Những bê bối công nghệ chấn động nhất năm 2016

22/12/2016 10:56 AM | Công nghệ

Cùng điểm lại một loạt bê bối từ các tên tuổi đình đám nhất giới công nghệ như Samsung, Apple, Yahoo trong năm 2016.

Năm 2016 sắp trôi qua nhưng dư âm của nó có lẽ còn tồn tại lâu dài trong tâm trí những người làm công nghệ. Bởi lẽ, đây là năm có quá nhiều bê bối và thất bại đến từ các tên tuổi hàng đầu của giới như Samsung, Apple hay Yahoo.

Tháng 3

Tháng 3 năm nay, Microsoft có hành động khiến nhiều nhân viên và những người khác trong ngành công nghệ giận dữ: công ty phần mềm đã thuê các vũ công mặc đồ nữ sinh hở hang đến bữa tiệc sau Hội nghị nhà phát triển game. Nhân viên của họ, đặc biệt là nhân viên nữ, vô cùng tức giận và cảm thấy bị xúc phạm. Động thái dường như khắc sâu thêm lần nữa định kiến trong giới game nói riêng và công nghệ nói chung. Ngay lập tức, Microsoft đã phải xin lỗi và khẳng định đây là việc làm sai trái, không được dung thứ.

Tháng 5

Khi lái xe Tesla Model S với chế độ tự lái (Autopilot), một tài xế Florida đã bị chết vì một vụ va chạm với xe bán tải vừa rẽ trái. Đây là vụ tử vong được báo cáo đầu tiên liên quan đến xe tự lái và xảy ra do chế độ Autopilot không nhận ra mặt màu trắng của xe tải trên nền trời xám. Túi khí của xe cũng không hoạt động khi xe đâm vào. Tai nạn hiện vẫn đang được nhà chức trách Mỹ điều tra.

Tháng 8

EU tấn công Apple bằng khoản phạt thuế lớn nhất lịch sử, yêu cầu Ireland truy thu 14,5 tiền thuế từ nhà sản xuất iPhone. Ủy ban châu Âu cho rằng chính quyền Dublin tạo nhiều thuận lợi cho Apple trong nhiều năm, cho phép công ty nộp tiền thuế ít hơn các doanh nghiệp khác, chỉ ở mức 0,005% năm 2014. Vài ngày trước, Apple và cả Ireland quyết định phản công và lên kế hoạch chính thức kháng cáo trong thời gian tới.

Tháng 8

Cũng trong tháng 8/2016, những chiếc Note 7 đầu tiên bắt đầu cháy. Ngay sau đó, Samsung phải hoãn giao hàng để kiểm tra chất lượng. Đến tháng 9, mọi thứ leo thang nhanh chóng. Samsung phải thu hồi tất cả Note 7 bán trước 15/9/2016, ước tính khoảng 1 triệu máy. Tuy nhiên, kể cả những điện thoại được thay mới cũng không tốt hơn: ít nhất 5 máy phát nổ được ghi nhận. Tháng 10, công ty tuyên bố dừng sản xuất phablet và rút toàn bộ máy khỏi thị trường. Đưa Note 7 lên máy bay trở thành hành vi phạm pháp. Tháng 12/2016, hãng điện tử Hàn Quốc cho biết sẽ phát hành bản cập nhật để vô hiệu hóa tất cả Note 7 chưa được hoàn trả.

Tháng 9

Apple giới thiệu iPhone mới nhất vào tháng 9, đây là mẫu iPhone đầu tiên không có jack tai nghe. Thay vào đó, “táo khuyết” sản xuất bộ chuyển đổi (dongle) để kết nối tai nghe truyền thống vào cổng sạc và ra mắt tai nghe không dây AirPod. Để lý giải quyết định lạ lùng của mình, Apple chỉ nói ngắn gọn: “Lòng can đảm”. Câu trả lời gây cười và trở thành đề tài châm chọc trên toàn cầu. Tuy vậy, hóa ra không phải lần đầu Apple sử dụng lý do này. Trước đó, cố CEO Steve Jobs cũng nói như trên khi iPhone không chạy Adobe Flash.

Tháng 9

Cùng tháng này, Yahoo xác nhận hơn 500 triệu thông tin tài khoản bị đánh cắp. Tên, địa chỉ email, số điện thoại, ngày sinh, câu hỏi bí mật bị ảnh hưởng. Thời điểm đó, Yahoo cho biết không có thông tin thẻ thanh toán hay ngân hàng bị lấy đi. Vụ tấn công xảy ra năm 2014 và Yahoo đổ lỗi cho “tổ chức được chính phủ tài trợ”.

Tháng 10

Nhiều iPhone 6 và 6 Plus bị “đông cứng” và không phản hồi lại các thao tác chạm. Chúng được gọi là “căn bệnh cảm ứng”. Nguyên nhân của vấn đề đến từ lỗi linh kiện khiến màn hình chập chờn và hiển thị dải màu xám ở trên cùng, đồng thời không dùng cảm ứng được. Dù Apple không chính thức thừa nhận, các cửa hàng sửa chữa iPhone và kể cả nhân viên kỹ thuật Apple Store cho biết đây là một trong các sự cố phổ biến nhất. Đến tháng 11, Apple thông báo sẽ sửa lỗi này trên iPhone 6 Plus với giá “cắt cổ” 149 USD.

Tháng 10

Chỉ trong một ngày, hàng loạt website lớn trong và ngoài nước Mỹ không thể truy cập. Sáng ngày 21/10, Dyn, công ty cung cấp dịch vụ hệ thống tên miền, hứng chịu cuộc tấn công DDoS, diễn ra làm 3 đợt trong ngày. Hacker đã tiến hành hijack các thiết bị kết nối Internet nhưng không được bảo mật, ví dụ như webcam, để “oanh tạc” website của Dyn với lượng traffic cao kỷ lục, dẫn đến một nửa nước Mỹ bị mất Internet. Chưa có tổ chức nào đứng ra nhận trách nhiệm vụ này.

Tháng 11

Sau chiến thắng của Donald Trump trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng, mọi người nhanh chóng đổ lỗi cho “tin xuyên tạc” làm ảnh hưởng đến cử tri, đặc biệt là Facebook. Dù CEO Mark Zuckerberg gọi ý tưởng này là “đặc biệt điên rồ”, nó thực sự tạo nên bước ngoặt lớn. Mạng xã hội bắt đầu thực hiện nhiều biện pháp nhằm loại bỏ tin giả mạo thông qua kết hợp với nhiều bên xác minh và nhờ cậy vào cộng đồng người dùng. Google cũng gặp vấn đề tương tự khi hiển thị tin giả trên kết quả tìm kiếm hàng đầu, dẫn đến phải bỏ mục “Tin mới” khi tìm kiếm trên desktop.

Tháng 11

Một nhân viên Amazon đã bị thương sau khi nhảy xuống từ tòa nhà 12 tầng tại trụ sở Amazon ở Seattle (Mỹ), không lâu sau khi được thông báo có tên trong kế hoạch theo dõi cải thiện nhân viên. Điều đó đồng nghĩa nếu không chứng minh được năng lực, người đó có thể bị sa thải. Nhân viên may mắn sống sót nhưng nó đặt ra câu hỏi về điều kiện làm việc của Amazon. Đây là đề tài được thảo luận thường xuyên trong vài năm qua, nhất là sau khi New York Times xuất bản bài báo mô tả môi trường làm việc khắc nghiệt tại gã khổng lồ TMĐT năm 2015.

Theo Du Lam

Cùng chuyên mục
XEM