Những bức ảnh khoa học đẹp nhất năm 2017 do Hội nhiếp ảnh Hoàng Gia bình chọn

17/09/2017 17:16 PM | Công nghệ

Hội Nhiếp ảnh Hoàng Gia đã ghi nhận hơn 3500 tác phẩm nhiếp ảnh khoa học dự thi bitừ khắp nơi trên thế giới ở cả hai hạng mục chuyên nghiệp và nghiệp dư, từ đó chọn ra những bức ảnh khoa học ấn tượng nhất năm 2017.

Những tác phẩm dự thi cho người xem thấy sự tuyệt vời của khoa học. Không còn những công thức, hình ảnh khô khan, khó hiểu với người ngoại đạo, hơn 3500 tác phẩm tham dự cuộc thi ảnh do Hội Nhiếp ảnh Hoàng Gia tổ chức đã làm ngạc nhiên tất cả những người yêu khoa học.

Những tác phẩm chiến thắng phân bố ở rất nhiều hạng mục khoa học, đem lại những hình ảnh mới lạ, độc đáo, hiếm khi khán giả được chứng kiến trong đời thường, cảm giác vừa rờn rợn lại vừa thích thú.

Một lượng lớn tác phẩm ghi lại những hình ảnh sinh vật siêu vi, không thể nhìn được bằng mắt thường, phải sử dụng máy ảnh chuyên dụng để tác nghiệp. Dưới bàn tay nghệ sĩ của các nhiếp ảnh gia, thế giới vi sinh vật phức tạp, mờ ảo bỗng hiện lên một cách rực rỡ.

Cuộc thi đã thu hút đông đảo các tay máy yêu khoa học, sẵn sàng đầu tư thời gian và công sức để sáng tạo những bức hình độc - lạ - đẹp.

Thoáng nhìn người ta sẽ nghĩ đây là hình ảnh một chiếc hộp sọ sặc sỡ trong một lễ hội Halloween ở đâu đó, nhưng không, đây là bức ảnh khó tin chụp lại phần đầu của con sán dây trong thịt lợn.

Bộ phận trông giống đôi mắt kia thực chất là miệng hút của sán, nơi chúng hút chất dinh dưỡng từ vật chủ. Ngay phía dưới là hàm móc để sán bám chắc vào thành ruột non. Một con sán nếu xâm nhập vào ruột người, khi trưởng thành có thể đạt chiều dài từ 2 đến 3 mét. Bức ảnh được thực hiện bởi Teresa Zgoda, đạt giải Vàng.

Thoạt nhìn người xem sẽ tưởng bức ảnh chụp lại bề mặt da động vật cùng với chân lông hoặc vi sinh vật ký sinh. Nhưng thực tế, đây là bức ảnh chụp một "rừng" chân linh dương impala, loài động vật sinh trưởng ở vùng đồng cỏ châu Phi rộng lớn. Trong khung cảnh bụi tung mịt mù, vài đám cây bụi xác xơ lơ thơ phía sau, những đôi chân mảnh khảnh của đàn linh dương hiện ra một cách ấn tượng, khác hẳn với những gì chúng ta thường thấy.

Ở đôi chân sau một số cá thể linh dương, có thể thấy những nhúm lông đen ngay trên phần móng, đây là tuyến mùi hương chủ yếu có ở linh dương đực, được phát triển để hấp dẫn cá thể cái cũng như tạo sự liên kết trong bầy đàn. Bức ảnh do Morgan Trimble thực hiện, đạt giải Đồng.

Về chủ đề khoa học nghiên cứu, bức ảnh trên giới thiệu tới khán giả vẻ đẹp của máy dò Xenon1T, nơi các nhà khoa học đang cố gắng giải mã các bí ẩn về vật chất tối, loại vật chất được cho rằng chiếm tới 27% khối lượng vũ trụ, cũng như kiểm chứng các lý thuyết còn nhiều tranh cãi như lý thuyết siêu đối xứng. Bức ảnh do Enrico Sacchetti thực hiện, đạt giải Vàng.

Sẽ dễ dàng liên tưởng bức ảnh này với lễ hội thả đèn trời ở Trung Quốc. Thực tế, tác giả Jonathan Brett đã sử dụng 600 bức ảnh chụp võng mạc con người dưới nhiều điều kiện môi trường khác nhau, ghép chúng lại theo biểu đồ kiểm tra thị giác màu của bác sĩ Shinobu Ishihara. Tác phẩm đạt giải Bạc.

Tác phẩm kỳ ảo này ghi lại hình ảnh phóng đại cường độ cao của hợp chất lỏng trong que phát sáng, loại đồ chơi khi bạn bẻ cong nó sẽ phát quang trong bóng tối. Công thức những hợp chất trong que phát quang được phát triển từ nghiên cứu sọc vằn trên da động vật của nhà toán học Alan Turing. Bức ảnh do Ella Main thực hiện, đạt giải Vàng.

Còn rất nhiều những tác phẩm khoa học ấn tượng khác, các bạn có thể tìm theo từ khóa "Royal Photograhphic Society" trên google để thưởng thức. Thế giới khoa học sẽ luôn khiến bạn phải bất ngờ.

Theo HOGI SPIDERUM

Cùng chuyên mục
XEM