Những "bóng hồng" quyền lực trong giới tài chính - ngân hàng
Những "bóng hồng" quyền lực này không chỉ đảm nhận các chức vụ quan trọng nhất tại ngân hàng, mà nhiều nữ doanh nhân còn được xem là "linh hồn" tại nhà băng mà họ gắn bó, đóng góp lớn cho sự thành công và phát triển của toàn ngành.
Bà Thái Hương, Tổng Giám đốc Bac A Bank
Nhắc đến những "bóng hồng" quyền lực trong ngành ngân hàng không thể không nhắc đến bà Thái Hương, Phó Chủ tịch BacABank. Sinh ra và lớn lên tại huyện Đô Lương, Nghệ An, bà Hương từng lọt vào top 50 người phụ nữ "Quyền lực nhất châu Á" do Forbes bình chọn.
Ngoài việc là lãnh đạo của BacABank, bà Hương còn được biết đến với vai trò là người phụ nữ đứng đầu CTCP Thực phẩm sữa TH (TH True Milk). 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt hơn 646 tỉ đồng, tăng gần 11% so với cùng kì năm trước, bằng 70,2% so với kế hoạch cả năm.
Khi quyết định thôi chức Chủ tịch HĐQT TH True Milk để ở lại làm Tổng Giám đốc BacABank, bà Thái Hương nói rằng: "Chọn ngân hàng là điều rất đúng bởi nó cũng giống "vai" một nhà tư vấn, như vai trò của tôi từ ngày xưa. Tư vấn và cấp tín dụng thì tôi cũng rất yêu quý. Hai nghề đó không hề tách rời nhau."
Trong thư gửi cán bộ nhân viên nữ BacABank nhân ngày 20/10, bà Hương tâm niệm rằng: "Sự tử tế và chữ tín là bí quyết của sự thành công". Dù là phụ nữ hay nam giới, khi đứng trên vai trò của một chủ doanh nghiệp thì sức mạnh về tinh thần cực kỳ quan trọng. Nhưng phụ nữ có 2 lợi thế nâng đỡ tinh thần, đó chính là sự tử tế và lợi thế được chăm sóc con cái, gia đình.
Bà Nguyễn Thị Nga - Phó Chủ tịch thường trực SeABank
Bà Nguyễn Thị Nga sinh năm 1955, tốt nghiệp Đại học Kinh tế Kế hoạch (nay là Đại học Kinh tế Quốc dân). Bà từng học qua nhiều lớp kinh tế ở Pháp, Đức, Nhật Bản, Úc và là người Việt Nam đầu tiên được mời học ở George Town (Mỹ), do quỹ tài trợ của bà Hillary Clinton dành riêng cho các nhà lãnh đạo tập đoàn kinh tế.
Bà Nga được nhiều người biết đến trong lĩnh vực Bất động sản, chủ tịch tập đoàn BRG, sở hữu nhiều sân golf và khách sạn nghỉ dưỡng. Và trong lĩnh vực ngân hàng, bà Nga cũng là một người có tiếng khi từng tham gia góp vốn và giữ vị trí quan trọng tại nhiều ngân hàng và hiện đang là Phó Chủ tịch HĐQT SeABank.
Có xuất phát điểm là một người kinh doanh xuất nhập khẩu, tuy nhiên, vào năm 1993, khi Chính phủ cho phép thành lập ngân hàng tư nhân, bà Nga đã là một trong những người đầu tiên tham gia góp vốn vào ngân hàng Châu Á Thái Bình Dương.
Sau khi ngân hàng Châu Á Thái Bình Dương giải thể, bà bắt đầu tham gia vào ngân hàng Techcombank, lần lượt đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng của ngân hàng như Uỷ viên Hội đồng quản trị, Phó Chủ tịch, rồi Phó Chủ tịch thứ nhất trước khi lên giữ vị trí Chủ tịch HĐQT ngân hàng năm 2005.
Tuy vậy, đến năm 2007, bà Nga quyết định rời Techcombank và trở thành Chủ tịch HĐQT của ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank). Sau khi Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi có hiệu lực từ ngày 15/1/2018, bà Nga đã chọn làm Chủ tịch HĐQT doanh nghiệp và lui lại làm Phó Chủ tịch tại SeABank.
Dưới thời Madame Nga, SeABank từ một ngân hàng nhỏ hiện đã hoàn tất tăng vốn điều lệ lên 9.369 tỷ đồng, trở thành 1 trong 15 ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất hệ thống.
