Những chiếc máy giặt "made in Vietnam" và trò chơi mèo vờn chuột trong thương mại Mỹ - châu Á

24/01/2018 13:48 PM | Xã hội

Trò chơi "mèo vờn chuột" đã kéo dài nhiều năm nay giữa giới chức Mỹ và các nhà sản xuất Hàn Quốc như LG Electronics và Samsung Electronics.

Hôm qua (23/1), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có "đòn đánh" đầu tiên trên mặt trận thương mại khi bất ngờ đánh thuế hai mặt hàng nhập khẩu là tấm pin năng lượng mặt trời và máy giặt. Vì châu Á là khu vực xuất khẩu nhiều thiết bị năng lượng mặt trời và máy giặt nhiều nhất vào Mỹ, có thể nói ông Trump đang nhắm thẳng vào châu Á. Tuy nhiên, cần nhớ rằng lệnh của ông Trump là đánh thuế vào hàng hóa nhập khẩu từ bất cứ nước nào.

Tại sao lại như vậy? Tại sao ông Trump không "chỉ mặt đặt tên" các nước cụ thể mà lại đưa ra loại thuế áp dụng với toàn cầu?

Theo tài liệu từ Văn phòng đại diện thương mại Mỹ USTR, năm 2011, công ty Mỹ Whirlpool buộc tội 2 công ty châu Á bán phá giá những chiếc máy giặt được sản xuất tại Hàn Quốc và Mexico ở thị trường Mỹ. Vụ kiện này kéo theo động thái năm 2013 Bộ Thương mại Mỹ đưa ra thuế chống bán phá giá. Tuy nhiên sau khi có thuế này thì phần lớn hoạt động sản xuất lại được chuyển sang Trung Quốc.

Năm 2015, Mỹ lại đưa ra loại thuế chống bán phá giá mới nhắm vào Trung Quốc. Và lần này các công ty lại chuyển sang sản xuất máy giặt ở Việt Nam và Thái Lan. 2 năm qua Việt Nam và Thái Lan đã lần lượt trở thành nước xuất khẩu máy giặt nhiều nhất vào thị trường Mỹ.

Những chiếc máy giặt made in Vietnam và trò chơi mèo vờn chuột trong thương mại Mỹ - châu Á - Ảnh 1.

Có lẽ ông Trump sắp đạt được mục đích tìm lại việc làm cho người Mỹ. Samsung mới đây vừa khai trương 1 nhà máy ở South Carolina với kế hoạch sản xuất 1 triệu chiếc trong năm 2018. LG thì đang xây dựng nhà máy ở bang Tennessee, dự định khai trương vào đầu năm 2019.

Tuy nhiên, mặc dù các loại thuế chủ yếu nhắm vào LG và Samsung, các nhà sản xuất ở những nước khác cũng bị ảnh hưởng. Công ty đến từ Thụy Điển Electrolux đang đặt nhà máy ở Mexico. BSH – tập đoàn của Đức đang bán các thiết bị gia dụng có nhãn hiệu Siemens và Bosch, sản xuất máy giặt cho thị trường Mỹ tại các nhà máy ở Đức và Ba Lan.

Hiệp hội các nhà sản xuất hàng điện tử Đức chỉ trích mạnh mẽ động thái mới của Mỹ. Theo các chuyên gia phân tích tại Kepler Cheuvreux, các loại thuế mới vừa được công bố "có thể gây ra tâm trạng chán nản thất vọng và khiến cho cả hai bên đều thua thiệt". "Đây không thể là một chính sách phục vụ lợi ích của ngành cũng như của người tiêu dùng", báo cáo của Kepler Cheuvreux viết.

Theo Thanh Thanh

Cùng chuyên mục
XEM