, thì mất đi họ cũng sẽ không còn gì để sống.

Tổ chức Licadho chuyên đấu tranh về nhân quyền tại Campuchia khẳng định, các hoạt động thu hồi đất phục vụ cho các dự án thủy điện đã buộc ít nhất 700 nghìn người Campuchia bị đuổi khỏi mảnh đất mà bao đời nay họ sinh sống và không nhận được bất kỳ một đồng tiền đền bù nào.

Giữa năm 2015, ông Leng Ouch, người đứng đầu một trong những cơ quan điều tra về môi trường tại Campuchia, khẳng định môi sinh xung quanh lưu vực sông Mekong đang bị hủy hoại tồi tệ, hàng trăm nghìn hecta rừng bị phá hủy còn người dân thì bị đuổi khỏi những khu vực gần sông để lấy đất cho các dự án thủy điện.

Theo Oxfam, trải nghiệm chán nản của những người nông dân đã chuyển vào nhà cho chính phủ cung cấp khiến không còn ai muốn rời khu vực gần sông Mê Kông để lên núi sống nữa. Người của Oxfam đã phát hiện ra hàng nghìn căn nhà chỉ có một tầng được xây dựng. Đường vào thậm chí không được hoàn thành với đầy bùn đất ngập ngụa xung quanh. Điện không có, còn nước thỉnh thoảng mới được cung cấp.

“Trần nhà dột tứ tung. Cửa toa lét hỏng. Không có nước sạch để sinh hoạt. Còn tiền chính phủ cấp cho quá ít”, anh Tous Sou, một nông dân Campuchia thuộc diện tái định cư chia sẻ. Anh cho biết chính phủ hiện đang cho gia đình anh mỗi ngày 2,40 USD và tất nhiên số tiền đó không thể đủ để anh nuôi sống gia đình.

Nhà chức trách hứa cho gia đình 5 hecta đất nhưng cũng không có một ai nói với gia đình anh rằng khoảng đất đó ở đâu. Chính vì vậy nhiều gia đình lại muốn trốn để được sống bên dòng Mekong, nơi họ có thể đánh cá và trồng trọt kiếm sống.

Ngọc Thanh

Cùng chuyên mục
XEM