Nhìn từ các con số, doanh nghiệp đang "mọc" lên ở ngành nào, đi đâu lập nghiệp?

09/07/2019 16:20 PM | Kinh tế vĩ mô

Trong 6 tháng đầu năm 2019 có 66.958 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, bổ sung gần 2 triệu tỷ VND vốn cho nền kinh tế.

Tổng quan, trong hai tháng đầu năm, ngoài những doanh nghiệp được xếp vào nhóm dịch vụ khác thì chỉ có bất động sảnthông tin truyền thông là duy trì được sự năng động, các lĩnh vực khác đều giảm tương nhẹ trong tháng 1 và giảm sâu trong tháng 2. Có sự hồi phục trong các tháng còn lại của hai quý đầu năm. Tính tổng tất cả các lĩnh vực, số doanh nghiệp thành lập mới tăng 3,8%.

Theo dữ liệu thu thập từ Tổng cục Thống kê, nhóm 6 lĩnh vực có tốc độ thành lập doanh nghiệp mới nhanh nhất (số doanh nghiệp thành lập mới đạt từ khoảng 110%-130% so với cùng kỳ) trong hai quý đầu năm là kinh doanh bất động sản; sản xuất, phân phối điện, nước, gas; thông tin truyền thông; khoa học công nghệ; y tế và hoạt động xã hội cùng với dịch vụ khác.

Nhóm 5 lĩnh vực có dấu hiệu chững lại (thành lập mới đạt khoảng 100%-110% so với cùng kỳ) trong hai quý đầu năm là giáo dục đào tạo; nông nghiệp; công nghiệp chế biến, chế tạo; nghệ thuật, vui chơi giải trí và bán buôn bán lẻ, sửa chữa xe máy.

Nhìn từ các con số, doanh nghiệp đang mọc lên ở ngành nào, đi đâu lập nghiệp? - Ảnh 1.

Dữ liệu: Tổng cục Thống kê


Nhóm 4 lĩnh vực còn lại chứng kiến sự sụt giảm tốc độ (đạt dưới 100% so với cùng kỳ) thành lập mới doanh nghiệp là xây dựng; khai khoáng; dịch vụ lưu trú, ăn uống và tài chính ngân hàng.

Trong đó lĩnh vực xây dựng có sự khởi sắc khi kết thúc quý I nhưng lại sụt giảm dần trong quý II. Tốc độ thành lập mới doanh nghiệp khai khoáng giảm tương đối mạnh trong giai đoạn đầu năm nhưng dần ổn định trong quý II và chạm ngưỡng 100%. Ngành tài chính ngân hàng chưa có dấu hiệu hồi phục tốc độ tăng mới doanh nghiệp.

Nhìn từ các con số, doanh nghiệp đang mọc lên ở ngành nào, đi đâu lập nghiệp? - Ảnh 2.

Dữ liệu: Tổng cục Thống kê


Về tốc độ giải thể doanh nghiệp, ngành sản xuất, phân phối điện, nước, gas giải thể gấp hơn 4 lần trong tháng 1 so với cùng kỳ. Các tháng sau đó giảm dần tốc độ giải thể xuống còn 3 lần, 2 lần và 1,5 lần. Nhưng nhìn chung ngành này cùng với bất động sản, là hai ngành chủ yếu đẩy tốc độ giải thể doanh nghiệp trung bình trong hai quý đầu năm lên cao, tăng tới 18,1% so với cùng kỳ năm trước.

4 ngành còn lại cũng có tốc độ giải thể doanh nghiệp tăng là nghệ thuật, vui chơi giải trí; khoa học công nghệ; y tế và hoạt động xã hội cùng với hoạt động dịch vụ khác.

Tài chính ngân hàng; bán buôn bán lẻ sửa chữa xe máy, giáo dục đào tạo và nông nghiệp tuy tốc độ giải thể có thấp hơn nhóm đầu nhưng nhìn chung vẫn còn cao (tăng từ 20%-30% so với cùng kỳ năm trước).

5 ngành còn lại là thông tin truyền thông; dịch vụ lưu trú ăn uống; xây dựng, công nghiệp chế biến chế tạo và khai khoáng có tốc độ giải thể doanh nghiệp không tăng hoặc giảm nhẹ. Nhưng đồng thời các ngành này hầu như cũng không có tốc độ thành lập mới doanh nghiệp khả quan.

Nhìn từ các con số, doanh nghiệp đang mọc lên ở ngành nào, đi đâu lập nghiệp? - Ảnh 3.

Dữ liệu: Tổng cục Thống kê


Theo khu vực kinh tế, trong 6 tháng đầu năm có 960 doanh nghiệp thành lập mới thuộc khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, chiếm 1,4% tổng số doanh nghiệp thành lập mới; có 18,2 nghìn doanh nghiệp thuộc khu vực công nghiệp và xây dựng, chiếm 27,2%; có 47,8 nghìn doanh nghiệp thuộc khu vực dịch vụ, chiếm 71,4%.

Nhìn từ các con số, doanh nghiệp đang mọc lên ở ngành nào, đi đâu lập nghiệp? - Ảnh 4.

Dữ liệu: Tổng cục Thống kê


Có thể thấy, hai đầu tàu kinh tế của cả nước là Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ vẫn là hai vùng thu hút doanh nghiệp thành lập mới nhất. Hầu hết các vùng kinh tế có số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng so với cùng kỳ năm trước, riêng vùng Trung du và miền núi phía Bắc có số doanh nghiệp thành lập mới giảm 5,2% so với cùng kỳ năm trước.

Theo Hoàng An

Cùng chuyên mục
XEM