Nhờ vắc-xin, con người đã loại bỏ được 6 dịch bệnh nguy hiểm này

13/07/2019 08:39 AM | Khoa học

Virus đậu mùa đã bị xóa sổ hoàn toàn, hiện chỉ còn trong các phòng thí nghiệm khoa học.

Không thể phủ nhận, vắc-xin là một trong những phát minh y tế vĩ đại nhất lịch sử nhân loại.

Từ sự ra đời của loại vắc-xin đầu tiên phòng bệnh đậu ở thế kỷ 19, cho tới hàng loạt vắc-xin phòng cúm thường liên tục được cập nhật mỗi năm, các mũi tiêm đã giúp cho hàng triệu người phát triển khả năng miễn dịch với những căn bệnh, một thời từng là công cụ của thần chết trong quá khứ.

Nhờ vắc-xin, nhiều bệnh truyền nhiễm như đậu mùa và bại liệt đã bị xóa sổ hoặc gần như xóa sổ hoàn toàn trên thế giới. Những con virus chỉ còn tồn tại bên trong một số phòng thí nghiệm phục vụ cho mục đích khoa học.

Nến bạn thắc mắc vắc-xin đã làm được gì cho chúng ta, thì đây là 6 căn bệnh nguy hiểm mà những mũi tiêm đã bảo vệ được bạn:

1. Đậu mùa: Căn bệnh từng quét sạch hàng ngàn người một lúc

Bệnh đậu mùa gây ra bởi variola, một loài virus có thể dễ dàng lây lan trong không khí. Đậu mùa đặc trưng bởi những nốt phát ban trên mặt và cơ thể, sau đó các nốt biến thành mụn mủ và đóng vảy.

Căn bệnh đặc biệt nguy hiểm bởi virus variola có khả năng tấn công thẳng vào hệ thống miễn dịch và gây tử vong nhanh chóng.

Trong lịch sử thể kỷ 17, khi thực dân Châu Âu bắt đầu xâm chiếm Châu Mỹ, họ mang theo cả bệnh đậu mùa tới lục địa mới. Ở đây, virus variola đã giết chết 30% dân số mắc bệnh.

Năm 1796, bác sĩ Edward Jenner khám phá ra rằng con người có thể miễn nhiễm với đậu mùa, sau khi chúng ta tiêm vào cơ thể một loại virus tương tự variola nhưng ít gây hại hơn. Các thí nghiệm của Jenner đã dẫn đến sự ra đời của những liều vắc-xin đầu tiên trên thế giới.

Trong thế kỷ tiếp theo, các nước phát triển đã thực hành tiêm chủng rất tốt để phòng đậu mùa. Tới năm 1972, Hoa Kỳ tuyên bố xóa sổ hoàn toàn căn bệnh. Chưa đầy một thập kỷ sau, Tổ chức Y tế Thế giới tuyên bố đậu mùa đã bị xóa sổ trên toàn thế giới.

Cho tới nay, đậu mùa vẫn là căn bệnh duy nhất mà con người xóa sổ được trên phạm vi toàn cầu.

2. Bại liệt: Căn bệnh để lại những di chứng suốt đời

Bệnh bại liệt gây ra bởi những virus sống bên trong cổ họng và đường ruột con người. Cứ 4 người nhiễm virus thì có một người phát bệnh với triệu chứng giống như cúm. Trong đó, một tỷ lệ nhỏ hơn bệnh nhân tiến triển đến các tình trạng nghiêm trọng như liệt toàn thân và suy hô hấp.

Virus bại liệt nhắm thẳng vào não bộ, phá hủy các dây thần kinh kiểm soát vận động. Một số người bệnh thậm chí không thể điều khiển được cơ hoành để thở. Họ sẽ phải chui vào một cỗ máy khổng lồ được gọi là phối sắt. Cỗ máy làm nhiệm vụ giúp họ thở.

