Nhờ Vingroup, Sun Group, FLC,... mà nhân sự làm nghề này về hưu càng đắt hàng, thu nhập trăm triệu mỗi tháng

13/10/2016 09:14 AM | Xã hội

Hàng loạt khách sạn đang tiếp tục được xây dựng kéo theo nhu cầu lớn về người quản lý thế nhưng nguồn cung nhân sự hiện tại trở nên khan hiếm.

Trong vài năm gần đây, giới bất động sản Việt Nam bị cuốn vào mảng đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng. Những địa điểm du lịch như Phú Quốc, Sapa, Quy Nhơn, Nha Trang vốn có cảnh quan thiên nhiên đẹp nhưng từ trước đến nay chưa được đầu tư lớn về hạ tầng du lịch nên đem lại nguồn thu chưa tương xứng với tiềm năng. Nhìn thấy cơ hội lớn, những doanh nghiệp lớn như Vingroup, Sun Group, BIM, CEO,… trong thời gian qua mạnh tay chi tiền cho cuộc đua nghìn tỷ đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng cao cấp.

Theo Tổng cục Du lịch, cả nước hiện có hơn 20.100 cơ sở lưu trú với khoảng 400.000 phòng, tốc độ tăng trưởng bình quân 9%/năm. Trong đó, phân khúc khách sạn 3-5 sao có tốc độ tăng trưởng cao, còn khách sạn 5 sao là 16%; khách sạn 4 sao là 14%. Đến tháng 5-2016, cả nước có 101 khách sạn 5 sao, 229 khách sạn 4 sao và 463 khách sạn 3 sao. Hàng loạt khách sạn đang tiếp tục được xây dựng kéo theo nhu cầu lớn về người quản lý thế nhưng nguồn cung nhân sự hiện tại trở nên khan hiếm.

Theo chia sẻ của chủ tịch một công ty quản lý khách sạn với Thời báo kinh tế Sài Gòn cho biết đặc biệt là chủ các dự án khách sạn ở những điểm du lịch đang phát triển như Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc..., thường đến TPHCM tìm người quản lý. Mức lương ban đầu cho vị trí tổng giám đốc khách sạn 4 sao ở tỉnh ít nhất cũng 80 triệu đồng/tháng, chưa gồm tiền thưởng, chi phí đi lại, ăn ở,..Còn ở Tp.HCM, mức lương ít nhất cũng 100 triệu đồng. Tại khách sạn 5 sao, mức lương còn tăng vọt lên 8.000-9.000 USD. Với quản lý là người nước ngoài mức lương thậm chí còn lên đến 15.000-17.000 USD/tháng.

Đối tượng được săn đón nhiều nhất là những người có thâm niên quản lý các khách sạn lớn. Cũng theo lời vị chủ tịch này, các tập đoàn trong nước thường săn đón những CEO người Việt, có kinh nghiệm quản lý những khách sạn cùng hạng, có năng lực, có tiềm năng. Lý do là họ am hiểu thị trường, am hiểu địa phương. Bên cạnh đó khi thuê tổng giám đốc người nước ngoài, ngoài tiền lương cao cùng với các chi phí khác, doanh nghiệp còn phải trả thêm một số khoản khác khá lớn như tiền hưu trí hàng tháng để họ gửi về nước.

Tuy nhiên có một thực tế là CEO người Việt mặc dù được săn đón nhưng lương không cao như người nước ngoài. Theo ông Tào Văn Nghệ, Chủ tịch Công ty cổ phần Quản lý khách sạn Odyssea, lý do xuất phát từ việc bị động trong việc chuẩn bị nhân sự của những nhà đầu tư khách sạn, đưa người thuộc bộ phận khác như bán hàng, tiếp thị lên làm quản lý và tư duy ưa ổn định của người Việt.

Ông Nghệ cho biết có nhiều vị tổng giám độc nhưng vẫn làm việc kiểu văn phòng, thích ổn định, sáng đi trưa về rồi chiều lại đến, không thích thay đổi môi trường, muốn ở nơi nào đó ổn định 5-10 năm, ngại đến nơi khác để bắt đầu. Trong khi các tổng giám đốc nước ngoài thường chỉ làm vài năm là sang làm việc nơi khác, quốc gia khác, liên tục thay đổi, tự đào tạo.

Thảo Nguyên (Tổng hợp)

Cùng chuyên mục
XEM