Những chiếc xe không người lái chỉ xuất hiện trong phim viễn tưởng, giờ đây sắp trở thành hiện thực

10/04/2016 08:26 AM | Công nghệ

Mặc dù gần đây rất nhiều những hãng xe lớn đã lần lượt giới thiệu về các mẫu xe tự điều khiển của mình và thậm chí chúng đã được đưa ra chạy thử trên đường giao thông công cộng. Nhưng liệu chúng ta có thực sự đang gần với tương lai "không cần phải lái xe" như thế?

Những chiếc xe hơi "không người lái" trước đây chỉ có thể xuất hiện trong các bộ phim khoa học viễn tưởng nhưng giờ đây nó đã trở thành hiện thực với những tên tuổi "tầm cỡ" như Lexus, BMW và Mercedes, thực tế những chiếc xe tự điều khiển của Tesla đã được đưa tới chạy thử tại Anh, Google cũng đang phát triển công nghệ đó và Apple được cho rằng đang hợp tác với BMW về vấn đề này.

Công nghệ xe hơi tự lái hoàn toàn vẫn đang trong quá trình thử nghiệm, nhưng công nghệ tự động từng phần đã xuất hiện từ vài năm trước, ví dụ như tính năng đỗ xe tự động hoặc điều khiển từ xa của BMW 7 Series.


Công nghệ đỗ xe tự động, một phần của những chiếc xe tự lái, không còn quá mới lạ.

Công nghệ đỗ xe tự động, một phần của những chiếc xe tự lái, không còn quá mới lạ.

Công nghệ này cũng đang nhận được sự đầu tư rất lớn trên toàn cầu, đặc biệt là ở Anh. Vào năm ngoái, ngay sau khi chính phủ thông qua những luật lệ về việc chạy thử phương tiện tự điều khiển trên đường thì đã xuất hiện một khoản đầu tư chưa từng có dành cho công nghệ này trị giá 20 triệu bảng.

Với mức đầu tư và sự quan tâm như vậy, dường như những chiếc xe này đang tới rất gần với người dùng. Tuy nhiên thực tế không phải vậy bởi những nhà sản xuất vẫn còn gặp rất nhiều các thách thức cả về mặt kỹ thuật và đạo đức từ chính con người.

Chiếc xe tự điều khiển đến từ Google

Chiếc xe này của Google sẽ được trang bị tới 8 bộ cảm biến nhằm tương tác với thế giới xung quanh.

Trong đó đáng chú ý nhất là bộ đo laser xoay tròn nằm trên nóc xe - một camera sử dụng chuỗi từ 32 tới 64 tia laser để đo khoảng cách của các vật thể xung quanh, từ đó xây dựng một bản đồ 3D với khoảng cách 200m, giúp chiếc xe có thể "nhìn thấy" các chướng ngại vật.

Ngoài ra chiếc xe còn có một camera tiêu chuẩn khác, "nhìn" thẳng qua kính chắn gió phía trước, giúp phát hiện các chướng ngại vật ở gần như người đi bộ, đi xe đạp hay những ô tô khác, đồng thời đọc các biển báo và đèn giao thông. Với xe máy, radar gắn tại cản trước và sau của xe kết hợp với hệ thống kiểm soát hành trình thông minh để nắm bắt tình hình.


Xe tự lái của Google.

Xe tự lái của Google.

Về phần ngoài, chiếc xe có một ăng-ten định vị gắn phía sau giúp thu nhận các thông tin về vị trí địa lý từ những vệ tinh GPS, và một bộ cảm biến siêu âm nằm trên một trong hai bánh sau giúp giám sát chuyển động của xe.

Ở bên trong, chiếc xe có cao độ kế, con quay và một tốc độ kế nhằm đưa ra những tính toán chuẩn xác hơn về vị trí của xe. Điều này giúp chiếc xe có được những thông tin với độ chính xác cao để vận hành một cách an toàn.

Camera của chiếc xe còn gặp nhiều hạn chế như ảnh hưởng bởi ánh sáng mặt trời, điều kiện thời tiết xấu hay đèn giao thông, chính vì thế lựa chọn phân tích các điểm ảnh có thể tạo nên sự khác biệt về sự an toàn và nguy hiểm của chuyến đi.

Cần kết nối những chiếc xe lại với nhau

Nhiều người trong đó có Christoph Reifenrath - quản lý cấp cao trong tiếp thị công nghệ của bộ phận thông tin giải trí Harman cho rằng cần có một sự kết nối giữa những chiếc ô tô với cơ sở hạ tầng giao thông để có thể hỗ trợ cho việc lưu hành phương tiện tự điều khiển.

Ngành công nghiệp ô tô Đức là một trong những người ủng hộ mạnh mẽ nhất cho việc này. Đầu tuần vừa rồi, các nhà sản xuất bao gồm Daimler, BMW và Audi đã chi trả 3,1 tỉ USD (tương đương 68 nghìn tỉ đồng) cho dịch vụ bản đồ mang tên Here của Nokia nhằm tạo nền tảng cho việc kết nối các xe hơi lại với nhau.


Here Maps, nền tảng bản đồ đang được các hãng xe Đức chia sẻ.

Here Maps, nền tảng bản đồ đang được các hãng xe Đức chia sẻ.

Các tập đoàn đã đưa ra một tuyên bố chung: "Việc này sẽ tạo nền móng cho các dịch vụ tiếp theo về di động và định vị, đồng thời là cơ sở cho các hệ thống hỗ trợ khác cùng với việc hoàn thành công nghệ lái xe hoàn toàn tự khiển. Bản đồ kỹ thuật số cực kì chính xác sẽ được sử dụng kết hợp với dữ liệu xe trong thời gian thực nhằm tăng tính an toàn đường bộ."

Những hệ thống này sẽ được thiết lập trong tất cả các loại xe bởi những phương tiện cấp cứu như xe cứu thương và xe cảnh sát sẽ luôn cần sự điều khiển của con người, vì thế chúng cũng cần phải được kết nối với những xe tự điều khiển khác xung quanh.

Vấn đề với con người

Mặc dù những chiếc xe tự điều khiển sẽ cần phải có một hệ thống cơ sở hạ tầng tốt hơn nữa để có thể vận hành hiệu quả, nhưng chúng vẫn phải đối mặt với một yếu tố khó lường đó chính là con người. Những hành vi không thể đoán trước được của con người thực sự là một thách thức lớn đối với công nghệ này.

Chiếc xe tự điều khiển của Google đã gặp phải một tai nạn đầu tiên do lỗi của con người. Chiếc xe đó đã bị đâm từ phía sau khi đang dừng đèn đỏ và may mắn là chỉ một vài hành khách bị thương tích nhẹ.

Mặc dù sở hữu những hệ thống hết sức tinh vi nhưng những chiếc xe tự điều khiển này không thể tránh khỏi những lỗi đường bộ do chính con người tạo ra. Và vụ việc xảy ra với chiếc xe tự điều khiển của Google như một nhắc nhở về rào cản lớn nhất của công nghệ "không người lái" này.

Thành NT

Cùng chuyên mục
XEM