Chỉ tính riêng trong một đợt dịch năm 1952, hơn 3.000 trẻ em ở Mỹ đã tử vong vì bại liệt. Tỷ lệ tử vong của căn bệnh cao đến nỗi các công ty bảo hiểm bắt đầu bán các gói dịch vụ dành riêng cho bại liệt tới các bậc cha mẹ có con mới sinh.

Virus bại liệt dễ dàng lây lan nhanh chóng qua đường miệng. Trẻ em là đối tượng dễ mắc bệnh nhất khi virus lây truyền ở những nơi như bể bơi công cộng và nhà trẻ. Trong các dịch bệnh bại liệt ở Mỹ, nhà chức trách đã phải đóng cửa cả trường học, rạp chiếu phim và các khu vui chơi. Trẻ em được khuyến cáo ở nhà và không chơi đùa với nhau.

Nhưng tới năm 1955, một loại vắc-xin bại liệt đã được phát triển thành công. Thực hành tiêm chủng đầy đủ đã giúp Hoa Kỳ xóa sổ bệnh bại liệt vào năm 1979. Trường hợp mắc bại liệt cuối cùng ở Mỹ được ghi nhận vào đầu những năm 1990, thậm chí bệnh nhân này còn mắc bệnh ở nước ngoài.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, hiện cũng chỉ có 3 quốc gia ghi nhận các ca mắc mới bại liệt bao gồm: Nigeria, Pakistan và Afghanistan.

3. Bạch hầu: Một cơn ác mộng đầu thế kỷ 20

Chỉ tính riêng tại Mỹ, bạch hầu đã ảnh hưởng đến hơn 200.000 người vào năm 1921 và giết chết khoảng 15,520 người trong cùng một năm đó.

Căn bệnh biểu hiện bằng các triệu chứng như viêm họng, mệt mỏi và sưng hạch bạch huyết. Sau đó, cuống họng người bệnh bị lấp đầy bằng một chất dịch nhầy màu xám. Nếu vi khuẩn bạch hầu nhiễm vào máu, nó có thể tiết ra các độc tố gây tổn thương thần kinh vĩnh viễn và suy tim.

Bạch hầu lây lan khi có người nhiễm bệnh hắt hơi hoặc ho, phát tán nước bọt mang vi khuẩn trên các đồ vật hoặc bề mặt. Vào những năm 1900, căn bệnh hoành hành ác liệt tại các khu vực thành phố đông dân cư.

Đến những năm 1920, vắc-xin bạch hầu mới được phát triển thành công. Nhưng cũng kể từ đó, căn bệnh đã bị kiểm soát và không còn là mối lo lắng quá lớn. Trong vòng 10 năm trở lại đây, nước Mỹ chỉ ghi nhận duy nhất 5 ca bệnh bạch hầu.

Mặc dù vậy, ở một số nước đang phát triển thì bạch hầu vẫn là một vấn đề, khi những đứa trẻ không được chủng ngừa đầy đủ.

CDC khuyến nghị trẻ em nên tiêm 4 liều vắc-xin bạch hầu, sau đó tiêm nhắc lại sau mỗi 10 năm để đảm bảo bảo an toàn.

4. Quai bị: Căn bệnh có thể gây vô sinh cho nam giới

Nhờ vắc-xin, con người đã loại bỏ được 6 dịch bệnh nguy hiểm này - Ảnh 1.

Quai bị là một bệnh về đường hô hấp do paramyxovirus gây ra. Giống như nhiều loại virus khác, paramyxovirus lây lan qua đường miệng, khi tiếp xúc với nước bọt người nhiễm bệnh. Trước khi vắc-xin quai bị ra đời, mỗi năm tính riêng ở Hoa Kỳ đã có khoảng 186.000 người nhiễm bệnh.

