Những chiếc xe biết bay sắp trở thành hiện thực

06/05/2017 09:02 AM | Xã hội

Một công ty ở Đức đã hoàn thành một bài kiểm tra bay thử, còn Uber hứa hẹn sẽ cho ra mắt một nguyên mẫu xe bay vào năm 2020.

“Bạn có thể cười, nhưng nó sẽ xảy ra.” Henry Ford đã nói như vậy vào năm 1940 khi ông dự đoán sự xuất hiện của một chiếc máy nửa ô tô nửa máy bay. Trong nhiều thập kỷ, những chiếc xe bay đã ám ảnh các kỹ sư công nghệ nhưng chúng vượt quá tầm hiểu biết của họ.

Cuối cùng thì cũng có cơ sở để tin tưởng vào sự ra đời của những chiếc xe đặc biệt này, khi nhiều công ty tiếp thêm hy vọng rằng việc con người sử dụng chúng để thực hiện những chuyến bay ngắn có thể trở thành hiện thực trong thập kỷ tới. Chúng không phải là ô tô, vì hầu hết không phù hợp để lái trên mặt đất. Những phương tiện nhỏ này, có thể bay và hạ cánh theo chiều thẳng đứng, giống như phiên bản yên tĩnh hơn của những chiếc trực thăng.

Một nguyên mẫu của chiếc máy bay nhỏ chạy bằng điện có khả năng đạt vận tốc 300 km/h, được chế tạo bởi Lilium - một công ty startup của Đức, đã thực hiện thành công một bài kiểm tra ở Bavaria vào ngày 20/4. Lilium đang bắt đầu nghiên cứu một phương tiện 5 chỗ ngồi và hy vọng sẽ cung cấp dịch vụ ride-hailing (gọi xe đến chở) trong tương lai gần.

Volocopter 2X

Một công ty khác của Đức, e-volo, đã thử nghiệm một chiếc xe bay trong nhiều năm. Gần đây, công ty này gây sự chú ý bằng phiên bản thứ 2 của chiếc Volocopter chạy bằng điện. Phiên bản này có thể được cấp chứng nhận bay sớm nhất là vào năm tới.

Có ít nhất hàng tá công ty thử nghiệm chế tạo những chiếc xe nhỏ biết bay với những hình dáng khác nhau, trong đó có Airbus, một ông lớn của ngành hàng không vũ trụ, hợp tác với Italdesign Giugiaro, một nhánh của Volkswagen – một nhà sản xuất ô tô.

Nhiều công ty có kế hoạch để cho các phi công có chứng nhận bay điều khiển những chiếc xe đặc biệt này trong thời gian đầu. Sau đó, họ sẽ chuyển sang cơ chế bay tự động khi các quy định cho phép. Những phương tiện bay có hình dáng của xe máy cũng đang được nghiên cứu chế tạo.

Bất kể nhà sản xuất nào cho ra mắt sản phẩm đầu tiên, thì Uber cũng muốn trở thành trung tâm của sự chú ý. Vào ngày 25/4, công ty này tổ chức một sự kiện tại Dallas để thông báo kế hoạch về dịch vụ mà khách hàng có thể gọi một chiếc xe điện có khả năng cất cánh và hạ cánh theo chiều thẳng đứng đến chở họ. Những chiếc xe đặc biệt này có thể bay nhanh đến các địa điểm mà khách hàng mong muốn mà không mất hàng giờ liền vì kẹt xe.

Uber không muốn tự xây dựng những chiếc xe bay và bề mặt cất (hạ) cánh giống như việc họ không sở hữu bất cứ chiếc xe ô tô nào cả. Thay vào đó, Uber có kế hoạch hợp tác với các công ty khác. Tuy nhiên, Jeff Holden, giám đốc sản phẩm của Uber, không loại trừ khả năng công ty của ông có thể sẽ sở hữu một số xe bay này, với giá ước tính khoảng 1 triệu USD/chiếc.

Uber dự định sẽ có mẫu thử nghiệm dịch vụ xe bay vào năm 2020. Dịch vụ này sẽ ra mắt đầu tiên ở Dallas và Dubai, vì 2 thành phố là nơi các nhà chức trách có chuyên môn sâu rộng về hàng không và nơi con người đi làm đường dài. Uber hứa hẹn một cách lạc quan rằng chi phí cho mỗi dặm bay của hành khách sẽ xấp xỉ giá của dịch vụ xe hơi giá rẻ của họ, UberX.

Ngoài vấn đề về trọng lực, có rất nhiều thách thức đang chờ đón những nhà sản xuất và cung cấp dịch vụ như Uber. Đối với các mô hình chạy bằng ắc-quy, phạm vi bay còn hạn chế và tốc độ sạc còn chậm. Ngoài ra, các nhà sản xuất sẽ cần đảm bảo rằng các phương tiện này có thể cất cánh và hạ cánh một cách yên lặng nếu hình thức vận chuyển mới này muốn có cơ hội tồn tại ở các thành phố.

Một vấn đề khác là làm thế nào để giám sát và cấp phép cho loại xe mới này (có những quy tắc khắt khe hơn so với ô tô). Đây hứa hẹn sẽ là một chủ đề tranh luận gay gắt giữa các nhà hoạch định chính sách, những có xu hướng hành động chậm rãi và gần đây mới hiểu được về drone. Cuối cùng, những người lái xe bay cũng cần có giấy phép của phi công, mặc dù đó chỉ có thể là một giấy phép “thể thao” đơn giản. Cuộc hành trình sắp tới để đưa những chiếc xe bay vào trong thực tiễn sẽ là một cuộc hành trình rất dài.

K Nguyễn

Cùng chuyên mục
XEM