Nhựa An Phát đã tạo dựng hình tượng “doanh nghiệp xanh toàn diện” ở Việt Nam như thế nào?

24/06/2016 08:00 AM | Kinh doanh

Trong khi các doanh nghiệp ngành nhựa còn loay hoay với làn sóng thâu tóm từ các doanh nghiệp ngoại thì Nhựa An phát nổi lên như một hiện tượng mới “doanh nghiệp xanh toàn diện” ở Việt Nam với tuổi đời chưa đến 15 năm.

Nhà máy nhựa hàng đầu Việt Nam và câu chuyện 300 triệu đồng khởi nghiệp

CTCP Nhựa và Môi trường Xanh An Phát - An Phát Plastic (Mã CK: AAA) đang nổi lên là một trong những doanh nghiệp sản xuất bao bì màng mỏng lớn nhất Việt Nam. Với vị thế vững chắc của mình, sản phẩm của An Phát đã đi từ Châu Âu, sang Châu Mỹ, Các tiểu vương quốc Ả - rập, rồi Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan, Phillipine,…

Nổi tiếng là thế, nhưng ít ai biết được rằng, đằng sau một doanh nghiệp xanh trên toàn cầu là câu chuyện 300 triệu đồng khởi nghiệp “vào sinh ra tử” của ông chủ Phạm Ánh Dương - Chủ tịch HĐQT AAA.

Năm 2002, khi đó vừa tròn 26 tuổi, mang tất cả số tiền 300 triệu được trả công trong suốt thời gian làm thuê cho chị gái, Phạm Ánh Dương mua máy móc thiết bị, thành lập công ty với ngành nghề chuyên về bao bì nhựa. Ngần ấy vốn tưởng là nhiều song cũng chẳng đủ, để mở rộng công ty, ông Dương bèn thế chấp nhà cửa lấy tiền mua thêm máy móc.

Sở dĩ chọn ngành nhựa, ông Dương bảo, vì thấy nhu cầu của người dân trong lĩnh vực cao, cần thiết cho cuộc sống và tiêu dùng của con người và là ngành thú vị. Đặc biệt khi tận dụng được nguồn nguyên liệu tái chế sẽ rất tốt cho môi trường và giảm giá thành sản phẩm.

Trong khi đó, ở thời điểm những năm đầu 2000, doanh nghiệp làm về bao bì nhựa không nhiều, chủ yếu hộ gia đình nhỏ cung cấp thị trường trong nước. Đặc biệt, không chọn con đường như các doanh nghiệp khác đã đi, ông đi theo đường xuất khẩu với công nghệ hiện đại chủ yếu nhập ở Đài Loan, Nhật Bản.

Kể về khó khăn, thách thức thời gian đầu khởi nghiệp, ông Dương bảo, phải mất một thời gian dài nợ nần lung tung, thậm chí tâm trạng rơi vào cơn bĩ cực, hoảng loạn bởi làm mà chẳng ai tin vào mình, mọi thứ rất mù mờ và tương lai mù mịt.

“Thời kỳ của tôi khởi nghiệp, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, hơn nữa đây là lĩnh vực đầu tiên tôi làm, chưa có kinh nghiệm gì về công nghệ, máy móc nhưng tôi may mắn sản phẩm làm ra đảm bảo được chất lượng, có thị phần trên thị trường. Bên cạnh đó, trên thị trường chưa có nhiều hàng xuất khẩu nên sau 2 năm lập nghiệp, tôi bắt đầu định hướng sang xuất khẩu”.

Khách hàng đầu tiên của An Phát là đối tác ở Bỉ do chính ông Dương tìm kiếm qua trang web kinh doanh về nhựa. Qua lần giao dịch đầu tiên, hiện nay đối tác này đã trở thành khách hàng thường xuyên của Công ty.

Cứ như thế, được đà mà thẳng tiến, đúc rút kinh nghiệm từ quá trình làm việc của mình, cộng với học hỏi từ những người đi trước, ông Dương thấu hiểu chất lượng là vấn đề đầu tiên cốt yếu để giữ khách. “Nếu chất lượng không đạt sẽ không có khách hàng, do đó chúng tôi phải xây dựng nhà máy đạt tiêu chuẩn và quy mô để đẩy mạnh thị trường xuất khẩu”, ông Dương tâm sự.

Sau 14 năm xây dựng và phát triển, đến nay An Phát đã xuất sản phẩm đi Mỹ, Nhật, Châu Âu, Úc, Hàn Quốc, Châu Phi, Ả rập. Sản phẩm An Phát có mặt ở khắp 5 Châu trong đó châu Âu là thị phần nhiều nhất. Cơ cấu sản phẩm của An Phát hiện tỷ trọng xuất khẩu chiếm 97%. Sản phẩm được các doanh nghiệp trong nước và quốc tế đánh giá cao.