Một người bệnh quai bị sẽ có các triệu chứng đặc trưng bằng sưng tuyến nước bọt. Sưng ở vùng hàm khiến việc ăn uống trở nên khó khăn và đau đớn, từ đó khiến bệnh nhân suy yếu.

Quai bị nhìn chung không gây tử vong, nhưng một số bệnh nhân sẽ phải chịu đựng các biến chứng suốt đời như mất thính lực. Khoảng 20-30% nam thanh niên mắc bệnh bị sưng tinh hoàn có thể gây vô sinh sau này.

Vắc-xin quai bị được giới thiệu vào năm 1967. Kể từ đó tỷ lệ mắc bệnh đã giảm tới 99%. Tại Hoa Kỳ mỗi năm chỉ còn vài trăm trường hợp mắc quai bị.

5. Sởi và nhiều biến chứng nghiêm trọng

Nhờ vắc-xin, con người đã loại bỏ được 6 dịch bệnh nguy hiểm này - Ảnh 2.

Sởi (còn được gọi là rubeola) tấn công vào hệ hô hấp và các cơ quan khác trên cơ thể. Một người nhiễm virus sởi sẽ phát triển các triệu chứng giống như cúm, chẳng hạn sốt, sổ mũi. Ngoài ra sẽ có các nốt phát ban đỏ nổi lên khắp cơ thể.

Sởi có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng như mù lòa, tổn thương não và thậm chí tử vong.

Vào cuối thập niên 1950, ước tính mỗi năm có khoảng 3 triệu người Mỹ nhiễm sởi. Trong tổng số đó, khoảng 48.000 người phải nhập viện do các biến chứng và khoảng 400 đến 500 người chết vì căn bệnh này.

Bệnh sởi rất dễ lây lan, nó có thể lây truyền qua đường không khí, khi nói chuyện hoặc khi chạm vào các bề mặt mà người nhiễm sởi từng chạm vào trước đó vài tiếng. Thời gian ủ bệnh lên tới 2 tuần lễ, trong khoảng thời gian đó, những người mang virus có thể phát tán chúng trong một phạm vi rất lớn.

Đến năm 2000, CDC tuyên bố bệnh sởi đã bị xóa sổ khỏi Hoa Kỳ. Tuy nhiên, trong những năm gầy đây, với sự gia tăng của phong trào anti-vax, bệnh sởi đang quay trở lại tấn công nước Mỹ.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo các bậc phụ huynh tiêm phòng đầy đủ cho con mình .Bệnh sởi hoàn toàn có thể phòng ngừa được nhờ 2 liều vắc-xin MMR, một loại vắc-xin đồng thời phòng được cả quai bị và rubella.

6. Rubella dẫn đến tổn thương não và dị tật bẩm sinh ở trẻ sơ sinh

Nhờ vắc-xin, con người đã loại bỏ được 6 dịch bệnh nguy hiểm này - Ảnh 3.

Các triệu chứng của rubella (còn được gọi là sởi Đức) tương tự như sởi, tuy có phần nhẹ hơn. Những người mắc rubella thường bị phát ban đỏ, mắt hồng và sốt nhẹ, mặc dù có tới 50% người nhiễm bệnh không có triệu chứng nào cả.

Vào năm 1964, có gần 12,5 triệu người ở Mỹ mắc rubella. Căn bệnh khiến gần 11.000 phụ nữ bị sảy thai hoặc sinh non. Những đứa trẻ sinh ra từ bà mẹ nhiễm rubella cũng phải chịu nhiều dị tật như đục thủy tinh thể, khiếm thính, chậm phát triển và dị tật tim.

Đến thập niên 1960, vắc-xin rubella mới được phát triển. Thời báo New York đưa tin năm 2015 rằng rubella đã bị xóa sổ khỏi bán cầu Tây. Trong một vài năm tới, Tổ chức Y tế Thế giới đặt mục tiêu sẽ xóa sổ căn bệnh này trên toàn cầu.

Theo Zknight

Cùng chuyên mục
XEM