Những cánh cửa không định trước của TS Nguyễn Phương Mai: Toán, báo chí, giáo dục, kinh tế và thần kinh học

17/12/2018 19:04 PM | Kinh doanh

Từ một học sinh chuyên toán, Phương Mai học sư phạm, rồi ra trường lại bén duyên với viết lách. Làm báo được 10 năm, cô chuyển qua đi du học rồi học tiến sĩ một ngành về giáo dục. Sau đó, cô đi học về kinh tế. Mấy tháng trở lại đây, Phương Mai lại là sinh viên ngành… thần kinh học tại King's College University.

Khi bước vào mỗi lĩnh vực mới, Nguyễn Phương Mai cho rằng điều quan trọng là phải biết buông bỏ những thành tựu cũ.

Toán, báo chí, giáo dục, kinh tế và thần kinh học

Đó là những lĩnh vực mà Nguyễn Phương Mai đã học và tìm tòi trong mười mấy năm vừa qua.

Hồi cấp 3, Phương Mai học chuyên toán. Nhưng vì thích viết lách mà đến khi quyết định thi đại học, cô thi báo chí. Nhưng do mong muốn của gia đình mà rồi cô bỏ trường báo, thi lại sư phạm.

"Tuy nhiên, niềm đam mê của mình nó vẫn sống", TS Nguyễn Phương Mai kể lại. Học xong sư phạm, cô quyết định theo đuổi đam mê viết lách, rồi gắn bó với nghề báo đến 10 năm.

Những cánh cửa không định trước của TS Nguyễn Phương Mai: Toán, báo chí, giáo dục, kinh tế và thần kinh học - Ảnh 1.

Sau đó, khi ra nước ngoài học thạc sĩ, Phương Mai lại không chọn học báo chí mà một ngành về giáo dục. Nếu lần trước là gia đình, thì điều tạo nên ngã rẽ lần này của Phương Mai, là… tiếng sét ái tình.

"Lúc đó mình đang ở New York. Chàng trai (người Hà Lan) này khuyên mình là thôi đừng ở New York nữa, hãy trở về Hà Lan sống với tình yêu của anh.

Mình quyết định bỏ học bổng báo chí ở New York và quyết định thi một học bổng khác", Phương Mai kể, "Lúc đó không biết là học bổng gì, cứ lên mạng nộp hồ sơ thôi bởi vì… tình yêu làm cho mờ mắt mất rồi". Kết quả là cô thi một học bổng về giáo dục ở Hà Lan để được ở gần tình yêu.

Học ở Hà Lan xong, phát hiện ra ngành này… không tìm được việc, cô quyết định học lên tiến sĩ một ngành khác. Nhưng sau khi học xong thì lại một lần nữa không xin được việc (!).

Nên là cô lại đi học. Lần này cô chọn học về kinh tế và sau đó thì giảng dạy trong trường kinh tế, môn đàm phán đa văn hóa và lãnh đạo đa văn hóa. Hiện cô là Phó Giáo sư tại ĐH Kinh doanh quốc tế Amsterdam và ĐH Khoa học ứng dụng Amsterdam.

Nhưng Nguyễn Phương Mai chưa dừng lại. Sau rất nhiều sự dịch chuyển, bước vào nhiều lĩnh vực mới khác nhau, khi nhận thấy một trào lưu mới là dùng kiến thức về não bộ để xử lý những vấn đề trong cuộc sống, mấy tháng trở lại đây Phương Mai là sinh viên ngành thần kinh học tại King's College University.

Học tập và những cánh cửa không định trước

Đột ngột bỏ sư phạm để làm báo, rồi đột ngột bỏ báo để làm đi du học về giáo dục, rồi làm giảng viên đại học kinh tế, giờ lại học một ngành lạ hoắc là thần kinh học... nói về những ngã rẽ đã qua và con đường học tập của mình, Phương Mai đúc kết:

"Cái mà chúng ta học, đến từ nhiều lý do khác nhau. Đến từ mong muốn gia đình, tình yêu, đến từ việc nhìn nhận xu thế và bước đi của thời đại".

Và có lẽ trong thời đại mới, mỗi người nên luôn học những điều mới để thay đổi bản thân. Mỗi lựa chọn phía trước giống như một cánh cửa và chẳng biết sau cánh cửa đó gì, và những khả năng sắp tới mình có thể có được là gì. 

Những cánh cửa không định trước của TS Nguyễn Phương Mai: Toán, báo chí, giáo dục, kinh tế và thần kinh học - Ảnh 2.

Ảnh: Tuổi Trẻ

Để có thể bước vào những lĩnh vực mới, điều quan trọng, theo Nguyễn Phương Mai, là phải biết buông bỏ những thành tựu cũ của bản thân.

"Buông bỏ những gì chúng ta đang làm, hài lòng với những việc mà chúng ta đang làm, hài lòng với những kỹ năng mà chúng ta đang có… để có thể bước những bước đi mới.

Mặc dù không biết là đi đâu, mặc dù là khó ra sao, nhưng khả năng mà chúng ta có thể đem nó (những gì sẽ học được – PV) vào ứng dụng, tôi nghĩ đó là cái kỹ năng rất quan trọng cho mỗi con người trong thời đại này", Nguyễn Phương Mai nói.

"Thử thách trong thời đại mới là chúng ta phải thay đổi. Chúng ta phải vượt qua ranh giới của chính bản thân mình", cô đúc kết.

Dĩ nhiên, mỗi người có một quan điểm riêng với những lựa chọn cuộc đời, và không phải ai có thể lựa chọn tự do được như Nguyễn Phương Mai, vốn được cho là người "nổi loạn", cá tính.

Nhưng nhìn vào hành trình của TS Nguyễn Phương Mai, có lẽ nhiều người sẽ thoải mái hơn khi nghĩ về lựa chọn tiếp theo của cuộc đời mình. Ít ra chúng ta hiểu rằng trong thời đại mới, không ai phải bó buộc mình với cung đường quen thuộc: học cấp 3, học đại học rồi gắn bó suốt đời với một công việc cố định nữa. 

Và suy cho cùng, thì được học và được thử những điều mới, chẳng phải là rất thú vị hay sao?

Những cánh cửa không định trước của TS Nguyễn Phương Mai: Toán, báo chí, giáo dục, kinh tế và thần kinh học - Ảnh 3.

Nguyễn Phương Mai bắt đầu viết báo năm 15 tuối, xuất bản cuốn sách đầu tiên năm 17 tuổi, trở thành một trong những thư ký toà soạn trẻ nhất Việt Nam năm 24 tuổi. Chị đã đặt chân đến hơn 100 quốc gia, và xuất bản hai cuốn sách "Tôi là một con lừa" và "Con đường Hồi giáo".

Tại ĐH Kinh doanh quốc tế Amsterdam (AMSIB) và ĐH Khoa học ứng dụng Amsterdam, TS Nguyễn Phương Mai nghiên cứu và giảng dạy chuyên ngành quản trị xuyên văn hóa, quản trị đa dạng/thiên kiến/thay đổi, văn hóa doanh nghiệp châu Á, văn hóa Trung Đông và Hồi giáo, thương lượng, và thiết kế giảng dạy.

Hiện cô còn đang theo học khóa thạc sĩ ngành khoa học thần kinh ứng dụng tại King’s College – một trong viện nghiên cứu hàng đầu thế giới về khoa học thần kinh.

Thảo Thảo

Cùng chuyên mục
XEM