Bà Lê Thị Băng Tâm – Chủ tịch HDBank
Bà Lê Thị Băng Tâm sinh năm 1947, tại Tuy Hòa, Phú Yên. Bà là Tiến sỹ Kinh tế trường Đại học Kinh tế Tài chính Leningrad (Liên Xô trước đây) và có Chứng chỉ Tài chính Quốc tế của Trường North University (Anh).Bà từng giữ qua nhiều chức vụ cao cấp và quan trọng thuộc Bộ Tài chính, từng là Thứ trưởng Bộ tài chính ở giai đoạn 1995-2006, chủ tịch HĐTV Tổng công ty đầy tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) từ năm 2006-2008.
Hiện tại, bà Tâm là Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank). Bà Tâm được đánh giá là đã rất thành công trong lĩnh vực quản lý tài chính và ngân sách quốc gia và đặc biệt thành công trong công tác tài chính đối ngoại.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo – Phó Chủ tịch HDBank
Cùng với bà Lê Thị Băng Tâm, Phó Chủ tịch HDBank Nguyễn Thị Phương Thảo đã có nhiều đóng góp cho những thành quả mà HDBank đạt được cũng như việc hoạch định chiến lược phát triển ngân hàng trong những năm qua.
Bà Thảo là nữ tỷ phủ đầu tiên của Việt Nam, thường xuất hiện trên truyền thông với vai trò là CEO Vietjet Air - người làm nên nhiều thay đổi của ngành hàng không Việt Nam. Song không nhiều người biết rằng đây còn là môt người phụ nữ quyền lực và có tiếng trong giới ngân hàng khi tham gia sáng lập và quản trị những ngân hàng tư nhân lớn đầu tiên của Việt Nam.
Trước khi tham gia vào HDBank (2008), bà Thảo đã từng tham gia sáng lập và quản trị tại hai ngân hàng Techcombank và VIB.
Không những được Forbes Việt Nam vinh danh một trong 50 Phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2019, bà Nguyễn Thị Phương Thảo còn là nữ tỷ phú USD đầu tiên của Việt Nam và một trong 25 người phụ nữ quyền lực nhất châu Á với khối tài sản ròng khổng lồ lên đến 2,5 tỷ USD.
Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm – Tổng giám đốc Sacombank
Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm sinh năm 1973, bắt đầu được bổ nhiệm chức Tổng giám đốc ngân hàng Sacombank từ tháng 7/2017. Bà Diễm có hơn 18 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh tế - tài chính - ngân hàng, bắt đầu công tác tại Sacombank từ năm 2002.
Trước khi ngồi "ghế nóng" Sacombank, bà Diễm đã từng đảm nhiệm các công việc thuộc lĩnh vực kế toán, tín dụng, dịch vụ khách hàng, khách hàng doanh nghiệp, kiểm tra kiểm soát nội bộ, xử lý nợ và đã có 11 năm ở vai trò quản lý, điều hành tại Phòng giao dịch, Phòng nghiệp vụ Chi nhánh, Văn phòng Khu vực TP.HCM, toàn Khu vực Nam Trung bộ & Tây Nguyên và toàn hệ thống Sacombank.
Trong những năm bà Diễm làm người đứng đầu ban điều hành Sacombank, ngân hàng này đã có những thay đổi và đạt đươc nhiều thành tựu trong quá trình tái cơ cấu. 9 tháng đầu năm 2019, lợi nhuận trước thuế của Sacombank đạt 2.491 tỷ đồng, tăng 89%. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng của Sacombank giảm từ 2,2% hồi đầu năm xuống còn 2%.
Khi bà Diễm tiếp nhận vị trí CEO ngân hàng, Sacombank đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn và phải thực hiện tái cơ cấu. Nói về những áp lực của cá nhân và hệ thống Sacombank, bà Diễm từng chia sẻ: "Khi mọi người đủ mạnh mẽ để vượt qua cái tôi, sự ích kỷ và những giới hạn của bản thân, cùng nhau nhìn về một hướng thì mọi việc sẽ đều có kết quả như mong đợi”.
Bà Diễm không cho rằng phụ nữ thì khó làm CEO một ngân hàng. Theo bà, là một nữ lãnh đạo, để cân bằng công việc và cuộc sống riêng, bà luôn đưa ra những nguyên tắc rõ ràng trong công việc cũng như cuộc sống. Trong hai yếu tố này, bà luôn xác định mình cần đạt được đến mức nào, cần đi xa đến đâu. "Tôi luôn ý thức rõ về các ranh giới và không bao giờ để bản thân mình vượt quá những ranh giới đó", bà nói.