Hiện tại, An Phát có 5 nhà máy sản xuất bao bì đang vận hành (nhà máy số 1, số 2, số 3, số 5 và số 6) với sản lượng hơn 4.000 tấn/tháng và nhà máy số 7 đang được xây dựng ở những công đoạn cuối, dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong tháng 10 năm nay.

Với những cơ hội và lợi thế đang có, lãnh đạo công ty khá lạc quan với mục tiêu đặt ra cho năm 2016 với doanh thu đạt 2.100 tỷ và lợi nhuận sau thuế hợp nhất 100 tỷ đồng - gấp 2,5 lần lợi nhuận đạt được trong năm 2015.

Theo tính toán, đến 2018, các nhà máy chạy hết công suất và doanh thu sẽ gấp đôi hiện tại (khoảng hơn 3.500 tỷ) và sản lượng khoảng 8.000 tấn/tháng. Vị trí của An Phát lúc đó là hàng đầu khu vực trong lĩnh vực sản xuất bao bì màng mỏng.

Nói về quyết định xây dựng nhà máy số 6 và số 7, ông Dương cho hay: “Chúng tôi quyết tâm vì muốn nắm bắt cơ hội khi Việt Nam gia nhập TPP – cơ hội để khách hàng đang mua hàng của Trung Quốc, Thái Lan chuyển sang mua của Việt Nam.

Bên cạnh đó, mọi người ai cũng có ước mơ xây dựng doanh nghiệp hàng đầu. Sau hơn 14 năm hoạt động, An Phát đã có vị thế rất lớn, xét về quy mô trong ngành là hàng đầu Việt Nam rồi nhưng như vậy là chưa đủ và cần vươn ra tầm khu vực”.

Doanh nghiệp xanh

Một trong những vấn đề nan giải nhất đối với các doanh nghiệp trong nước nói chung và doanh nghiệp ngành nhựa nói riêng chính là giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường.

Thực tế, đã có rất nhiều doanh nghiệp sử dụng nhựa tái chế để sản xuất gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống và sức khỏe nhân dân. Thế nhưng, đi ngược lại với con đường mà các doanh nghiệp gặp phải, Nhựa An Phát đang thực hiện một sứ mệnh “doanh nghiệp xanh”.

Ấn tượng đầu tiên đối với tất cả mọi người, nếu có dịp đến Công ty Nhựa An Phát (Cụm công nghiệp An Đồng, thị trấn Nam Sách, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương) chính là một công viên xanh - sạch - đẹp chứ không chỉ đơn thuần là một khu công nghiệp nhiều máy móc và hàng hóa.

Không những đẹp về “bề mặt”, về vấn đề xử lý nước thải, khí thải, ông Dương cho hay: “Trong quy trình sản xuất của An Phát, không có nước thải và khí thải, chủ yếu là nước thải sinh hoạt thôi. Nhưng để đảm bảo môi trường, chúng tôi đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải riêng cho công ty. Phần chất thải rắn thì phải thuê đội xử lý”.

Về trách nhiệm đối với cộng đồng, ông Dương khẳng định: “Chúng tôi cố gắng phát triển, tăng quy mô, tạo công ăn việc làm cho nhiều người hơn. Các vấn đề về trách nhiệm thì trước hết là đối với nhân viên của mình đã. Chúng tôi có chính sách làm việc trọn đời, thưởng cổ phiếu để cán bộ gắn bó với công ty hơn”.

Bên cạnh đó, AAA cũng chú trọng xây dựng văn hóa công ty có chiều sâu, có sức lan tỏa mạnh mẽ và làm anh em công nhân thêm gắn bó, chung sức xây dựng công ty.

Và cổ phiếu cũng “xanh”

Với những chuyển biến tích cực từ kết quả kinh doanh, cũng như kỳ vọng vào tăng trưởng trong tương lai, cổ phiếu AAA đã trở thành một trong những cổ phiếu tăng trưởng mạnh nhất trong ngành nhựa nói chung cũng như trên cả thị trường chứng khoán Việt Nam nói riêng.

Nếu cuối năm 2016, thị giá một cổ phiếu AAA chỉ ở mức quanh 12.000 đồng thì nay đã tăng lên 27.000 - 28.000 đồng/ cổ phiếu – tức tăng gần 130% chỉ sau nửa năm.

Bên cạnh các yếu tố cơ bản của hoạt động kinh doanh, niềm tin của nhà đầu tư còn được củng cố khi công ty đẩy mạnh hoạt động công bố thông tin, ban lãnh đạo liên tục gia tăng sở hữu cũng như các động thái chuyển sàn niêm yết từ HNX sang HoSE hay chủ trương nới room ngoại lên 100%.

AAA là một trong những cổ phiếu có mức tăng trưởng tốt nhất nửa đầu năm 2016
AAA là một trong những cổ phiếu có mức tăng trưởng tốt nhất nửa đầu năm 2016

A.D

Cùng chuyên mục
XEM