Nhìn vào biểu đồ này sẽ thấy Eximbank đang khó khăn tới mức nào

05/09/2016 10:38 AM | Kinh doanh

Trong 6 tháng đầu năm 2016, đi cùng với những thông tin không hay về việc nội bộ lục đục, kết quả kinh doanh của Eximbank cũng chẳng hề khá khẩm khi mới thực hiện được 11% kế hoạch năm, tổng nợ xấu tăng tới 172% và lợi nhuận trước thuế giảm tới 86% so với cùng kỳ.

Cuộc đấu đá, tranh giành quyền lực ở Eximbank diễn ra trong mấy năm qua đã khiến cho ông lớn một thời của ngành ngân hàng lâm vào cảnh kinh doanh khốn khó. Liên tục từ năm 2011 - 2015, Eximbank chứng kiến các chỉ số doanh thu, lợi nhuận cứ thế bốc hơi dần. Theo các con số từ báo cáo, chỉ trong 5 năm này, lợi nhuận trước thuế của Eximbank đã giảm hơn 100 lần.

Mới đây, ngân hàng này đã công bố báo cáo tài chính lũy kế 6 tháng đầu năm. Vẫn chưa thoát khỏi cảnh khủng hoảng, Eximbank tiếp tục báo cáo một loạt các thông tin tiêu cực nữa như cho vay giảm sút, chi phí dự phòng và nợ xấu tăng mạnh hay lợi nhuận trước thuế giảm mạnh.

Cho vay giảm sút do không quan tâm chăm sóc khách hàng

Ở chỉ số cơ bản của các ngân hàng là tổng lượng cho vay ra, với Eximbank, con số này đã tiếp đà những thời kỳ trước để giảm 4,62% so với đầu năm xuống còn hơn 80.000 tỷ đồng. Như vậy tỷ lệ dư nợ trên vốn huy động đã giảm liền 2 năm liên tiếp.

Theo Công ty Cổ phần Chứng khoán Hồ Chí Minh (HSC), hiện tượng cho vay khách hàng liên tục giảm trong vài năm qua ở Eximbank là do tác động của nhiều yếu tố cộng hưởng.

Trước đây, Eximbank đã nỗ lực nâng cao cho vay bằng cách cho các doanh nghiệp lớn vay với lãi suất thấp, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp vay USD, với kỳ vọng sẽ được bù lại bằng phí dịch vụ. Tuy nhiên, chiến lược này đã tỏ ra ngày càng kém hiệu quả do khả năng quản trị yếu kém của Eximbank.

Trong khi đó, nhóm khách hàng truyền thống của Eximbank là khối doanh nghiệp vừa và nhỏ lại không được ngân hàng quan tâm đúng mức. Vì thế, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ này đã tự chuyển sang ngân hàng khác vay.

Tiếp đến, Eximbank cũng chịu nhiều ảnh hưởng từ việc dư nợ bán cho VAMC đến cuối năm ngoái tương đối cao, lên đến 8,5% trong tổng dự nợ. Điều này cũng đã làm tổng dự nợ cho vay của Eximbank giảm theo.

Làm dịch vụ cũng không hiệu quả

Trái với việc cho vay, khoản thu nhập ngoài lãi của Eximbank đã tăng so với cùng kỳ. Tuy nhiên, sự tăng này chủ yếu do hoạt động kinh doanh ngoại hối, còn hoạt động thu phí ngoài lãi vẫn bị giảm.

Theo đó, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ đã giảm 2,41% so với cùng kỳ xuống còn gần 138 tỷ đồng. Khi so sánh về cơ cấu thu nhập trong 4 năm qua với các ngân hàng khác, có thể nhận ra rằng chính Eximbank là ngân hàng kém hiệu quả nhất trong các ngân hàng niêm yết về khâu làm dịch vụ ngoài cho vay.

Số nợ xấu tăng đến 172%, tỷ lệ nợ xấu vượt xa mức cho phép

Nợ xấu chính là điểm nhấn buồn trong báo cáo tài chính của Eximbank quý 2 năm nay. Cụ thể, ngân hàng đã có số nợ xấu đột biến tăng đến 172% so với thời điểm đầu năm.

Kết quả, số nợ xấu chiếm đến 5,3% tổng dư nợ. Con số này đã tăng mạnh so với tỷ lệ nợ xấu tại thời điểm cuối năm 2015 và cũng đã vượt xa ngưỡng 3% cho phép của Ngân hàng Nhà nước.

undefined
undefined

Nhìn cả quá trình, có thể thấy trong bối cảnh các ngân hàng nỗ lực cắt giảm nợ xấu thì dường như Eximbank đang đi theo xu hướng ngược lại. Tỷ lệ nợ xấu ở ngân hàng này vẫn còn trong mức cho phép cho đến cuối năm 2015. Tuy nhiên, sang năm 2016, nợ xấu của Eximbank bắt đầu tăng vượt ngoài kiểm soát.

Eximbank vẫn chưa đưa ra những giải thích chính thức về con số nợ xấu cao này. Tuy nhiên, có thể điểm lại tên nhiều “con nợ” lớn của Eximbank, trong đó có tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, với món vay trị giá 800 tỷ đồng dạng trái phiếu kỳ hạn 5 năm và 140 triệu USD tiền mặt với kỳ hạn 10 năm.

Và kết quả: lợi nhuận lại chạm một đáy mới

Do nợ xấu gia tăng, ngân hàng này đã phải trích lập khoản chi phí dự phòng rủi ro tăng gần gấp 3 lần trong 6 tháng đầu năm. Từ đó, kéo theo khoản lợi nhuận trước thuế của Eximbank cũng chịu ảnh hưởng nặng nề.

Trong nửa đầu năm 2016, Eximbank đạt mức lợi nhuận trước thuế gây thấy vọng là hơn 79 tỷ đồng, giảm mạnh tới 86% so với cùng kỳ. Với kết quả này, hết nửa năm nhưng Eximbank mới thực hiện được 11% kế hoạch năm.

Đáng chú ý, lợi nhuận trước thuế bán niên đã giảm liên tục những năm gần đây. Mức giảm 86% nửa đầu 2016 này cũng được ghi nhận chính là mức giảm mạnh nhất trong 5 năm trở lại đây của Eximbank.

Vượng Lê

Cùng chuyên mục
XEM